Cơ quan công tố Đức điều tra vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2

Các công tố viên Liên bang Đức ngày 10/10 cho biết đã phối hợp các đối tác châu Âu mở cuộc điều tra về các sự cố dẫn đến rò rỉ khí đốt của 2 tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2.
0:00 / 0:00
0:00
Đường ống dẫn khí đốt thuộc Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đường ống dẫn khí đốt thuộc Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo người phát ngôn Văn phòng Công tố Liên bang Đức, họ tiến hành cuộc điều tra trên do nghi ngờ có hành động "cố ý gây ra vụ nổ" và hành vi "phá hoại" đối với 2 tuyến đường ống trên.

Các công tố viên Đức cho biết có "đủ bằng chứng" cho thấy 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt trên "bị cố ý gây hư hỏng bằng ít nhất 2 vụ nổ". Cuộc điều tra này chủ yếu nhằm xác định thủ phạm, cũng như động cơ của thủ phạm.

Văn phòng công tố Liên bang Đức thường chỉ mở các cuộc điều tra liên quan đến an ninh quốc gia như tấn công khủng bố. Nhưng trong vụ việc này, cơ quan công tố Đức cho rằng hành động "tấn công vào nguồn cung năng lượng có thể ảnh hưởng đến an ninh trong và ngoài nước".

Cuộc điều tra này không liên quan đến các cuộc điều tra cũng được cảnh sát liên bang và cơ quan điều tra liên bang của Đức tiến hành.

Trước đó, Đức, Thụy Điển và Đan Mạch đã thành lập đơn vị điều tra chung để làm rõ nguyên nhân các sự cố vừa qua. Ngày 6/10, giới chức Thụy Điển cho biết cuộc kiểm tra 2 trong số các vụ rò rỉ khí đốt ở 2 tuyến đường ống dẫn khí đốt trên càng củng cố nghi ngờ rằng sự cố này là do hành vi phá hoại.

Tuy nhiên, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ngày 10/10 tuyên bố nước này sẽ không chia sẻ kết quả cuộc điều tra về các vụ nổ trên 2 tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 với phía Nga.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Andersson nhấn mạnh ở Thụy Điển, các cuộc điều tra sơ bộ được bảo mật, và trong trường hợp này, điều đó cũng được áp dụng. Tuy nhiên, Thủ tướng Andersson cho biết nước này không ngăn chặn các tàu của Nga tiếp cận các địa điểm xảy ra vụ nổ thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Thụy Điển. Theo bà, Thụy Điển đã gỡ bỏ phong tỏa khu vực hiện trường nên các tàu có thể đến và ở lại khu vực này.

Tuần trước, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã gửi thư cho Chính phủ Thụy Điển đề nghị cho phép giới chức Nga và Tập đoàn Gazprom được tham gia cuộc điều tra các sự cố ở 2 tuyến đường ống dẫn khí trên. Tuy nhiên, Thụy Điển đã từ chối.