Trong khi đó, thực phẩm bao gói sẵn ô nhiễm hóa chất tạo mầu cấm sử dụng, hóa chất sử dụng làm phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, sản phẩm quá hạn sử dụng, sản phẩm biến đổi chất lượng do bảo quản không đúng yêu cầu… Ngay cả điều kiện vệ sinh nơi chế biến, dụng cụ chế biến, dụng cụ bảo quản thực phẩm, bàn tay của người chế biến, người ăn đều có nguy cơ chứa đựng các “tác nhân” gây ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm cho người ăn, ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng trong những ngày Tết là rất cao.
Mua thực phẩm cho những ngày Tết cần chọn thực phẩm tươi, ngon, không bị hư hỏng (héo, úa, ươn); không mua thực phẩm bị mọt, mốc, mầu sắc khác thường, có mùi lạ, hết hạn sử dụng; nơi bày bán phải hợp vệ sinh. Đối với các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, các loại hạt có dầu… nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu cũng như có địa chỉ thật rõ ràng, có mầu sắc thật tự nhiên, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Tuyệt đối không mua các loại bánh, kẹo, mứt có mầu sắc lòe loẹt, tươi sáng do sử dụng mầu công nghiệp và chứa nhiều kim loại nặng có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe.
Về quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý, các nguyên liệu thực phẩm tươi sống phải được sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến, nấu ăn; chia thành các phần nhỏ (lượng đủ dùng cho một bữa ăn) bọc kín bảo quản ở nhiệt độ mát khi chờ chế biến trong ngày, bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh nếu bảo quản lâu hơn; không để thực phẩm ra ngoài nhiệt độ phòng trong nhiều giờ; để riêng các loại thực phẩm khi bảo quản trong tủ lạnh. Rửa sạch tay bằng xà- phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm và nấu ăn, nhất là sử dụng dao, thớt, dụng cụ chứa đựng... Thức ăn nên nấu chín kỹ và ăn ngay sau khi nấu.
Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong lưu ý, thời gian nghỉ Tết kéo dài, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, các loại hạt có dầu... Ngoài ra, thời gian này thời tiết phía bắc thường ẩm ướt, phía nam thường nắng nóng gay gắt... là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm. Do vậy, để bảo đảm cho người dân đón Tết, vui Xuân an toàn, bảo đảm sức khỏe, hiện các đoàn kiểm tra liên ngành tại các cấp từ Trung ương đến địa phương đang kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...
Với ý thức, kiến thức của người tiêu dùng trong lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm, kết hợp với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, hy vọng mọi người dân trên cả nước Việt Nam được đón một cái Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đón Xuân trọn niềm vui, an toàn về thực phẩm và bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ để tăng cường sức khỏe, phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.
Bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội đã rà soát, thống kê 14.033 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản; chỉ đạo các huyện tuyên truyền, tổ chức ký cam kết 187.875/198.108 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhỏ lẻ chấp hành các điều kiện về an toàn thực phẩm. Trong dịp Tết sẽ có khoảng 10,33 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết đạt khoảng 39.000 tỷ đồng. Hiện nay, các nhà vườn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tất bật thu hoạch quýt hồng để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Vụ quýt này, toàn huyện còn gần 300 ha quýt hồng đang cho trái. Dự kiến, tổng sản lượng hơn 2.500 tấn quả. Với giá bán tại vườn từ 35.000 đến 55.000 đồng/kg thì nhà vườn trồng quýt hồng vẫn có lãi khá.