Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Nói đến nhà vệ sinh, trước đây không ít người cho rằng đó là chuyện nhỏ, thậm chí không muốn nói đến. Nhưng xã hội càng văn minh thì vấn đề nhà vệ sinh càng được nhiều người chú ý.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên một cơ sở du lịch ở Đà Nẵng dán biểu tượng xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng tại khu vực dễ thấy. (Ảnh Thanh Tâm)
Nhân viên một cơ sở du lịch ở Đà Nẵng dán biểu tượng xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng tại khu vực dễ thấy. (Ảnh Thanh Tâm)

Theo khảo sát của các công ty lữ hành, một trong những nguyên nhân khiến du khách không quay trở lại nước ta đó là các khách sạn, nhà nghỉ không dọn dẹp phòng, nhà vệ sinh không đạt yêu cầu hay kết cấu hạ tầng xuống cấp mà không được sửa chữa. Vấn đề nhà vệ sinh thiếu, không bảo đảm tiêu chuẩn đã được ngành Du lịch quan tâm từ khá lâu.

Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các thành phố trong cả nước, ngay cả thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng vẫn loay hoay với vấn đề xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các nhà ga, bến tàu, trạm xe buýt và các tuyến phố đông đúc vì vấn đề giữ vệ sinh chung và đặc biệt là quy hoạch vị trí.

Tại thành phố Đà Nẵng, cuối tháng 3 vừa qua, phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường đã vận động các chủ nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tham gia thực hiện mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng.

Quận giao cho các phường sử dụng kinh phí sự nghiệp của đơn vị để in biểu tượng của xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng với thông điệp bằng tiếng Việt và tiếng Anh “Thoải mái như ở nhà - Comfort as home” và dán tại các vị trí thuận lợi để người dân, khách du lịch dễ nhìn thấy và sử dụng nhà vệ sinh mà không tốn chi phí hay ràng buộc sử dụng dịch vụ của cơ sở.

Đây là mô hình đã được Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng triển khai từ năm 2015 tại quận Hải Châu. Nhưng do sau nhiều năm thực hiện, nhất là sau hơn hai năm chịu tác động của dịch Covid-19 và trải qua nhiều trận bão, mưa lớn, đặc biệt là nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh, dịch vụ đã sửa sang lại mặt tiền..., biểu tượng nhận diện mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng bị hư hỏng, phai mầu hoặc bị tháo gỡ mà không có biểu tượng mới để gắn vào.

Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã giao cho Ủy ban nhân dân quận Hải Châu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các công trình vệ sinh khu vực đông du khách để sửa chữa, đầu tư lắp đặt mới nhà vệ sinh để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, đồng thời tiếp tục vận động các doanh nghiệp, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hộ dân cho phép du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.

Hiện tại, phòng Tài nguyên và Môi trường quận Sơn Trà cùng Ủy ban nhân dân các phường đã vận động được hơn 30 chủ cơ sở tham gia, đã gắn biểu tượng của mô hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dọc tuyến đường phố chính và đang tiếp tục vận động để trên địa bàn quận có ít nhất 50 cơ sở tham gia thực hiện mô hình nêu trên. Phòng Văn hóa - Thông tin của quận Sơn Trà cũng khẩn trương cập nhật thông tin các cơ sở tham gia thực hiện mô hình để công khai lên kênh thông tin, phổ biến cho người dân và khách du lịch biết.