Nhìn những chuyến xe nườm nượp chở người vào khu cách ly, nghĩ về những tháng ngày vất vả điều trị của đội ngũ y, bác sĩ trong suốt 28 ngày nằm viện vì Covid-19, Nguyễn Hồng Kỳ có một suy nghĩ mãnh liệt: Mình phải trở lại bệnh viện dã chiến, góp một phần sức nhỏ bé của mình vào công cuộc chống dịch Covid-19. Với Kỳ, đó là một cách để bày tỏ lòng cảm ơn thiết thực nhất lúc này với đội ngũ áo trắng tuyến đầu. Đây cũng là những ngày tháng sống ý nghĩa nhất đời anh vì được "sống là cho đi".
Mang năng lượng lạc quan để "lây nhiễm" cho các bệnh nhân
Nguyễn Hồng Kỳ là một trong những người đầu tiên ở xóm mắc Covid-19. Đầu tháng 7, anh và vợ cùng được đưa vào Bệnh viện Dã chiến số 4 (quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), nằm điều trị trong 28 ngày. Ngày 3/8, Kỳ được trở về nhà mang theo những di chứng của virus SARS-CoV-2 là những cơn ho dai dẳng không dứt. Trở về nhà tiếp tục cách ly 14 ngày, Kỳ nghĩ, mình phải làm điều gì đó để hỗ trợ các y, bác sĩ đã từng điều trị khỏi cho anh. “Sức nhỏ làm việc nhỏ. Tôi chỉ có 5 phút quyết định quay trở lại bệnh viện dã chiến làm tình nguyện viên. Vợ nhìn với ánh mắt rất nghi hoặc, nhưng rồi động viên tôi lên đường”, Kỳ kể. Chuyến xe chở ngược về quận Bình Chánh khác với lần trước, đã không còn mang theo nỗi sợ hãi về dịch bệnh.
Ban đầu các y, bác sĩ tại đây chỉ định sắp xếp cho anh làm vòng ngoài đưa cơm, nhận đồ tài trợ phân về các phòng khoa nhưng anh xin vào thẳng phòng nhiều nguy cơ nhất: “Việc tiếp xúc trực tiếp với virus là chắc chắn. Nhưng tôi nghĩ mình bất tử với Covid-19 rồi, không thể bị nó hạ gục thì ngại gì mà vào thẳng tuyến trong cùng”, Kỳ nói.
Nhanh chóng, Kỳ được bác sĩ Thanh, trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức tại đây hướng dẫn cách tập thở cho các bệnh nhân nặng và nhẹ, có thêm kiến thức để giúp đỡ bệnh nhân, người thân, bạn bè… “Tôi sẽ mang năng lượng lạc quan, bất tử của tôi để "lây nhiễm" cho các bệnh nhân tại đây”, Kỳ tự tin trong ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ.
“Tập thở đi, hít sâu vào!”, “Đúng rồi, bà phải tập thở nhiều nhé, tập vận động cho cơ thể được lưu thông máu. Cháu từng là F0 đã khỏi bệnh đây, các bà lạc quan lên nhé” là câu nói mà Nguyễn Hồng Kỳ thường trực ở cửa miệng khi chăm sóc những bệnh nhân Covid-19 là người già, người neo đơn.
6 người mà anh chăm sóc trong những ngày qua hầu hết là phụ nữ cao tuổi, không có người thân chăm sóc. Trong số đó, có những người đã phải chuyển lên tầng trên điều trị, có người đã nhẹ hơn sắp được về nhà. Mỗi người đều có số phận, hoàn cảnh riêng. Vì thế, ngoài học để trở thành một điều dưỡng thuần thục, khó khăn hơn với anh là phải trở thành người thân của họ, thành chỗ dựa tinh thần, giúp họ có được sức mạnh để lạc quan nhất lúc này.
Công việc của Kỳ tại Bệnh viện dã chiến số 4 như một điều dưỡng chuyên nghiệp từ phục vụ từng bữa ăn, hỗ trợ vận chuyển từng bữa ăn tới các phòng bệnh, dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh. Kỳ còn thuần thục trong việc lăn trở người bệnh để lưu thông khí huyết, vệ sinh cho người bệnh, thậm chí làm cả những việc anh chưa bao giờ nghĩ tới tới như thay tã, đổ bô… Có bữa bệnh nhân ăn xong miếng cháo “nhổ phì phì” dù đang đeo máy trợ thở nhưng anh vẫn kiên nhẫn.
Nửa tháng qua, Nguyễn Hồng Kỳ đã thuần thục hơn trong việc chăm người bệnh. “Hồi đầu còn luống cuống, có 3 người tôi phải mất 3-4 giờ mới chăm sóc được họ, giờ thì quen rồi chỉ chừng 1 tiếng có thể chăm sóc được 3-4 người”, Kỳ kể.
Virus nCoV không làm mình hoảng sợ nữa
28 ngày nằm ở bệnh viện dã chiến, anh chưa bao giờ cảm nhận được sự khốc liệt thật sự của căn bệnh do SARS-CoV-2 cho tới khi được trực tiếp vào đây chăm người bệnh. Vì thế, anh cố gắng duy trì sự lạc quan nhất có thể, mỗi ngày cùng đội ngũ thầy thuốc kiên nhẫn chăm sóc người bệnh.
Một trong những bệnh nhân mà anh ấn tượng nhất trong suốt những ngày vừa qua chăm sóc là một phụ nữ tên T. (67 tuổi), không có người thân chăm sóc. Bà là người khó tính nhất phòng bệnh. Ngày đầu tiên, bà ăn cháo nhưng ko ăn thịt, đút trúng miếng thịt bà phun thẳng ra ngoài dù vẫn đang chụp máy thở ô-xy.
“Bà quậy tới mức độ các điều dưỡng cũng lắc đầu và hù doạ báo công an thì bà mới thôi nhưng bà lại nhẹ nhàng và nghe tôi động viên. Bà vui vẻ thở rất giỏi, lượng ô-xy trong máu tăng từ hơn 80 lên 95,96%”, Kỳ mừng trước những tín hiệu tích cực của người bệnh.
Hôm sau quay lại, mắt bà phủ kín ghèn, tay run cầm cập dù lượng ô-xy trong máu vẫn còn cao, chứng tỏ bà có sức sống rất mãnh liệt. Nhưng ngày hôm sau, bà đã yếu hơn, không còn đủ sức để ăn, không nói được như ngày hôm trước nữa.
Bằng cái gật đầu, Kỳ đã bà ngồi dậy nhưng cơ thể phải dựa hoàn toàn vào tình nguyện viên này. “Tôi biết người bà đầy virus nhưng tôi có kháng thể, có đồ bảo hộ, tôi không ngần ngại để bà tựa vào vai”, Kỳ nói. Lúc ra khỏi phòng, một vài y, bác sĩ nhắc nhở: “Cậu tiếp cận gần quá, rất nguy hiểm", nhưng Kỳ lắc đầu cười bảo: "Em tự biết bản thân mình thế nào, nếu có lỡ dính lại, em cũng chấp nhận”.
Bệnh nhân này sau đó diễn biến xấu nhanh. Chiều cùng ngày, chỗ giường bà nằm đã vây kín y, bác sĩ, điều dường đang cố gắng giành lại sự sống cho bà. Bà đang ở ranh giới sinh tử, bà cũng đang tự đấu tranh từ bên trong.
“Tôi thấy các bác sĩ giơ ngón tay number one. Tôi thở phào nhẹ nhõm và những giọt nước mắt cay cay do quá mừng. Một nữ bác sĩ tên Trúc nói tôi đi về nghỉ ngơi đi rồi mai quay lại. Tôi vẫn mong ngày mai quay lại để được chăm bà như ngày hôm qua. Đến tối, cuộc điện thoại từ phòng cấp cứu gọi cho bác sĩ ở chung phòng báo rằng bà T. khó qua khỏi, rất yếu rồi, tôi câm lặng”, Kỳ nén xúc động nói. Và đó là một trong những bệnh nhân do Kỳ chăm đã không thể qua khỏi.
Kỳ dần dần phải học cách bản lĩnh, khi chứng kiến những cuộc chia tay không người thân thích bên cạnh của nhiều số phận. Nỗi sợ virus của bản thân Kỳ không còn nữa, nhưng nỗi sợ mong manh cho mọi người, ngày càng lấp đầy tâm trí của anh. Anh chỉ biết trấn an người bệnh mỗi ngày, từng chút một để họ vực dậy tinh thần, ý chí được sống tiếp.
Trong khu điều trị khốc liệt này, Kỳ gom góp niềm vui nho nhỏ bằng từng người bệnh anh chăm sóc có được tín hiệu tích cực mỗi ngày, có người đã được ra viện... Đồng hành với anh, đã có thêm nhiều F0 cũng trở lại bệnh viện làm tình nguyện viên.
Các F0 nếu vượt qua được tâm lý, hãy trở lại hỗ trợ bệnh viện dã chiến
Nguyễn Hồng Kỳ nói, vào đây, anh mới thấy hết nỗi vất vả của các nhân viên y tế. Mỗi phòng có khoảng 20 giường bệnh chỉ có chưa tới 10 người chăm sóc mà hầu hết ai cũng trong tình trạng nặng. “Khi máy móc không có tác dụng với người bệnh, có những nhân viên y tế đứng nhiều giờ đồng hồ để bóp bóng trợ thở cho người bệnh. Tôi thật sự cảm phục những chiến sĩ áo trắng với sự kiên trì và tận tâm của họ”, Kỳ chia sẻ.
Tự nhận mình là một người bốc đồng, nóng nảy và quen sống sôi động, giờ đây sau những trải nghiệm quý giá ở nơi sinh tử tính bằng giây, Kỳ nói mình đã học được cách sống trầm hơn, kiên nhẫn hơn, trân trọng và yêu thương cuộc sống, gia đình hơn.
Hỏi Kỳ: “Có liều không mà dám lao vào chiến tuyến nóng nhất?”, Kỳ bình thản nói: “Tôi nhận thức đã khỏi bệnh và mình đang có kháng thể trong người, dù chỉ là kháng thể với chủng cũ, còn với chủng mới vẫn hên xui. Tuy nhiên, vì độ tiếp cận của tôi với bệnh nhân rất sát nên tôi cũng được các y, bác sĩ hướng dẫn kỹ quy trình mặc bảo hộ”, Kỳ nói.
Như mọi ngày, tối anh gọi video call về cho gia đình để hỏi thăm gia đình. Vợ Kỳ là người phụ nữ thứ 2 trong đời của anh, nhưng rất đồng cam cộng khổ mà trêu “Giờ trưởng thành rồi nhỉ”. Kỳ bẽn lẽn bảo, trước nay toàn vợ “hầu”, giờ thì Kỳ tự tin có thể làm được mọi thứ, thấy mình thật sự trưởng thành. Biết đâu, đến khi dịch dã qua đi, Kỳ sẽ không là ông chủ của gánh phá lấu bò rong ruổi ở vỉa hè nữa, mà có thể là một điều dưỡng ở một cơ sở y tế nào đó.
“Tôi mong muốn nhiều người đã khỏi bệnh giống như tôi, nếu vượt qua được tâm lý, nên trở lại bệnh viện để giúp cán bộ y tế”, Kỳ chia sẻ. Tấm gương F0 can đảm của anh đã lan tỏa cảm hứng tích cực để nhiều người đã và đang phải đối mặt với dịch bệnh được tiếp thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin chiến thắng dịch bệnh Covid-19.
THIÊN LAM
Ảnh: NGUYỄN THIÊM, Nhân vật cung cấp