Tham dự, có đại diện các cơ quan lưu trữ Liên bang Nga và Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, Cơ quan vũ trụ LB Nga, Trung tâm huấn luyện phi hành gia mang tên Yuri Gagarin.
Phát biểu tại lễ ra mắt ấn phẩm, Phó Giám đốc Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga Andrei Viktorovich ôn lại chuyến bay lịch sử ngày 23-7-1980 của phi hành đoàn Xô-Việt được xem là mốc son cho tình hữu nghị hai nước. Cách đây 40 năm, từ sân bay vũ trụ Baikonur, tàu “Liên hợp 37” được phóng lên, đưa phi hành gia V.Gorbatko của Liên Xô (trước đây) và Phạm Tuân của Việt Nam vào vũ trụ, thực hiện chuyến du hành tám ngày trước khi trở về trái đất.
Chuyến bay năm 1980 kể trên là lần đầu trong lịch sử, phi hành đoàn Xô-Việt bay vào vũ trụ và là chuyến bay thứ sáu trong chương trình hợp tác có tên chính thức là Interkosmos của các nước xã hội chủ nghĩa, nhằm thăm dò và sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình. Ông Andrei Viktorovich tin tưởng ấn phẩm sẽ rất thú vị với nhiều thông tin bổ ích dành cho bạn đọc.
Việt Nam tham gia chương trình Interkosmos năm 1979. Cùng năm này, sau cuộc tuyển chọn ứng cử viên phi hành gia, hai phi công là Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm được chọn và gửi đến đào tạo tại Trung tâm huấn luyện phi hành gia mang tên Yuri Gagarin. Hoàn thành khóa huấn luyện vũ trụ tổng hợp và chuẩn bị cho các chuyến bay trên tàu bay dòng "Liên hợp", Phạm Tuân được chỉ định vào đội bay chính, còn Bùi Thanh Liêm vào vị trí dự bị. Năm 1980, Phạm Tuân trở thành phi hành gia đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ.
Từ đầu cầu Việt Nam, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước bày tỏ vui mừng cho biết, ấn phẩm vừa ra mắt sẽ mang đến cho người xem nhiều tài liệu quan trọng lần đầu tiên được công bố. Phía Việt Nam sẽ nỗ lực để sớm phổ biến rộng rãi ấn phẩm này.
Cũng tại lễ ra mắt ấn phẩm đặc biệt kể trên, Tham tán công sứ Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Quỳnh Mai nhấn mạnh, thành công của chuyến bay lịch sử năm 1980 là biểu tượng của tình hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên Xô, nay là LB Nga. Sự hỗ trợ lẫn nhau thực hiện chuyến bay này đã trở thành nền tảng cho khởi đầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ tại Việt Nam.
Tham tán công sứ Nguyễn Quỳnh Mai cũng khẳng định, sau 40 năm, Việt Nam đã có nhiều bước tiến đáng kể trong ngành vũ trụ, đồng thời tin tưởng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và LB Nga trong lĩnh vực chinh phục vũ trụ vì mục đích hòa bình tiếp tục phát triển, từng bước được nâng lên tầm cao mới, góp phần tăng cường và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ấn phẩm đặc biệt vừa ra mắt, do các cơ quan lưu trữ, các trung tâm, tổ chức của Nga và Việt Nam phối hợp biên soạn, gồm các tài liệu về việc Việt Nam tham gia Tổ chức quốc tế về Thông tin vũ trụ Intersputnik, công văn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về phê duyệt ứng cử viên và cử phi công Việt Nam sang học tập tại Liên Xô, ảnh tư liệu về quá trình đào tạo phi hành đoàn quốc tế, các sự kiện trước và sau chuyến bay lịch sử, cũng như tư liệu báo chí...