Cơ hội và thách thức mới đối với ngành gỗ

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2023 chỉ đạt 14,07 tỷ USD, không đạt chỉ tiêu đề ra. Đây là năm đánh dấu sự gián đoạn trong mạch tăng trưởng liên tục luôn đạt ở mức hai con số mà ngành xuất khẩu gỗ đã duy trì nhiều năm trước đó. Đây cũng là dấu hiệu khó khăn trong giai đoạn tiếp theo, đòi hỏi ngành gỗ phải nỗ lực để vượt qua, lấy lại đà tăng trưởng…
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần TAVICO (Đồng Nai).
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần TAVICO (Đồng Nai).

Đánh giá chung về ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo cho biết, tuy giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2023 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra do khó khăn từ các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, nhưng lâm nghiệp vẫn có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay khi đạt con số khoảng 12,19 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp.

Năm 2023, cả nước đã trồng được khoảng 260.000 ha rừng và 127 triệu cây phân tán. Diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đã được cấp là 455.205 ha. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tập trung giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân trên 19,2 triệu m3/năm. Tổng diện tích rừng toàn quốc hiện nay là 14,79 triệu ha (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất), tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tiếp tục duy trì, ổn định ở mức 42,02%. Trong năm 2023, tổng nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng đã đạt 4.130 tỷ đồng, trong đó lần đầu tiên thu dịch vụ hấp thu và lưu giữ các-bon rừng đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các hội, hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản, các bên liên quan đã đưa ra nhiều ý kiến để thúc đẩy ngành lâm nghiệp, nhất là sản xuất, chế biến đồ gỗ và lâm sản phát triển trong thời gian tới.

Thông qua đó, các cơ chế, chính sách được kịp thời kiến nghị, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho các chủ rừng làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Cao Chí Công cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ đánh giá cao sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2023, nhất là tháo gỡ được vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng, ứng phó với các rào cản kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản.

Tuy vậy, để thực hiện tốt các quy định mới từ các thị trường nhập khẩu, trong đó có vấn đề nguồn gốc gỗ hợp pháp, gỗ không vi phạm quy định chống mất rừng của EU, ngành lâm nghiệp cần tập trung phát triển đa dạng hóa các loại chứng chỉ rừng bền vững. Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến Luật Lâm nghiệp, đặt ra yêu cầu phải sửa đổi kịp thời những vướng mắc của luật này trong thời gian tới; đồng thời, quan tâm chú trọng đến vấn đề thuê đất trồng rừng một cách bài bản và quy hoạch ổn định.

Theo các chuyên gia, với gỗ rừng trồng, hiện tại cả nước có 3,5 triệu ha rừng sản xuất, với 1,1 triệu hộ tham gia trồng rừng, cung cấp 60% trong tổng lượng cung gỗ rừng trồng mỗi năm (hơn 24 triệu m3), còn lại là do các doanh nghiệp trồng rừng. Hiện đã có hơn 60% số hộ trồng rừng được nhận giấy chứng nhận sử dụng đất. Hầu hết các công ty lâm nghiệp nhà nước đã có giấy chứng nhận sử dụng đất. Tuy vậy, diện tích rừng sản xuất có chứng chỉ bền vững hiện mới chỉ đạt khoảng 10% tổng diện tích rừng sản xuất. Đây là những khó khăn rất lớn trong việc cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến, xuất khẩu trong thời gian tới.

Một vấn đề quan trọng khác mà ngành gỗ phải đặt mục tiêu sớm đạt được, đó là sản xuất xanh. Thực hiện được, các doanh nghiệp chế biến gỗ, lâm sản sẽ có lợi thế hơn vì hiện nay người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sản phẩm xanh, sản phẩm không làm suy thoái, mất rừng, không phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp sản xuất xanh, có chuỗi cung ứng xanh cũng sẽ tạo được uy tín với khách hàng. Trong xu hướng tiêu dùng bền vững, ngành gỗ được hưởng lợi từ sở thích sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê-tông... Vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo, ngành tiêu dùng, bao bì... vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế.

Do vậy, cùng với việc tìm kiếm khách hàng, doanh nghiệp cũng phải chủ động chuyển đổi sang những nguyên liệu thân thiện môi trường, các nguyên liệu tái chế vừa tiết kiệm chi phí, vừa đáp ứng yêu cầu mới của khách hàng. Một lợi ích khác là khi cơ chế điều chỉnh các-bon trong sản xuất được triển khai tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản..., các sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi sản xuất xanh sẽ không phải đóng phí phát thải khí nhà kính. Chi phí này thường sẽ cao hơn so với việc doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh. Đây vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh hơn.

Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam thu được 1.200 tỷ đồng lưu trữ, hấp thụ các-bon từ rừng. Việc này đã mở ra hướng đi mới nhằm khai thác, phát huy đa giá trị từ rừng. Đây cũng là một xu thế mới, hướng tiếp cận mới đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Năm 2024, các chỉ tiêu tăng trưởng đặt ra khá lớn, đó là: Xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,5 tỷ USD; trồng rừng 250.000 ha; thu dịch vụ môi trường rừng 3.200 tỷ đồng…

Để đạt được mục tiêu đó, các cơ quan nhà nước có liên quan, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt, sẵn sàng ứng phó với khó khăn, thách thức từ thị trường, nhất là tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, xây dựng các chuỗi sản xuất nhằm phát huy hiệu quả kinh tế, chia sẻ lợi ích, giảm thiểu rủi ro.

Thách thức trước mắt của ngành gỗ không nhỏ nhưng vẫn có cơ hội cho những doanh nghiệp nhạy bén, linh hoạt. Đây cũng được xem là thời điểm để ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tập trung xây dựng thương hiệu ngành gỗ đáp ứng các tiêu chuẩn mới, phát triển bền vững thích ứng với thực tiễn thị trường…