Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà lãnh đạo Liên Xô (trước đây) I.V.Stalin.
Tại bàn tròn, Giáo sư Andrey Vassoevich, Giám đốc Viện nghiên cứu phương Đông (Đại học sư phạm quốc gia Herzen) nêu rõ, các nguồn tài liệu cho biết, Stalin đánh giá cao Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đấu tranh chống lại chính sách xâm lược của phương Tây nhằm các nước phương Đông.
Giáo sư Vassoevich nhấn mạnh, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đánh bại thế lực đế quốc hùng mạnh nhất. Dù Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn sống để chứng kiến chiến thắng này, song Người đã có những đóng góp vô giá cho sự thịnh vượng của Việt Nam, bằng cách bồi dưỡng và lựa chọn đội ngũ cán bộ xứng đáng, những người kế tục chân chính đường lối chính trị của Người là phục vụ nhân dân Việt Nam và nhân dân lao động toàn thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga-Việt “Truyền thống và Hữu nghị” nhấn mạnh, trong một thời gian ngắn, trong điều kiện quốc tế vô cùng khó khăn và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam đang diễn ra không ngừng, giữa Hồ Chí Minh và Stalin đã hình thành mối quan hệ tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, điều đó có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với việc phát triển quan hệ giữa một đất nước Việt Nam non trẻ và Liên Xô vĩ đại, tạo tiền đề giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, mà còn đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước hiện nay.
Ông Alexey Skreblyukov, nhà nghiên cứu cao cấp (Học viện thông tin liên lạc quân sự Budyonny) từng công tác tại Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Ông là một trong số ít công dân Liên Xô được tiếp xúc với lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Nhắc về Người, ông Skreblyukov nhớ lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khiêm tốn khác thường, rất thông minh, nói tiếng Nga xuất sắc và luôn rất tôn trọng mọi người. Ông Skreblyukov nhắc lại kỷ niệm tại bãi tập nơi thử nghiệm vũ khí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến đến Đại sứ và gửi lời cảm ơn rất nhiều đến Liên Xô vì hỗ trợ quân sự.
Tổng kết bàn tròn, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg Vyacheslav Kalganov nhấn mạnh, di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cần kiên định theo đuổi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng, bảo đảm lợi ích cao nhất của dân tộc trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi. Đây cũng chính là điều mà tân Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đề cập trong bài phát biểu nhậm chức mới đây.