Đường lên miền cực bắc Thái-lan quanh co, hiểm trở theo các ngọn núi trập trùng, nối tiếpnhau. Nhưng như để bù lại, miền cực bắc này lại được tạo hoá ban tặng bầu không khí trong lành và phong cảnh tuyệt mỹ. Đó là cảm nhận của chúng tôi khi lần đầu lên vùng đồi Ang Khang thuộc huyện Fang, tỉnh Chiang Mai, miền bắc Thái-lan, nơi diễn ra câu chuyện cổ tích thời hiện đại, chuyện về sự hồi sinh của một vùng đất…
Bức tranh quá khứ
Cái tên Ang Khang bắt nguồn từ phương ngữ miền bắc nước Thái-lan có nghĩa là “Thung lũng hình chữ nhật”. Nằm cách thủ phủ tỉnh Chiang Mai 163 km, ở độ cao 1.400 mét so mặt biển, đồi Ang Khang là một khu vực xa xôi, hẻo lánh nằm sát đường biên giới Thái-lan – Myanmar.
Cộng đồng dân cư ở khu vực này bao gồm người Mông, Dao, Lahu (Musor), Karen, Polong, Hoa…, xây dựng bản làng bằng những vật liệu sẵn có của núi rừng và "làm nông nghiệp" theo phương thức truyền thống là chặt cây, đốt rừng, làm nương rẫy. Hết mùa, người nông dân bỏ hoang mảnh đất đó, đi tìm mảnh đất khác và lặp lại quy trình canh tác cũ. Họ chỉ quay lại mảnh đất đầu tiên sau nhiều năm. Phương thức này không mang lại năng suất cao mà còn khiến diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp, khiến rừng bị tàn phá trầm trọng, đất bị bạc màu, hoang hoá.
Để kiếm sống, ngoài việc trồng lúa, ngô, người dân phải trồng cây thuốc phiện để bán lấy tiền mua các vật dụng cần thiết hoặc đổi thóc gạo. Trong nhiều thập niên trước, thuốc phiện là một trong nguồn thu nhập chính của người dân sống ở vùng núi cao nghèo nàn, lạc hậu này. Chung quanh được bao bọc bởi các dãy núi, nơi gần nhất chỉ cách đường biên giới Thái-lan - Myanmar chưa đầy năm km, khu vực đồi Ang Khang ở vị trí khá “thuận lợi” cho việc trồng trọt và trao đổi, buôn bán thứ sản phẩm chết người này.
Từ năm 1959, Thái-lan ban hành lệnh cấm trồng cây thuốc phiện. Tuy nhiên vào thời điểm bấy giờ chưa có bất cứ nghiên cứu hoặc chương trình phát triển nào giúp người dân vùng cao trồng các sản phẩm thay thế nhằm xoá đói nghèo, ổn định cuộc sống. Trong không ít năm sau đấy, người dân không còn chọn lựa nào ngoài việc tiếp tục trồng, thu hoạch và buôn bán thuốc phiện tuy cuộc sống vẫn bấp bênh.
Đến cuối những năm 60 của thế kỷ trước, chỉ riêng miền bắc Thái-lan trong đó bao gồm cả khu vực đồi Ang Khang hằng năm sản xuất tới 150 tấn thuốc phiện. Những hoạt động phi pháp đó gây ra tình trạng bất ổn ở khu vực biên giới, gây khó khăn cho Chính phủ trong một thời gian dài.
|
Năm 1969, trong một lần lên thăm tỉnh Chiang Mai, Quốc vương Thái-lan Bhumibol Adulyadej đã được chứng kiến môi trường thiên nhiên bị hủy hoại nặng nề do lối canh tác đốt nương làm rẫy. Khi tới các ngôi làng ở khu vực phía bắc tỉnh Chiang Mai, trong đó có đồi Ang Khang, tiếp xúc dân chúng, đức vua hiểu rõ hơn rằng, để kiếm sống, không ít người dân phải bất chấp luật pháp tiếp tục trồng cây thuốc phiện.
Người dân ở vùng đồi Ang Khang vẫn lưu truyền câu chuyện về Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Tới Chiang Mai, Đức Vua đã đi bộ lên thăm một làng nhỏ của người Mông. Tại đây, Ngài đã hỏi người dân liệu họ có được nguồn thu nhập nào khác ngoài việc trồng cây thuốc phiện.
Một người dân thẳng thắn trả lời Đức Vua rằng, cùng việc trồng cây thuốc phiện, người dân vùng cao thu hoạch đào và sản phẩm đó cũng cho họ một nguồn thu nhập tương tự trồng cây thuốc phiện. Vậy là vùng đất này có thể trồng những loài cây khác mang lại thu nhập cho người dân, thay thế cây thuốc phiện
Đó là lời giải đáp cho những băn khoăn trăn trở của Đức vua khi Ngài tìm hướng phát triển bền vững cho vùng đất nghèo khổ miền bắc Thái-lan này. Và cũng là lúc ý tưởng giúp người dân tự chủ cải thiện cuộc sống một cách bền vững thông qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phương thức canh tác bắt đầu được nhen nhóm.
Quốc vương Thái-lan quyết định mua đất tại đồi Ang Khang để xây dựng Trung tâm nông nghiệp hoàng gia Ang Khang. Ang Khang trở thành một trong những địa điểm đầu tiên triển khai Dự án phát triển đời sống người dân miền núi dưới sự bảo trợ của hoàng gia mà sau này được gọi là Dự án hoàng gia, một dự án lớn được thực hiện ở năm tỉnh miền núi phía bắc Thái-lan.
Sự hồi sinh mạnh mẽ
Ngôi làng nhỏ Norlae có khoảng 800 dân người dân tộc Polong và Lahu nằm nép mình bên sườn dãy núi Tanao Si, đường biên giới tự nhiên giữa Thái-lan và Myanmar, dưới chân đồi Ang Khang. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, người dân ở đây kiếm sống bằng việc trồng thuốc phiện theo đơn đặt hàng của những tổ chức buôn bán thuốc phiện xuyên biên giới.
Được sự khuyến khích của Trung tâm nông nghiệp hoàng gia Ang Khang, người nông dân làng Norlae đã tham gia trồng các loại rau sạch như rau diếp, bắp cải, cải xoăn, rau bina, củ cải đường, đậu, búp đậu hoa… trên các thửa ruộng bậc thang. Trung tâm cũng xây dựng giếng nước và hệ thống thủy lợi bảo đảm cho người nông dân có đủ nước tưới quanh năm. Cuộc sống của người dân ở đây thay đổi hẳn từ khi tham gia dự án của Trung tâm.
|
Ông Moh Man Hon, 70 tuổi, ở bản Nolae cho biết, trước kia cả nhà ông trông coi nương thuốc phiện nhưng kể từ ngày tham gia dự án chuyển đổi cây trồng đến nay, cuộc sống đỡ vất vả hơn nhiều, nhà ông, ai cũng đủ ăn, đủ mặc. Theo một cán bộ tại Trung tâm nông nghiệp hoàng gia Ang Khang, mỗi vụ thu hoạch, không ít hộ dân có thu nhập tới 50 nghìn baht (khoảng 20 triệu đồng Việt Nam) nhờ bán các sản phẩm cho trung tâm.
Norlae là một trong sáu làng trong phạm vi hỗ trợ của Trung tâm nông nghiệp hoàng gia Ang Khang. Là một trong những hình mẫu nghiên cứu, hỗ trợ người dân vùng núi cao trồng các loài hoa, cây ăn quả, các loài rau, thảo dược và tái sinh rừng thuộc phạm vi Dự án hoàng gia, Trung tâm nông nghiệp hoàng gia Ang Khang đã áp dụng nhiều biện pháp giúp người dân cải thiện cuộc sống, đóng góp lớn trong việc bảo tồn và phục hồi môi trường thiên nhiên.
Từ năm 1969, Dự án hoàng gia đặt mục tiêu ngăn chặn tàn phá rừng ở khu vực đồi núi dốc và khuyến khích trồng rừng; chấm dứt việc đốt rẫy làm nương, xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện, hướng dẫn người dân chuyển đổi phương thức canh tác, trồng những loài cây thích hợp cho thu nhập cao; cung cấp cho người dân kiến thức làm nông nghiệp và chăn nuôi ở vùng cao; nghiên cứu các loài động, thực vật thích hợp thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất này, nghiên cứu điều kiện chuyên chở và thị trường tiêu thụ; hỗ trợ người dân trong lĩnh vực giáo dục, y tế và kế hoạch hoá gia đình.
Gắn bó với Dự án hoàng gia và Trung tâm nông nghiệp hoàng gia Ang Khang từ những ngày đầu, Chủ tịch Dự án, Hoàng tử Bhisatej Rajani cho biết, để thuyết phục người dân chuyển đổi trồng cây thuốc phiện sang trồng những loài cây cho thu nhập kinh tế cao, cán bộ Trung tâm từng gặp không ít khó khăn.
Cán bộ dự án đã từng xuống tận vườn thuốc phiện, nơi những người dân địa phương trang bị vũ khí canh gác cẩn mật để thuyết phục họ chuyển đổi phương thức trồng trọt. Khi người dân chấp thuận chuyển đổi phương thức canh tác là lúc dự án phải tính đến chuyện nghiên cứu đất, giới thiệu các mẫu cây trồng, phương pháp gieo trồng, xây dựng hệ thống đường sá, thuỷ lợi…
Trong vòng 20 năm kể từ ngày thành lập, trung tâm đã xác định được hơn 100 loài thực vật thích hợp thổ nhưỡng và khí hậu ở khu vực này, có thể mang lại thu nhập cao cho người dân trong đó có 60 loài rau, 20 loài hoa, 12 loài quả ôn đới, các loại cây phát triển nhanh…
Trung tâm cũng xây dựng một mô hình khép kín, theo đó hướng dẫn người dân trồng các loài hoa, rau quả áp dụng kỹ thuật tiến tiến, đồng thời thu mua, đóng gói và giúp các sản phẩm của người dân tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Hệ thống giao thông, đường sá cũng được cải tạo để việc đi lại, chuyên chở các sản phẩm dễ dàng hơn.
|
Không chỉ trồng các hoa, cây cảnh, rau…, người dân cũng được khuyến khích làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ để thêm thu nhập, nâng cao chât lượng cuộc sống.
Cùng chúng tôi đi thăm khu vực đồi Ang Khang, Hoàng tử Bhisatej Rajani, người được Quốc vương Bhumibol Adulyadej ủy nhiệm phụ trách Dự án hoàng gia đã gọi đó là “sự kỳ diệu của đồi Ang Khang”. Theo ông, một trong những nguyên nhân đem lại thành công là mọi hoạt động của Dự án đều hướng đến phát triển kinh tế bền vững cho người dân vùng núi trên cơ sở tạo điều kiện cho người dân tự làm chủ cuộc sống của họ.
Đến nay, diện tích rừng che phủ khu vực do Trung tâm nông nghiệp hoàng gia Ang Khang quản lý là 37,49 km vuông đã đạt hơn 95%. Dự án đã mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 3.000 dân ở sáu làng: Ban Luang, Ban Khum, Ban Pangma, Ban Khobdong, Ban Paka và Ban Nolae. ở toàn khu vực miền bắc Thái-lan, nơi thực hiện các hợp phần khác của Dự án Hoàng gia, độ che phủ đạt hơn 80%, việc trồng cây thuốc phiện đã giảm hơn 85% so trước kia.
Đồi Ang Khang từ một vùng đất cằn cỗi, môi trường bị tàn phá nặng nề, không chỉ hồi sinh mà còn trở thành một trong những địa điểm du lịch kỳ thú của Thái-lan. Được xoá tên trên bản đồ các vùng trồng cây thuốc phiện, đồi Ang Khang đã xuất hiện trên bản đồ du lịch Thái-lan, là điểm đến của nhiều tour du lịch.
Khí hậu lạnh quanh năm, có lúc xuống tới âm ba độ vào mùa đông, không chỉ giúp người dân trồng hoa và các loài rau quả vùng ôn đới mà còn thu hút những du khách trong nước và ngoài nước đến thưởng thức bầu không khí trong lành, ngắm những đoá hoa hồng, hoa lan muôn màu khoe sắc. Đây là cơ hội để người dân địa phương bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đồ thổ cẩm, hàng lụa tơ tằm, đồ trang sức bằng bạc…
Thành công của Trung tâm nông nghiệp hoàng gia Ang Khang là cơ sở để Dự án hoàng gia mở ra trên phạm vi rộng hơn tại năm tỉnh miền bắc Thái-lan bao gồm Chiang Mai, Chiang Rai, Phayao, Lamphun và Mae Hong Son mang lại lợi ích cho hơn 100 nghìn người. Đến nay, Dự án hoàng gia đã xây dựng Quỹ dự án hoàng gia, trong đó phải kể đến những nguồn đóng góp không nhỏ của Chính phủ Thái-lan và một số tổ chức quốc tế. Có không ít các nhà khoa học các trường đại học, viện nghiên cứu Thái-lan đã tham gia công tác tình nguyện tại Dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, giáo dục, y tế…
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia ở dưới chân đồi Ang Khang có một hồ nước quanh năm trong vắt. Có lần những tiên nữ từ trên trời xuống trần gian chơi đã cởi bỏ xiêm y xuống tắm tại hồ nước này. Một thợ săn đi qua bắt gặp đã dùng sợi dây thừng để giữ một nàng tiên. Không thể trở về trời, tiên nữ đã ở lại làm vợ chàng thợ săn. Từ đó, đời này qua đời khác, con cháu của người thợ săn và tiên nữ đã dựng nhà cửa, lập nên làng bản trù phú…
Câu chuyện ấy, tôi được nghe tại ngôi làng Norlae dưới chân đồi Ang Khang. Người dân đồi Ang Khang cũng quả quyết rằng, sợi dây thừng ngày xưa là dây thắt lưng bằng bạc, đồ trang sức không thể thiếu của các thiếu nữ Norlae xinh đẹp ngày nay. Giờ đây, tại nơi này, cũng chính những con cháu của người thợ săn và tiên nữ khi xưa là người viết tiếp câu chuyện thần kỳ của thời hiện đại.