Khu công nghiệp Tân Tạo - mô hình phát triển nhanh và bền vững

Khu công nghiệp Tân Tạo - mô hình phát triển nhanh và bền vững

TP Hồ Chí Minh từ năm 1993 đã quy hoạch một hệ thống các KCN, KCX, khu công nghệ cao (gọi chung là KCN). Đến nay, có 15 KCN được cấp phép với tổng diện tích 3.158 ha, thu hút 408 dự án đầu tư nước ngoài, 515 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD và 16.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, chuyển hơn 1.000 ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng CNH, HĐH. Trong đó, KCN Tân Tạo được đánh giá là thành công hơn cả.

Khu công nghiệp Tân Tạo nằm ở phía tây-nam thành phố, có vai trò đầu mối quan trọng thúc đẩy đô thị hóa vùng nông thôn bắc Long An cũng như phát triển trung tâm công nghiệp thương mại thành phố.

KCN Tân Tạo do Công ty Đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN Tân Tạo (gọi là Công ty Tân Tạo) làm chủ đầu tư. Tiếp chúng tôi, anh Thái Văn Mến, Phó tổng Giám đốc Công ty Tân Tạo cho biết: KCN Tân Tạo là KCN lớn nhất TP Hồ Chí Minh với diện tích 443 ha, gồm khu hiện hữu 181,8 ha và khu mở rộng 262 ha. Trước đây là vùng đầm lầy, nông nghiệp năng suất thấp, chúng tôi đầu tư từng bước để có cơ ngơi như ngày hôm nay. Phương châm xuyên suốt của Công ty Tân Tạo là phải làm cuốn chiếu, đa dạng hóa các nguồn vốn để đầu tư chiều sâu, hấp dẫn các nhà đầu tư, giúp họ triển khai nhanh các dự án. Bởi lẽ, bất cứ nhà đầu tư nào cũng hiểu dự án của họ hoạt động có hiệu quả hay không là tùy thuộc vào chất lượng cơ sở hạ tầng của KCN. Chúng tôi hiểu rằng, hiện nay cạnh tranh giữa các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng trong việc mời gọi đầu tư đang diễn ra gay gắt. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh với các KCN khác trong khu vực Đông-Nam Á.

Do đó, để thu hút đầu tư không phải là giảm giá thuê đất mà chủ yếu phải mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ KCN. Vì vậy, ngoài chính sách ưu đãi thì KCN Tân Tạo đã đi trước một bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Đây là KCN đầu tiên trong cả nước xây dựng hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin với công nghệ mới nhất của Cisco (Mỹ). Các nhà đầu tư dễ dàng nhận các dịch vụ kết nối điện thoại qua internet (VOIP), hội nghị qua mạng, mạng thương mại điện tử (e-commerce), kinh doanh điện tử (e-business), Intranet, các phần mềm ứng dụng (application service provider). Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KCN mở rộng, nhu cầu xuất, nhập khẩu, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp ngày càng tăng. Hiện KCN Tân Tạo có bốn ngân hàng thương mại mở chi nhánh tại đây và đã có 152 doanh nghiệp vay vốn. Hơn nữa, Tân Tạo là KCN đầu tiên của cả nước được thành lập Kho ngoại quan với quy mô 64 nghìn m2 cung cấp các dịch vụ xuất khẩu, vận tải, giao nhận ngoại thương cho doanh nghiệp trong KCN và toàn bộ các doanh nghiệp khu vực tây-nam thành phố. Nhờ vậy, doanh nghiệp trong khu công nghiệp có điều kiện hơn khi tham gia hội nhập thị trường quốc tế.

Phát triển bền vững là mục tiêu cơ bản xuyên suốt quá trình phát triển KCN Tân Tạo. Cùng với thu hút đầu tư, ngay từ đầu KCN Tân Tạo quan tâm bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Công ty Tân Tạo đã đưa vào hoạt động Nhà máy xử lý nước thải (giai đoạn 1) công suất 6.000 m3/ngày đêm. Công ty đã được tổ chức BVQI cấp giấy chứng nhận ISO 14001:1996 về môi trường (là đơn vị thứ hai trong các KCN cả nước, sau KCN Thăng Long - Hà Nội) cũng là KCN đầu tiên trong cả nước được BVQI cấp chứng thư ISO về tinh thần phục vụ các nhà doanh nghiệp. Đất lành chim đậu, KCN lại nhanh chóng được Chính phủ cho mở rộng. Trước nhu cầu thuê đất của các nhà đầu tư, công ty áp dụng thành công phương thức mới trong đền bù giải tỏa. Đó là, công ty ứng tiền bồi thường trước cho các hộ dân trong thời gian nhận nền đất thổ cư thông qua việc đổi đất lấy nền nhà để thúc đẩy nhanh tiến độ đền bù di dời. Chỉ chín tháng áp dụng hình thức mới này, diện tích đền bù từ 30 ha (tháng 3-2003) lên hơn 200 ha, đạt 90% diện tích. Giải phóng mặt bằng nhanh, sẵn sàng quỹ đất là yếu tố đầu tiên cho Công ty xây dựng các công trình hạ tầng trong hàng rào KCN.

Hưởng ứng chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội thành. Công ty Tân Tạo đã liên doanh với Tổng công ty dệt may Việt Nam làm dự án 200 ha với vốn 230 tỷ đồng, thành lập khu dệt may Nhơn Trạch thu hút nhiều nhà máy từ TP Hồ Chí Minh chuyển ra. Khu công nghiệp đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Cùng với hoàn chỉnh hạ tầng KCN Tân Tạo mở rộng, Công ty Tân Tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án đầu tư KCN Tân Đức rộng 569 ha với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Với phương thức huy động vốn linh hoạt, KCN Tân Đức nhanh chóng hình thành cơ sở hạ tầng hiện đại: Cảng container Vàm Cỏ Đông thông ra biển và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; hệ thống kho, bến bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế; có nhà máy nước riêng công suất 48 nghìn m3/ngày; trạm xử lý nước thải tập trung 6 nghìn m3/ngày; hệ thống thông tin liên lạc với 5 nghìn đường kết nối nội địa và quốc tế, tổng đài đáp ứng đủ nhu cầu viễn thông. Đây là khu công nghiệp lớn và quan trọng hàng đầu của tỉnh Long An.

Nét đặc sắc của KCN Tân Đức là gắn kết với khu dân cư Tân Đức nằm trong quần thể công nghiệp - dân cư - dịch vụ Tân Đức. Khu dân cư Tân Đức có diện tích 422 ha sẽ được xây dựng theo mô hình kiến trúc hiện đại bao gồm nhà vườn, biệt thự và chung cư. Bên cạnh khu dân cư Tân Đức là hệ thống cơ sở những dịch vụ công cộng như bệnh viện, trường học, khu liên hiệp thể dục - thể thao, khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí với tổng diện tích 167 ha. Khu đô thị, khu dân cư, khu dịch vụ không gắn liền với KCN nào mà nó liên kết phục vụ cả KCN Tân Tạo, KCN Tân Đức trên cùng địa bàn mở rộng liên huyện, liên tỉnh. Đến nay, đã đền bù hơn 50% diện tích, thu hút 30 nhà đầu tư và xu hướng thuê đất ngày càng nhiều. Công ty có chính sách trả chậm tiền thuê đất đối với những nhà máy gây ô nhiễm môi trường tại TP Hồ Chí Minh phải di dời. Đây là địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh.

Kinh nghiệm xuyên suốt quá trình xây dựng phát triển KCN Tân Tạo và KCN Tân Đức, là kết hợp quy hoạch đầu tư KCN với quy hoạch đầu tư đô thị, khu dân cư và các dịch vụ khác. Để khu công nghiệp phát triển bền vững, Công ty Tân Tạo sớm nhận thức được sự cần thiết phát triển cân đối, hài hòa giữa kinh tế KCN với đầu tư xây dựng công trình ngoài hàng rào khu công nghiệp. Đầu năm 2003, công ty đã xây dựng và đưa vào hoạt động phòng khám đa khoa phục vụ 20 nghìn lao động khu công nghiệp. Hiện nay, KCN Tân Tạo xây dựng chung cư 15 tầng tạo 4.000 chỗ ở cho công nhân KCN; có trung tâm dạy nghề trong KCN cung cấp lao động qua đào tạo cho doanh nghiệp trong khu, đồng thời đang trình dự án thành lập trường đại học dân lập đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ lâu dài cho sự phát triển của KCN.

Từ một vùng đất phèn chua, sản xuất nông nghiệp năng suất thấp, sau tám năm đã có 138 nhà máy đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 20 nghìn lao động, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. KCN Tân Tạo là một mô hình phát triển theo hướng bền vững.

Là nhà kinh doanh hạ tầng KCN, mong muốn hàng đầu là làm sao thu hút nhiều nhà đầu tư, anh Mến đã nói lên những suy nghĩ của mình: KCN và các loại hình khu kinh tế khác là một loại hình kinh tế đang đóng vai trò hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cần sớm xây dựng quy chế về loại hình KCN và khu kinh tế đặc biệt khác, làm khung pháp lý vững chắc và ổn định cùng với những chính sách linh hoạt nhằm phát triển KCN theo hướng bền vững. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu lý luận và thực tiễn để đa dạng hóa mô hình kinh tế. Thí dụ như ngoài mô hình KCN, KCX, còn có KCN tập trung từng ngành (cluster) khu liên hợp công nghiệp - dân cư - thương mại, dịch vụ, KCN sinh thái, khu công nghệ cao... Uyển chuyển trong mô hình kinh tế là đòi hỏi khách quan, nhằm tăng sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả KCN. Sắp tới, khả năng cạnh tranh của DN trong KCN sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ các doanh nghiệp chủ yếu là gia công, hiệu quả kinh tế thấp, chi phí của một số mặt hàng trong KCN cao, do đó khó cạnh tranh với những sản phẩm từ các nước trong khu vực khi Nhà nước thực hiện các cam kết giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, vấn đề quan trọng hiện nay là nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong các KCN (cả DN trong nước và nước ngoài) qua đó mà nâng cao ưu thế và sức cạnh tranh  của nền kinh tế nước ta bằng cách mở rộng chức năng của các KCN sang cả lĩnh vực dịch vụ kinh doanh quốc tế đa dạng và một số dịch vụ kinh doanh trong nước, tạo sự hấp dẫn trong môi trường đầu tư ở Việt Nam. Ưu tiên mời gọi những dự án công nghiệp mũi nhọn với kỹ thuật công nghệ cao. Phát triển toàn diện các ngành, các lĩnh vực kinh tế dịch vụ, nhất là thương mại, xuất, nhập khẩu, tài chính, ngân hàng, du lịch, giao thông, thông tin... làm nền tảng nâng cao sức cạnh tranh của các KCN trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Kinh nghiệm đã chỉ rõ, xây dựng KCN nhất thiết phải gắn với việc phát  triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và đô thị hóa khu vực chung quanh. Để thực hiện, đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia, có một chính sách riêng ưu đãi các dự án xây dựng nhà ở cho người lao động trong KCN.

THẾ GIA