Cơ hội lớn cho ngành du lịch bứt phá thông qua chính sách visa mới

Việt Nam vừa có chính sách visa mới, theo đó nước ta nới lỏng chính sách thị thực đến 90 ngày. Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ khi cơ hội kéo khách quốc tế đến với Việt Nam và khu vực ngày càng thuận lợi hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 24/6, được xem là ngày đặc biệt đối với ngành du lịch nước nhà khi Quốc hội thông qua dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của ngưgaời nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 lên 90 ngày. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Chính sách visa từng được xem là rào cản lớn trong việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19. Theo ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Vietluxtour, thời gian đầu mở cửa du lịch, thời gian tạm trú cho khách được miễn visa 15 ngày được xem là hạn chế vì thời gian không nhiều, nhất là đối với khách có thói quen du lịch nghỉ dưỡng. Điều này làm hạn chế sức cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, khi chính sách visa mới được nới lỏng hơn sẽ tạo cú huých lớn cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch khu vực Đông Nam Bộ nói riêng. Đại diện Công ty Hồng Ngọc Hà Travel cho biết:

Trong bối cảnh ngành du lịch trở lại “đường đua”, việc áp dụng chính sách visa mới cởi mở, thông thoáng và thuận tiện hơn cho du khách sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho doanh nghiệp ngành lữ hành. Vấn đề visa được tháo gỡ đã mở ra cánh cửa đầu tiên để khách quốc tế đến Việt Nam. Đối với Công ty du lịch TSTtourist, việc nới lỏng chính sách visa không chỉ giúp ích cho ngành du lịch mà còn góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn để tìm kiếm cơ hội đầu tư, xúc tiến thương mại…

“Tuy nhiên, cái lợi đầu tiên từ chính sách này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho du lịch Việt Nam trong thu hút khách quốc tế. Một khi thời gian lưu trú được tăng lên thì doanh nghiệp du lịch sẽ có cơ hội kích thích chi tiêu của khách và giữ chân du khách tốt hơn so với các nước có thời gian lưu trú ngắn ngày” - ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông và marketing Công ty Du lịch TSTtourist, chia sẻ. Ông Nguyễn Minh Mẫn cho biết thêm: Khi visa thông thoáng, các công ty du lịch sẽ chủ động “làm mới” mình, có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, nhất là sản phẩm du lịch dài ngày để quảng bá rộng rãi nhằm thu hút khách quốc tế nhiều hơn.

Nhiều đơn vị lữ hành cũng cho rằng, chính sách thị thực thông thoáng hơn chỉ là cánh cửa đầu tiên để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Điều quan trọng nhất chính là sự chuẩn bị của các doanh nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm mới, hấp dẫn để có thể “giữ chân” khách quốc tế ở Việt Nam lâu hơn. Xác định đây chính là bước đi quan trọng để tạo bứt phá cho du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ đã chủ động tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm giúp cho du khách có thêm những trải nghiệm thú vị tại các điểm đến.

Mới đây, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 4 cho ra mắt sản phẩm du lịch “Quận 4 - Cù lao giữa lòng phố thị”. Sản phẩm du lịch này cũng nằm trong chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” mà Sở Du lịch thành phố đã khởi xướng trong thời gian qua. Mặc dù diện tích nhỏ, nhưng Quận 4 có các điểm tham quan du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh các công trình kiến trúc độc đáo được công nhận là di tích văn hóa-lịch sử, Quận 4 còn duy trì và phát triển ngành nghề da giày thủ công truyền thống.

Quận 4 còn được biết đến qua các địa chỉ ẩm thực nổi tiếng như Phố ẩm thực Vĩnh Khánh, dịch vụ ẩm thực Đường số 48, đường Tôn Đản, Chợ 200, tàu Nhà hàng trên sông Cảng Sài Gòn,… Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chương trình “Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng” có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch thành phố. Chương trình sẽ góp phần tăng cường số lượng tài nguyên về du lịch, giúp các doanh nghiệp lữ hành đa dạng hóa chương trình tour, sản phẩm du lịch. Việc có thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo trên địa bàn các quận, huyện sẽ giúp cho du khách đến thành phố có thêm nhiều thời gian trải nghiệm, mua sắm, vui chơi.

Theo đại diện Công ty Du lịch Vietravel, với những quy định mới, để giữ chân du khách, các công ty du lịch cần bắt tay làm mới các sản phẩm với lịch trình du lịch dài ngày cho khách quốc tế. Chính vì thế, để có những sản phẩm du lịch cho chương trình dài ngày, đòi hỏi các tỉnh, thành phố trong khu vực Đông Nam Bộ tiếp tục đẩy mạnh liên kết chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn trong phát triển du lịch. Trong đề án phát triển du lịch của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ xây dựng và tổ chức hoạt động hiệu quả các tuyến du lịch nội tỉnh với các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo các tuyến đường Quốc lộ 14, ĐT 741, Quốc lộ 13, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh-Bình Phước-Campuchia-Lào-Thái Lan, nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Bình Phước.

Trong khi đó, tỉnh Tây Ninh cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành trung ương để xây dựng Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ có tính khả thi cao, cụ thể hóa việc mở rộng không gian phát triển công nghiệp của vùng gắn với các hành lang kinh tế, đặc biệt là Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Cảng Cái Mép-Thị Vải trên tuyến hành lang kinh tế Xuyên Á; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp-đô thị-thương mại-dịch vụ gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Điều này cũng mở ra việc hình thành nhiều sản phẩm du lịch dài ngày hấp dẫn, mới lạ, mang đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ đủ sức thu hút khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm trong thời gian tới.