Nhìn ra thế giới, 5 thương vụ mua, bán ngân hàng lớn nhất thế giới đã diễn trong vòng gần 10 năm nay như: Ngân hàng Barclays mua lại ABN AMRO với giá 91 tỷ USD; Bank of America mua lại Merrill Lynch trong thương vụ trị giá 50 tỷ USD. Ngân hàng MUFG (thuộc Mitsubishi UFJ Financial Group) mua lại UFJ Holdings (UFJ); JP Morgan Chase mua BankOne với giá 58 tỷ USD; Bank of America mua lại FleetBoston Financial với giá 48 tỷ USD...
Theo giáo sư Peter. S. Rose (Mỹ) trong cuốn sách “Ngân hàng thương mại”, động cơ chính thúc đẩy hoạt động sáp nhập và mua lại của các tổ chức tài chính là để tối đa hóa tài sản của cổ đông và tối đa hóa lợi ích của nhà quản lý.
Xử lý nợ xấu cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tái cơ cấu ngân hàng mà Mỹ và Trung Quốc là một điển hình. Hệ thống ngân hàng thương mại Trung Quốc từng phải gánh nhiều khoản vay khó đòi xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước liên tục thua lỗ. Còn Mỹ là hậu quả của tình trạng cho vay dưới chuẩn của các ngân hàng giai đoạn trước khủng hoảng tài chính 2008.
Sau khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1997, đặc biệt là sau khủng hoảng tài chính từ Mỹ năm 2008, thế giới nhận thức rõ hơn sự cần thiết phải có một hệ thống tài chính-ngân hàng vững mạnh, minh bạch. Vì vậy, tái cấu trúc khu vực tài chính ngân hàng ngày càng trở nên cấp thiết.
Hệ thống ngân hàng được ví như huyết mạch dẫn đến sự phát triển của tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế và ổn định xã hội. Vì vậy, “huyết mạch” rất cần được sạch, thông suốt để cơ thể nền kinh tế được khỏe mạnh.
Ngay trong khu vực châu Á, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia... cũng đã tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và được coi như lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chính sách ổn định là nền tảng của phát triển.
Tại Việt Nam, từ năm 2011 đến nay, ngành ngân hàng đã trải qua hai đợt cơ cấu lại. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.
Trong quá khứ, nhiều ngân hàng Việt đã “hồi sinh” sau khủng hoảng mang tính riêng lẻ. Vietinbank, Eximbank, VPBank hay Maritime Bank (tiền thân của MSB)... từng âm vốn, một số còn rơi vào tình trạng "kiểm soát đặc biệt" nhưng đến nay đã vươn lên tốp đầu thị trường.
Điều này cho thấy, trước sự biến đổi không ngừng của môi trường cạnh tranh, tái cơ cấu là con đường duy nhất để có thể lấy lại vị thế và tăng trưởng phát triển. Đơn cử như hai nhà băng hàng đầu là VietinBank và VPBank. Dù không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nhưng VietinBank (khi đó là Incombank) từng rơi vào cảnh “phá sản về mặt kỹ thuật”. Khoản nợ khổng lồ của Epco Minh Phụng khoảng hơn 5.600 tỷ đồng khi ấy được xem là nguyên nhân chính đẩy ngân hàng này vào cảnh khốn khó.
Cuối năm 2000, đầu 2001, tổng nợ tồn đọng của Vietinbank lên đến 10.014 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng dư nợ - cao gấp 5,7 lần vốn chủ sở hữu. Số dự phòng rủi ro cần trích theo quy định khi đó phải là 8.666 tỷ đồng nhưng số dư quỹ dự phòng của nhà băng này chỉ còn lại 65 tỷ đồng.
Trước tình hình đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo xây dựng đề án cơ cấu lại tổ chức, hoạt động và xử lý nợ tồn đọng của VietinBank. Sau khi cơ cấu lại thành công, VietinBank đã vươn mình trở thành ngân hàng hàng đầu Việt Nam như hiện nay.
Trong khi đó, VPBank từng rơi vào khủng hoảng giai đoạn 1997-2004 với một loạt những mâu thuẫn trong nội bộ, quản trị rủi ro lỏng lẻo, nợ quá hạn lên đến trên 80%, khoản chứng thư bảo lãnh L/C phải trả nước ngoài gần 50 triệu USD. Tháng 9/2002, Ngân hàng Nhà nước đưa nhà băng này vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trước tình hình đó, không chỉ mạnh tay xử lý nợ đọng, VPBank thay đổi lại quy trình quản trị rủi ro. Đến tháng 7/2004, ngân hàng cũng chính thức được dỡ bỏ lệnh kiểm soát đặc biệt. Đến nay, VPBank là một trong những ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Với Eximbank, những năm 1995-1996, Eximbank là một “thế lực lớn” trong ngành ngân hàng. Gần như vượt tất cả các tổ chức tín dụng cổ phần về thanh toán xuất nhập khẩu, chỉ đứng sau Vietcombank. Tuy nhiên, do Eximbank cho vay quá tập trung và liên quan đến một số vụ án kinh tế lớn... dẫn đến nợ cho vay và bảo lãnh không đòi được và bị rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đồng thời ôm khối nợ xấu cả nghìn tỷ đồng, chiếm gần 65% tổng dư nợ.
Năm 1997, Eximbank thực sự rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ đổ vỡ nên phải đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, được sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước, thông qua việc giao cho Vietcombank tiếp quản.
Khách hàng giao dịch tại Eximbank. |
Năm 2001, Eximbank mới có lãi trở lại và năm 2004 thoát kiểm soát đặc biệt. Nhiều năm sau đó, Eximbank tăng trưởng vượt bậc. Từ vốn chủ sở hữu năm 2010 là 13.353 tỷ đồng đã tăng lên hơn 15.000 tỷ đồng năm 2013 và thuộc ngân hàng cổ phần có vốn chủ sở hữu lớn nhất trong khối ngân hàng cổ phần Việt Nam; tổng tài sản cũng vọt lên gần 150.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cách đó ba năm.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016 đến nay Eximbank lục đục ở thượng tầng dẫn đến thương hiệu bị giảm sút mạnh. Eximbank bỏ lỡ cơ hội vươn lên trở thành ngân hàng hàng đầu trong khi các đối thủ ngày một tiến xa.
Bình luận về những “lùm xùm” tại Eximbank thời gian qua, Chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ sự tiếc nuối: “Cách đây 20 năm, lần đầu tiên tôi về Việt Nam, Eximbank là một trong những ngân hàng về xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước, bên cạnh Vietcombank. Thế nhưng dần dần vai trò của Eximbank tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trong hệ thống các ngân hàng của cả nước đã giảm rất nhiều qua việc Eximbank gặp vấn đề về nợ xấu rồi nội bộ chia rẽ. Thành ra, Eximbank cần có sự thay đổi mạnh mẽ từ Hội đồng quản trị cũng như ban lãnh đạo ngân hàng”.