Có thể làm gì đối với gánh nặng ung thư do thuốc lá

Ông David Khayat là cha đẻ các chiến lược phòng chống ung thư quốc gia danh tiếng hàng đầu ở Pháp. Cụ thể, ông là Giáo sư Khoa Ung thư học tại Đại học Pierre và Marie Curie, Trưởng khoa Ung bướu của Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Paris, nguyên Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia Pháp. Ông hiện đảm nhận vai trò cố vấn cho Giám đốc Điều hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva. Nhân dự hội thảo “Ung thư Việt - Pháp” có chủ đề “Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư” do Bệnh viện K (Bộ Y tế) vừa tổ chức, ông đã có những chia sẻ, nhận định về gánh nặng ung thư liên quan thuốc lá và cập nhật về những hướng tiếp cận mới để giải quyết vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư David Khayat có những chia sẻ, nhận định về gánh nặng ung thư liên quan thuốc lá. (Nguồn ảnh: lejsl)
Giáo sư David Khayat có những chia sẻ, nhận định về gánh nặng ung thư liên quan thuốc lá. (Nguồn ảnh: lejsl)

Di truyền chỉ chiếm 5% nguyên nhân ung thư

Giáo sư David Khayat cho biết ung thư là một tình trạng tăng sinh không có kiểm soát và không có giới hạn của những tế bào bị đột biến. Sở dĩ những tế bào này bị đột biến là do nó tiếp xúc với những chất gây ung thư. Hiện nay 95% nguyên nhân ung thư là do tiếp xúc với các chất gây ung thư, chỉ có 5% nguyên nhân ung thư là do nguyên nhân di truyền. Ung thư đã, đang là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, xếp hàng đầu trong nhóm bệnh không lây nhiễm, cùng các bệnh: tim mạch, hô hấp, đái tháo đường…

Mô hình bệnh tật đã thay đổi rất nhiều trong 50 năm qua, khởi đầu là những bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng 30 năm trở lại đây, những bệnh không lây nhiễm đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Giáo sư David Khayat


Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 60 triệu người chết, trong đó 71% số người chết liên quan đến các bệnh không lây nhiễm, và ung thư thuộc nhóm chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 500 nghìn người chết, trong đó tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm đến 77% (cao hơn so với trung bình thế giới) và tử vong do ung thư chiếm đến 22% tổng số các bệnh không lây nhiễm.

Nếu nhìn vào yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, thuốc lá đứng hàng đầu, tiếp đến là những thói quen xấu khác như: ít vận động, ô nhiễm không khí, các bệnh lý chuyển hóa, tăng huyết áp, thói quen ăn mặn… là những nguyên nhân chính gây nên các bệnh không lây nhiễm hiện nay.

Theo đánh giá của Giáo sư David Khayat, mô hình ung thư ở Việt Nam cũng giống các nước trong khu vực Đông Nam Á. Các bệnh ung thư thường gặp hàng đầu ở Việt Nam là ung thư gan, phổi, dạ dày, vú...

Chính phủ Việt Nam và nhiều nước trên thế giới trong những năm qua đã đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn sự gia tăng của căn bệnh nguy hiểm này, như cấm thuốc lá nơi công cộng, tăng giá thuốc lá… Tuy nhiên, thực tế cho thấy tử vong do ung thư bởi thuốc lá vẫn đứng hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó chứng tỏ những nỗ lực chưa đạt hiệu quả. Cách đây 30 năm, thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, đến nay thuốc lá vẫn là nguyên nhân gây ung thư hàng đầu tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Giảm nguy cơ ung thư: Giảm tiếp xúc với chất gây ung thư

Theo Giáo sư David Khayat: Phần lớn ung thư là do hậu quả của việc tiếp xúc các chất gây ung thư. Đây là một khái niệm căn bản mà mọi người cần biết để có biện pháp phòng tránh hiệu quả, từ đó giúp giảm nguy hại. Khi tiếp xúc càng nhiều với các chất gây ung thư thì nguy cơ ung thư càng cao. Mức độ tiếp xúc với các chất gây ung thư có liên quan đến hai yếu tố, thứ nhất là liều lượng của chất gây ung thư; thứ hai là khoảng thời gian tiếp xúc với chất gây ung thư.

Vậy làm cách nào để giảm ung thư? Theo Giáo sư David Khayat có hai cách. Cách hiệu quả nhất là loại bỏ hoàn toàn việc tiếp xúc với các chất gây ung thư và giảm thời gian tiếp xúc với các chất gây ung thư.

Nói về khả năng loại bỏ hoàn toàn việc tiếp xúc với các chất gây ung thư, Giáo sư Khayat cho biết, tỷ lệ người hút thuốc lá trên thế giới giảm dần theo thời gian, nhưng trên thực tế sự gia tăng dân số kéo theo tổng số người hút thuốc lá trên thế giới không thay đổi so với 25 năm trước (vẫn giữ ở mức trên 1 tỷ người). Như vậy, việc loại bỏ thuốc lá để loại bỏ các chất gây ung thư từ thuốc lá đã không đạt kết quả như mong muốn.

Nếu không loại bỏ được hoàn toàn việc tiếp xúc với chất gây ung thư (cai hoàn toàn thuốc lá) chúng ta cần phải đi đến biện pháp thứ hai, đó là giảm mức tiếp xúc với chất gây ung thư.

Trong khói thuốc lá có hơn 6.000 hóa chất và những hạt siêu mịn, trong đó 93 chất có các nguy cơ gây hại hoặc gây hại thật sự. Trong 93 chất này, có đến 80 chất được xếp là những chất có tiềm năng gây ung thư, có khả năng gây ung thư.

Giáo sư David Khayat cho rằng, tất cả mọi người đều muốn ngừng hút thuốc, nhưng thuốc lá là một chất gây nghiện, rất khó để cai. Ngay cả những người bị bệnh hiểm nghèo như ung thư sắp phải hóa trị, xạ trị, sắp phải phẫu thuật… thậm chí sắp chết, nhưng khi bảo họ bỏ thuốc hoặc ngừng hút thuốc thì có đến 60% vẫn tiếp tục hút thuốc dù họ đang trong tình thế bệnh hiểm nghèo.

Ngay cả điều trị thay thế nicotin (cung cấp nicotin tinh chất cho người nghiện) thì sau 2 tháng có 70% người có thể ngừng hút thuốc, nhưng sau 2 năm thì con số này chỉ còn 6%. Ngoài nicotin là chất gây nghiện ra, người sử dụng thuốc lá còn nghiện hành vi như thói quen cầm điếu thuốc, bật lửa để đốt cháy điếu thuốc, rít, nhả khói…

Như vậy, mặc dù hút thuốc lá rất nguy hại nhưng việc thuyết phục người ta bỏ thuốc lá là rất khó khăn. Do đó, Chính phủ nhiều nước đã áp dụng các giải pháp mới là các sản phẩm thuốc lá mới để thay thế nhằm làm giảm sự nguy hại của thuốc lá điếu. Các sản phẩm thuốc lá mới hoạt động trên cơ chế làm nóng, thay vì đốt cháy sẽ giảm được nguy cơ tiếp xúc với các độc chất, nói cách khác là giảm được mức độ tiếp xúc với các chất sinh ung thư.

Trước tình hình tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn cao, nhất là việc gia tăng sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ, Giáo sư David Khayat cho rằng, tại Việt Nam các nguồn thuốc lá mới hiện không được kiểm soát, vẫn được bán trôi nổi trên thị trường chợ đen. Cho nên, thay vì không cho phép, chúng ta nên cho phép sử dụng những sản phẩm có các điều kiện kiểm soát nó bằng cách đưa ra những quy tắc, quy định, tiêu chí, chất lượng cụ thể cho các sản phẩm để người sử dụng biết.