Colombia và FARC nối lại đàm phán hòa bình

NDO - NDĐT- Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã nối lại các vòng đàm phán hòa bình vào ngày 5-12 giữa lúc căng thẳng liên quan đến một cuộc tiến công của lực lượng thuộc chính phủ Colombia nhằm vào các tay súng FARC và việc thiết lập một hạn chót cho thỏa thuận hòa bình.
Các thành viên trong đoàn đàm phán của lực lượng FARC
Các thành viên trong đoàn đàm phán của lực lượng FARC

Cuộc đối thoại đã bắt đầu trở lại tại Havana sau năm ngày gián đoạn, trong thời gian đó lực lượng thuộc chính phủ Colombia đã thực hiện một cuộc tiến công quân sự nhằm vào lực lượng FARC sớm ngày 1-12 tại tỉnh Narino, gần biên giới với Ecuador làm ít nhất 20 tay súng của FARC thiệt mạng. Các tay súng cánh tả đã lên tiếng chỉ trích Bogota không thực thi lệnh ngừng bắn.

FARC chính thức bắt đầu các cuộc đàm phán với Bogota vào 18-10 tại Na Uy. Địa điểm đàm phán được chuyển đến Havana vào ngày 19-11.

Ngay trước giờ khai mạc đàm phán ngày 19-11 tại Havana, trưởng đoàn đàm phán của FARC Ivan Marquez đã tuyên bố FARC sẽ đơn phương ngừng bắn trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, chính phủ Colombia đã từ chối thực hiện bất kỳ lệnh ngừng bắn nào cho đến khi thỏa thuận hòa bình cuối cùng được ký kết với FARC do nghi ngờ về việc tuân thủ cam kết ngừng bắn của lực lượng này.

Cả chính phủ Colombia và lực lượng FARC đều kêu gọi người dân Colombia cùng tham gia vào tiến trình đàm phán hòa bình.

Cựu Phó Tổng thống Colombia Humberto de la Calle, trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Colombia, cho biết, một diễn đàn công khai về vấn đề tái phân phối ruộng đất và phát triển nông thôn sẽ được tổ chức tại thủ đô Bogota từ ngày 17 đến 19-12.

Trước đó, hai bên cũng cho biết, họ sẽ thiết lập một website về các vòng đàm phán, để người dân Colombia có thể theo dõi tiến trình đàm phán hòa bình.

Các vòng đàm phán hòa bình lần này là nỗ lực mới nhất của chính phủ Colombia và lực lượng FARC nhằm kết thúc cuộc xung đột kéo dài gần một nửa thế kỷ, làm 600 nghìn người chết, 15 nghìn người mất tích và bốn triệu người phải di dời chỗ ở tại Colombia.

Cuba và Na Uy đảm nhận vai trò là những nước bảo trợ cho các vòng đàm phán. Trong khi đó, Venezuela và Chile cũng cử đại diện đến Havana.