Vua lúa giống Hồ Quang Cua

Bất ngờ từ đồng ruộng

Nhớ mùa gió chướng năm 1996, một buổi sáng lội thăm đồng lúa ở xã Viên Bình huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng, bằng cặp mắt nhà nghề, kỹ sư Hồ Quang Cua phát hiện những bụi lúa “lạ”. Không kịp xắn quần dài, anh lội ngay xuống ruộng, tay mân mê những bông lúa gốc tím như người mất hồn. Những ngày sau đó, từ tờ mờ sáng đến mịt tối, nông dân ở Viên Bình thấy anh lặn lội khắp cánh đồng lúa VD 20 rộng 500ha để “săn lùng” những bụi giống lúa.

Kỹ sư Hồ Quang Cua tâm sự: Kết quả của chuỗi ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, anh đã chọn lọc được 1.050 cá thể đột biến tự nhiên. Từ những cá thể này, anh đem về ruộng nhà trồng thí nghiệm.

Qua nhiều vụ sản xuất, anh đã chọn được 22 dòng có năng suất, chất lượng cao mang tên ST3. Như vậy, từ giống lúa VD 20 hạt bầu, kỹ sư Hồ Quang Cua đã lai tạo thành công giống lúa ST3 có hình dạng thon, thơm và mềm cơm. Với ưu thế vượt trội này, nàng thơm ST3 được công nhận là giống lúa cao sản đầu tiên đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Phấn khởi hơn, giống lúa ST3 khi đưa vào sản xuất liền được nông dân cả nước đón nhận nồng nhiệt. Sự xuất hiện của giống lúa ST3 đã làm sôi động thị trường gạo thơm Việt Nam sau nhiều năm yên ắng. Có năm, diện tích lúa thơm ST3 phát triển đến hàng vạn ha. Ngay như vụ đông xuân 2004-2005, trên cánh đồng Mỹ Xuyên - quê hương tác giả - lúa thơm ST3 đã vượt con số trên 10 nghìn ha.

Huyện Ngã Năm còn xây dựng vùng sản xuất tập trung giống lúa thơm ST3 để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến gạo chất lượng cao của tỉnh, phục vụ xuất khẩu. Nhiều nông dân ở Sóc Trăng đã xây được nhà tường, tậu máy cày nhờ ba năm liền trồng lúa thơm ST3 trúng bể bồ, lại bán được giá.

Chân dung người thổi hồn vào đất

Kỹ sư Hồ Quang Cua năm nay 52 tuổi. Nhiều nông dân vẫn tiếp xúc hằng ngày với kỹ sư Hồ Quang Cua không hề biết anh đang là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng bởi tính tình khá cởi mở, gần gũi với người lao động. Trông bề ngoài, ông mang nhiều nét đặc trưng của một nông dân thứ thiệt: cao to, nước da ngăm đen vì dãi nắng dầm sương, các ngón chân đóng phèn vàng khè.

Tuổi thơ của anh gắn liền với cánh đồng lúa bạt ngàn thuộc ấp Giầy Lăng, xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu. Dù vừa đi học vừa tiếp các anh làm việc đồng áng, nhưng Hồ Quang Cua học rất giỏi.

Sau khi tốt nghiệp đại học, lấy bằng kỹ sư nông nghiệp, chuyên ngành trồng trọt (1978), anh về làm việc tại huyện Mỹ Xuyên. Bằng năng lực và hiệu quả công việc, kỹ sư Hồ Quang Cua được đề bạt vào nhiều chức vụ như Trưởng phòng Nông nghiệp, Giám đốc Trung tâm giống cây trồng, Phó Giám đốc Sở Khoa học-công nghệ.

Trong cương vị Phó Giám đốc Thường trực Sở NN - PTNT, công việc bộn bề, anh vẫn sắp xếp thời gian nghiên cứu, không ảnh hưởng tới tám giờ vàng ngọc. Buổi sáng, trước giờ làm việc, anh tranh thủ thăm đồng. Buổi chiều, sau giờ hành chính, anh lại về “trại” giống của mình. Thứ bảy, chủ nhật, anh thường lui tới nhà các lão nông để hỏi thăm chuyện trồng lúa thơm. Những lúc như vậy, nhiều thắc mắc của bà con liên quan đến kỹ thuật canh tác các giống lúa liền được anh giải thích. Anh nói vui: Đó cũng là một cách làm khuyến nông.

Trại giống của anh thường xuyên có khách đến tham quan, phần lớn là bà con nông dân. Có hôm, anh phải tiếp cùng lúc nhiều đoàn nông dân các tỉnh. Bà con đến đây để tham quan các điểm trình diễn lúa thơm của anh. Cũng có người, vì muốn được xem mặt anh và trực tiếp trao đổi với kỹ sư về những kinh nghiệm trồng lúa thơm ST3 nên đã không ngại vượt đường xa. Những ngày giáp Tết Ất Dậu vừa qua, trong lúc mọi người đang chuẩn bị sửa sang nhà cửa thì anh vẫn lăn lộn suốt ngày ngoài đồng.

Hôm tôi đến thăm, anh đang mặc độc chiếc quần đùi, mình dính đầy bùn cùng những người nông dân do anh huấn luyện tuyển chọn lúa giống. Công việc đa đoan, anh quên cả về nhà, ở luôn ngoài trại. Ông Phước, một lão nông nhiều năm làm vệ tinh sản xuất lúa thơm ở xã Trường Khánh nhận xét: cây lúa đã ngấm vào máu kỹ sư Hồ Quang Cua. Có lần sau khi tuyển chọn được 250 dòng lúa thơm ưng ý từ 8 nghìn dòng, anh đem hẳn gói lúa này vào phòng ngủ, để trên đầu giường. Đang lơ mơ, chợt nghe tiếng chó sủa, anh bừng tỉnh, chạy bật đèn kiểm tra. Khi thấy gói lúa giống còn nằm đó, anh mới an tâm ngủ lại.

Hướng tới tương lai

Dù đã thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, tuyển chọn giống lúa thơm ST3, nhưng ở người kỹ sư chân đất này vẫn trào tuôn niềm đam mê tiếp tục tìm tòi, tuyển chọn lúa giống. Anh bật mí: Đang nghiên cứu giống lúa ST5-một giống mới có hiệu quả cao hơn giống lúa thơm ST3. So với đàn anh ST3, giống lúa ST5 có nhiều tính năng vượt trội hơn: nở bụi mạnh, thân cứng, lá thẳng, rễ phát triển mạnh và hạt dài.

Lai lịch của giống lúa ST5 này xuất phát từ việc cách đây không lâu một người bạn trong ngành tặng anh vài trăm gam lúa lai có họ hàng với giống Khao Đát Mali. Từ những hạt lúa quý giá này, kỹ sư Hồ Quang Cua loại bỏ hạt xấu, gieo trồng từng hạt, tuyển lọc thô được 21 nghìn bụi. Có chứng kiến tận mắt các khâu tuyển chọn giống, tôi mới nể phục tinh thần làm việc của anh. Sau khi gặt, chọn được 10 nghìn mẫu, anh và các cộng sự của mình bắt tay vào phân tích, tuyển chọn, phân loại từng dòng một. Anh đã chọn được 5% các dòng tốt nhất trong quần thể ban đầu.

Theo anh, nếu chọn lọc theo quy trình công nghệ lựa giống, với số mẫu nói trên, phải mất một năm và chi phí không phải nhỏ. Bởi chỉ riêng thử chỉ tiêu thơm, sau khi tách vỏ, cà nát, đưa vào đĩa PETRI, chi phí đã là 25 nghìn đồng/mẫu. Như vậy với việc tuyển chọn 10 nghìn mẫu lúa, kỹ sư Hồ Quang Cua đã tiết kiệm cho ngân sách địa phương nhiều tỷ đồng. Vụ hè thu 2005, anh sẽ tiếp tục thanh lọc tuyển chọn lần cuối, phóng thích giống để phục vụ nhu cầu sản xuất của nông dân.

Kỹ sư Hồ Quang Cua lạc quan: Năm 2006, giống lúa ST5 sẽ được giới thiệu trồng đại trà. Như vậy một ngày không xa, nông dân ĐBSCL lại có thể làm giàu từ giống lúa mới ST5 với những đặc tính đạt tiêu chuẩn gạo thơm xuất khẩu. Tâm đắc trước cách làm của kỹ sư Hồ Quang Cua, Thứ trưởng Nông nghiệp Diệp Kỉnh Tần, khẳng định: ST3, ST5 là giống lúa quốc gia, cần được nhân rộng ở nhiều địa phương. Cùng với một số giống lúa thơm khác, sản lượng xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam đã đạt ngưỡng trên 100 nghìn tấn trong năm 2004.