Lựa chọn điểm đến an toàn
Điều quan trọng là bạn cần phải nắm thông tin về tỷ lệ và nguy cơ mắc Covid-19 tại nơi mà bạn định đến. Hãy chọn những điểm đến an toàn nhất dựa trên số ca mắc Covid-19 tại địa phương, các chính sách phòng ngừa dịch và khả năng xử lý khi dịch có nguy cơ bùng phát. Việc nắm thông tin tại nơi mà bạn định dành thời gian cho chuyến đi sẽ vô cùng cần thiết để bạn có được lựa chọn điểm đến an toàn nhất.
Lựa chọn nơi lưu trú thích hợp
Sau khi đã chọn được điểm đến hợp lý, việc lựa chọn nơi lưu trú là một bước khá quan trọng cho chuyến đi của bạn. Những người tới khách sạn đến từ mọi vùng miền và trên thế giới. Do đó, dù bạn có tới ở một khu vực không có hoặc có ít ca mắc Covid-19 thì vẫn luôn cần thận trọng thực hiện những bước sau:
Trước khi quyết định đặt khách sạn, nơi lưu trú, hãy tìm hiểu chính sách bảo vệ khách hàng và nhân viên của khách sạn, nơi lưu trú trong mùa dịch.
Hãy vào trang web của các khách sạn/ nơi lưu trú xem họ có đăng tải các thông tin thiết yếu bao gồm: khách sạn có yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang hay không, có cung cấp khẩu trang cho du khách hay không?; biện pháp giãn cách xã hội nào được thực hiện tại khách sạn?; khách sạn có đăng tải các thông báo về chính sách phòng ngừa Covid-19 hay không?; khách sạn có để dung dịch sát khuẩn tại các khu vực trong khách sạn hay không?; các khu vực chung tại khách sạn có được thường xuyên sát khuẩn hay không? Khách sạn có thực hiện việc đăng ký nhận phòng (check-in) không tiếp xúc hay không?.
Nếu bạn không thể tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi trên trên trang thông tin trực tuyến, hãy nhấc máy và gọi điện trực tiếp tới khách sạn để chắc chắn về những thông tin cần thiết này.
Một điều quan trọng nữa dù trong thời điểm bùng phát dịch Covid-19 hay không là hãy hỏi khách sạn về dịch vụ y tế, đề phòng khi bạn hoặc người trong đoàn đi cùng gặp sự cố về sức khỏe. Hãy nắm thông tin về phòng khám, bệnh viện gần khách sạn nhất.
Làm gì khi đi máy bay/ phương tiện giao thông đông người trong mùa dịch?
Máy bay luôn là phương tiện đi lại phổ biến trong những chuyến du lịch xa, nhưng lại đang là hình thức vận tải mang theo nhiều lo ngại nhất trong đại dịch Covid-19. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lin J. Chen tại Đại học Y tế Harvard và Giám đốc Trung tâm Y tế Du lịch Cambride tại Mount Auburn, “các dữ liệu đến nay cho thấy chỉ có rất ít nguy cơ lây nhiễm trên chuyến bay”. Phó Giáo sư Chen giải thích rằng nếu tất cả mọi người đều tuân thủ theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trên máy bay và bất cứ đâu cũng sẽ giảm đáng kể.
Giải thích kỹ hơn cho vấn đề này, Phó Giáo sư Joe Allen, giám đốc Chương trình xây dựng y tế tại trường Đại học Y tế Cộng đồng T.H.Chan thuộc Đại học Harvard nói rằng: “Rất nhiều người nghĩ rằng họ bị nhiễm bệnh trên máy bay. Thực tế là chất lượng không khí trên máy bay thực sự rất tốt – có một lượng lớn không khí từ bên ngoài vào và tất cả không khí luân chuyển thông qua một màng lọc HEPA”. Theo Phó Giáo dư Allen, mọi người nhiều khả năng nhiễm virus, vi khuẩn bám tại quầy thủ tục an ninh sân bay, cửa ra máy bay hoặc ở trên tàu điện.
Ngành hàng không và các hãng bay đang cố gắng giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm trong môi trường hoạt động thường xuyên đông người này.
Việc làm sạch chuyên sâu hiện đã trở thành một tiêu chuẩn với tất cả các hãng không quốc tế và trong nước trong mùa dịch Covid-19.
Tại Việt Nam, các hãng bay nội địa như Vietnam Airlines, Bamboo Airlines, Vietjet Air,… đều chủ động chủ động vệ sinh toàn bộ khoang máy bay, ghế ngồi, bàn ăn, dụng cụ xe đẩy, khu vệ sinh trên máy bay,… bằng dung dịch khử trùng chuyên dụng được các nhà sản xuất máy bay Airbus, Boeing chấp thuận. Quy trình được các Hãng thực hiện ngay từ thời điểm dịch có xu hướng gia tăng, giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe hành khách, phi hành đoàn.
Theo hướng dẫn của WHO, các hãng hàng không tại Việt Nam và trên thế giới đều bắt buộc hành khách phải đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay. Nhiều hãng bay đã xử phạt hành khách không chấp hành quy định đeo khẩu trang trên máy bay.
Bên cạnh đó, nhiều hãng hàng không cũng cố gắng sắp xếp hành khách ngồi giãn cách để bảo đảm khoảng cách an toàn.
Cũng như máy bay, trong mùa đại dịch, các phương tiện vận tải đông người như xe buýt, xe khách đường dài, tàu hỏa cũng có những quy định phòng dịch như yêu cầu hành khách đeo khẩu trang, khai báo y tế và sát khuẩn, khử trùng.
Làm gì khi lưu trú ở khách sạn?
Khi đã tới khách sạn, hãy luôn nhớ đeo khẩu trang và đứng cách xa người khác tối thiểu 1m. Dù bạn ở nơi không có ca mắc Covid-19 thì hãy luôn nhớ chúng ta hiện vẫn ở thời điểm đại dịch Covid-19 và vẫn chưa có vaccine hay biện pháp điều trị hiệu quả. Hãy nhớ đeo khẩu trang dù bạn ở bất kỳ khu vực nào. Nếu là người trên 60 tuổi, có bệnh nền, hãy luôn sử dụng khẩu trang y tế theo đúng khuyến cáo của WHO.
Khi check-in, hãy cố gắng yêu cầu nhân viên quầy lễ tân cho bạn phòng nghỉ chưa có người sử dụng vài ngày trước đó.
Theo một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Y khoa New England, virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại tới 72 giờ trên một số bề mặt, bao gồm nhựa và thép không gỉ. Do vậy, sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nếu phòng lưu trú có khách ở ngay trước đó. Trong mùa dịch, các khách sạn thường khử trùng phòng ở để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nhưng để an toàn tối đa, hãy yêu cầu phòng không có khách ở trong vòng ba ngày.
Khi ở trong phòng, hãy dành tối đa thời gian mở tất cả cửa sổ để thông thoáng không khí trong phòng. Các nhà khoa học nói rằng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong không gian kín thường cao hơn. Vì thế hãy mở cửa sổ và cửa chính để không khí trong phòng được lưu thông, gúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus.
Khi sử dụng phòng ở khách sạn, trong thời gian đại dịch, bạn hãy cố gắng từ chối dịch vụ dọn phòng hàng ngày để giảm số lượng người lạ vào trong phòng. Nếu cần thay khăn tắm mới, chai nước mới, hãy để đồ cũ và viết yêu cầu để ngoài cửa phòng.
Bạn cũng cần tránh tới các khu vực tập gym, bể bơi và spa trong khách sạn bởi đây là những khu vực có đông người sử dụng chung, không gì có thể bảo đảm được nguy cơ lây nhiễm thấp cho dù bạn và những người khác có sử dụng khẩu trang.
Luôn nhớ giãn cách khi tới điểm du lịch
Tiến sĩ Brian Labus, Phó Giáo sư tại Đại học Nevada, Đại học Y tế Cộng đồng Las Vegas nói: “Nguy cơ lây nhiễm lớn nhất đến từ việc tiếp xúc gần với người khác. Sẽ càng tốt khi bạn càng ít tiếp xúc với người khác”.
Do vậy, khi tới các điểm du lịch, hãy nhớ luôn đeo khẩu trang và mang theo nước sát khuẩn để khử trùng tay thường xuyên. Đừng quên giữ khoảng cách tối thiểu 1m với người khác. Và luôn thực hiện theo các quy định phòng dịch của địa phương.
Nếu bạn quyết định thực hiện chuyến đi ra nước ngoài, hãy tìm hiểu trước các chính sách phòng dịch của nước đó. Một số điểm đến trên thế giới yêu cầu du khách phải chứng minh đã xét nghiệm âm tính với Covid-19, một số điểm đến tiến hành xét nghiệm ngay cho du khách khi tới nơi. Nhiều nơi quy định bắt buộc cách ly 14 ngày. Một số nơi yêu cầu bạn phải tải app theo dõi Covid-19 hoặc đeo vòng tay điện tử theo dõi sức khỏe như tại Hàn Quốc, Singapore để bảo đảm bạn tuân theo các quy định phòng ngừa Covid-19.
Lưu ý, dù vô tình hay cố ý không tuân thủ những quy định phòng dịch này, bạn có thể sẽ phải đối mặt với những mức phạt khá nặng. Vì thế, hãy tìm hiểu kỹ và tuân thủ các quy định phòng dịch để có được chuyến đi an toàn nhất.