Cơ hội cho an ninh và ổn định ở Colombia

Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) vừa chính thức nối lại tiến trình đối thoại sau gần bốn năm gián đoạn. Quyết định đàm phán hòa bình này mở ra cơ hội khôi phục an ninh và ổn định ở quốc gia Nam Mỹ.
Đại diện phái đoàn Chính phủ Colombia Otty Patino (phải) và người đứng đầu phái đoàn nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) Pablo Beltran tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán hòa bình ở Caracas, Venezuela, ngày 21/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện phái đoàn Chính phủ Colombia Otty Patino (phải) và người đứng đầu phái đoàn nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng quốc gia (ELN) Pablo Beltran tại cuộc họp báo sau vòng đàm phán hòa bình ở Caracas, Venezuela, ngày 21/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Văn phòng Tổng thống Colombia cho biết, Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang ELN đã chính thức nối lại tiến trình đối thoại tại thủ đô Caracas của Venezuela. Thông cáo nêu rõ, Cao ủy phụ trách vấn đề hòa bình Danilo Rueda dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia, trong khi phái đoàn ELN do ông Pablo Beltran đứng đầu. Hai bên nhất trí cho rằng, việc nối lại đàm phán là đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, xã hội và đất nước Colombia về một tiến trình hòa bình và xây dựng nền dân chủ toàn diện.

Trong một thông cáo chính thức, hai phái đoàn nhất trí sẽ tiếp nối một loạt các thỏa thuận và tiến triển đã đạt được kể từ khi ký kết chương trình đối thoại ngày 30/3/2016. Hai bên khẳng định sự tham gia của toàn xã hội vào tiến trình này sẽ là mấu chốt cho những thay đổi cần thiết để xây dựng hòa bình tại quốc gia Nam Mỹ. Chính phủ Colombia và ELN bày tỏ cảm ơn những cam kết nhất quán của các nước bảo lãnh cho tiến trình đàm phán, gồm Cuba, Na Uy và Venezuela cũng như khách mời đặc biệt là Phái đoàn giám sát của Liên hợp quốc.

Cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và ELN chính thức bắt đầu từ tháng 2/2017 tại Ecuador và sau đó được chuyển sang Cuba. Tuy nhiên, tiến trình đối thoại đã vấp phải không ít trở ngại, khó khăn. Năm 2019, chính quyền của cựu Tổng thống Colombia Ivan Duque đã đơn phương hủy bỏ tiến trình đàm phán sau khi xảy ra một vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào một trường cảnh sát ở thủ đô Bogota làm 23 người chết.

Sau khi Tổng thống Gustavo Petro lên nắm quyền tại Colombia hồi giữa năm nay, hai bên thống nhất nối lại đàm phán hòa bình. Giữa tháng 9 vừa qua, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro thông báo nhận được đề nghị của người đồng cấp Colombia về việc Caracas đứng ra làm trung gian bảo lãnh cho tiến trình đối thoại và đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Colombia và ELN.

Giới phân tích nhận định, việc nối lại đàm phán hòa bình bắt nguồn từ những cử chỉ thiện chí của cả hai phía. ELN từng quyết định đơn phương ngừng bắn trong khoảng thời gian từ ngày 10-15/3/2022 để tạo thuận lợi cho người dân tham gia cuộc bầu cử Quốc hội. Theo thông cáo được phát trên mạng, ELN khẳng định quyết định tạm ngừng các hoạt động quân sự là hành động thiện chí của nhóm này đối với đất nước. Trong khi đó ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Gustavo Petro, nhà lãnh đạo cánh tả đầu tiên của Colombia, tuyên bố theo đuổi chính sách “hòa bình toàn diện” với tất cả các nhóm vũ trang ở quốc gia Nam Mỹ. Để chứng minh cho cam kết mạnh mẽ của mình, Tổng thống Gustavo Petro quyết định hủy lệnh bắt giữ và dẫn độ đối với các thủ lĩnh ELN.

Được Tổng thống Gustavo Petro “bật đèn xanh”, giữa tháng 9 vừa qua, Cao ủy Danilo Rueda cùng với đại diện Liên hợp quốc và Na Uy đã có cuộc tiếp xúc bốn thủ lĩnh của một nhóm tách ra từ Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), với mục đích mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình. Nhóm vũ trang ELN hiện có khoảng 2.500 tay súng hoạt động tại các vùng rừng núi và là nhóm vũ trang lớn nhất còn sót lại sau khi FARC chính thức giải giáp.

Năm 2016, Chính phủ Colombia và FARC đã ký một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt các cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt sáu thập kỷ tại quốc gia Nam Mỹ này. Sau khi giải giáp, FARC thành lập chính đảng và giành được 10 ghế trong quốc hội, đồng thời khẳng định tiếp tục tiến trình hòa bình, tuân thủ những thỏa thuận đã ký kết với Chính phủ Colombia và Liên hợp quốc.

Theo giới phân tích chính trị, việc nối lại đàm phán hòa bình là tín hiệu tích cực ban đầu. Tuy nhiên, Chính phủ Colombia và ELN cần đối thoại thực chất, cầu thị và nhượng bộ lẫn nhau để các cuộc đàm phán đi tới kết quả tốt đẹp, góp phần mang lại an ninh và ổn định cho người dân quốc gia Nam Mỹ.