Chuyên gia nước ngoài nói về quản lý thuốc lá mới: "Cấm không phải là biện pháp hiệu quả"

Với kinh nghiệm hơn một thập kỷ trong việc chống lại tác hại thuốc lá, Giáo sư Riccardo Polosa cho biết biện pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu đã đem đến những ảnh hưởng tích cực cho các quốc gia như Anh, Nhật, New Zealand…
0:00 / 0:00
0:00

Giáo sư Riccardo Polosa - một chuyên gia uy tín quốc tế trong lĩnh vực hô hấp vừa có trao đổi với báo chí về những chia sẻ khoa học khi bàn về biện pháp quản lý thuốc lá mới. Ông là người sáng lập Trung tâm Xuất sắc về Chiến lược Giảm thiểu Tác hại (Centre of Excellence for the acceleration of Harm Reduction - CoEHAR), đồng thời là giáo sư nội khoa tại Đại học Catania (Italia).

Với kinh nghiệm hơn một thập kỷ trong việc chống lại tác hại thuốc lá, ông cho biết biện pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu đã đem đến những ảnh hưởng tích cực cho các quốc gia như Anh, Nhật, New Zealand…

Do đó, ông mong muốn chính phủ các nước xem xét công tâm biện pháp này trong chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá quốc gia, thay vì chỉ theo đuổi việc loại bỏ tất cả các sản phẩm nicotine và thuốc lá - mục tiêu khó thành hiện thực trong thực tế.

Chuyên gia nước ngoài nói về quản lý thuốc lá mới: "Cấm không phải là biện pháp hiệu quả" ảnh 1

Giáo sư Riccardo Polosa.

Thuốc lá mới: gánh nặng xã hội hay giải pháp chiến lược?

Vấn đề thuốc lá mới đã được các bộ ngành liên quan thảo luận trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có nhiều khởi sắc trong việc đạt được sự đồng thuận chung. Đã có quan ngại cho rằng thuốc lá mới sẽ là gánh nặng xã hội, làm suy giảm những nỗ lực phòng chống tác hại thuốc lá của quốc gia tích lũy trong nhiều năm qua. Trong bối cảnh đó, Giáo sư Riccardo đã đưa ra những dữ liệu đời thực ghi nhận được từ những quốc gia đi trước để làm cơ sở tham khảo.

Ông cho biết, Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu trên 5.000 người hút thuốc chuyển sang dùng các sản phẩm thuốc lá mới trong 5 năm (từ năm 1991-1996). Đây có thể xem là nghiên cứu lớn nhất và lâu nhất trước giờ, trên đối tượng người hút thuốc. Kết quả cho thấy, sau năm đầu tiên, những người hút thuốc mắc bệnh ho mãn tính đã cải thiện 20% tình trạng sức khỏe, con số này liên tục tăng dần trong 4 năm còn lại của nghiên cứu.

Gần đây nhất, một nghiên cứu được thực hiện trong 3 tháng với quy mô 220 người so sánh sản phẩm không khói với thuốc lá điếu cho thấy, những người dùng thuốc lá làm nóng có tiềm năng đạt tỷ lệ cai thuốc thành công gần 40%, đồng thời làm giảm đến 88% các triệu chứng có hại cho phổi. Chưa kể, việc chuyển đổi này còn giúp bệnh nhân COPD giảm khoảng 40% các cơn khởi phát liên quan đến hô hấp, giảm tỷ nhập viện, nhờ vậy giảm đi gánh nặng kinh tế cho người bệnh và hệ thống y tế. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh tính ưu tiên của việc cai hoàn toàn thuốc lá điếu và các sản phẩm nicotine. Chỉ với những người chưa cai được, hoặc không muốn cai sau nhiều nỗ lực thì cần các sản phẩm giảm tác hại song song với các biện pháp cai thuốc lá khác phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng và sự hợp tác của người hút thuốc.

Ông cho rằng việc giảm tác hại bằng những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu ít tác hại hơn là một biện pháp đáng cân nhắc. Bởi, nếu không thay đổi được thực tế thì giữa những cái xấu thì cần chọn cái ít xấu nhất và đồng thời kiểm soát điều đó một cách nghiêm ngặt thay vì lựa chọn với biện cấm đoán cực đoan.

Theo ông, việc cấm không chỉ không giải quyết được vấn đề mà nhà quản lý mong muốn, mà còn gia tăng gánh nặng và các hệ lụy liên quan sau những quyết định này. Ông đưa ra minh chứng, chính quyền hai thành phố San Francisco và Califonia (thuộc bang Califonia, Mỹ) đã từng đưa ra quyết định cấm thuốc lá với tuyên bố sẽ trở thành một “thành phố không khói”. Tuy nhiên, sau lệnh cấm, tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở hai khu vực này đã tăng đột biến, không thể kiểm soát. Kết quả của lệnh cấm trên đã làm gia tăng tình trạng buôn lậu, tội phạm…

Giải pháp cho những quan ngại về tỷ lệ hút thuốc lá mới ở giới trẻ

Một trong những mối bận tâm của xã hội hiện nay và cũng là nguyên nhân để các Bộ ngành trong nước thận trọng với việc kiểm soát thuốc lá mới chính là khả năng gia tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá mới trong giới trẻ. Thực tiễn cho thấy, mặc dù thuốc lá mới chỉ đang lưu thông ở thị trường chợ đen, nhưng trong 5 năm qua con số này tăng 18 lần. Do đó, cơ quan chức năng lo lắng nếu được cung cấp hợp pháp, liệu có tạo ra thế hệ nghiện mới trong khi việc sử dụng thuốc lá điếu ở giới trẻ hiện nay cũng đang là mối lo ngại chưa được giải quyết triệt để từ các cơ quan ban ngành.

Cung cấp thêm thông tin cho vấn đề này, Giáo sư Riccardo quay trở lại với số liệu của thị trường Mỹ để dẫn chứng. Ông cho biết, dữ liệu từ Mỹ cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ thuốc lá điếu trong giới trẻ giảm từ 10% xuống còn chỉ 0,2% trong giai đoạn từ năm 2012-2021. Nước Mỹ gọi đây là “một thắng lợi về y tế công cộng” bởi họ đã cố gắng loại bỏ thuốc lá điếu trong hơn 40 năm mà không thành công. Nhưng với sự ra đời của thuốc lá mới, nỗ lực đó đã gần đạt được thành tựu. Với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở giới trẻ dưới 5%, trong tương lai 10-20 năm nữa, Mỹ có thể sẽ có một thế hệ hoàn toàn không hút thuốc lá điếu. Từ đó, tỷ lệ mắc các bệnh liên quan khói thuốc như bệnh về phổi, tim mạch lẫn gánh nặng y tế từ các bệnh sẽ giảm đi một cách đáng kể.

Từ những dữ liệu mà Giáo sư Riccardo cung cấp, quan ngại về vấn đề sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ cần được làm rõ. Liệu đây là tỷ lệ hút mới hay tỷ lệ giới trẻ đã chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang thuốc lá mới? Mặc dù thuốc lá nào cũng gây hại, nhưng nếu mức độ tác hại giảm đi thì vẫn là một sự lựa chọn tốt hơn.

Mặt khác, Giáo sư Riccardo cũng chia sẻ thêm về bức tranh quản lý tại các quốc gia đã thương mại hóa sản phẩm này về những biện pháp ngăn chặn giới trẻ. Ông cho biết, mỗi quốc gia và khu vực sẽ có các quy định khác nhau. Đơn cử, một số chỉ thị quản lý thuốc lá nói chung tại Liên minh châu Âu bao gồm cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, cấm quảng cáo mọi loại thuốc lá, kiểm soát lượng nicotine chứa trong một điếu thuốc lá dưới mức 20mg...

Vấn đề kiểm soát thuốc lá mới không phải chỉ nổi cộm trong những năm gần đây mà đã được Chính phủ quan tâm từ rất sớm cũng như chỉ đạo các Bộ ban ngành liên quan phối hợp đề xuất biện pháp quản lý để trình Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay vẫn đang là tiến trình thảo luận và tìm sự đồng thuận của các bên để thống nhất những quan điểm khác biệt. Theo các chuyên gia, tốc độ phát triển của thuốc lá mới ngày càng nhanh và lan rộng, vì vậy nếu không sớm có biện pháp đưa các sản phẩm này chịu sự quản lý của pháp luật, việc mất kiểm soát các mặt hàng này tại thị trường chợ đen, buôn lậu sẽ có khả năng xảy ra.

Giáo sư Riccardo Polosa là chuyên gia uy tín về vấn đề giảm tác hại thuốc lá. Năm 2017, ông đã nhận được giải thưởng INNCO Global bởi những đóng góp tích cực trong cuộc chiến với thuốc lá trên toàn cầu.

Ngoài ra, Giáo sư Riccardo Polosa còn được biết đến là một trong những người đứng đầu trong lĩnh vực nghiệm pháp kích thích phế quản lâm sàng, cũng là tác giả của hơn 250 bài đánh giá và sách về dược phẩm trị hô hấp, miễn dịch lâm sàng và cai nghiện thuốc lá.