Chuyển đổi số trong trường đại học

Không dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý, thời gian gần đây, một số trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư cho quá trình chuyển đổi số, tiến tới mô hình đại học số, đại học thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tiến tới mô hình đại học thông minh. (Ảnh: CTV)
Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, tiến tới mô hình đại học thông minh. (Ảnh: CTV)

Mới đây, Trường đại học Tài chính-Marketing tổ chức lễ nhận sản phẩm chuyển giao về đánh giá trưởng thành số từ Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel.

Đến thời điểm hiện tại, đây là trường đầu tiên tại Việt Nam đạt mức đánh giá này, thể hiện rõ quyết tâm bước vào quy trình chuyển đổi số trong giáo dục. Thang đánh giá lần này được Viettel thực hiện trên sáu miền khảo sát, gồm: Khách hàng, chiến lược, công nghệ, vận hành, văn hóa và dữ liệu.

Sau khi đạt mức độ trưởng thành số, nhà trường sẽ tiến tới các bước liên quan việc số hóa, xây dựng các ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo hay phân tích dữ liệu... nỗ lực tiến tới mô hình đại học số và đại học thông minh trong giai đoạn tới.

Theo PGS, TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính-Marketing, chuyển đổi số là điều tất yếu trong giai đoạn hiện nay, nếu không triển khai các trường sẽ tụt hậu, tiến tới không đạt được những kỳ vọng như mong muốn. Nhà trường xác định nâng cao chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu và chuyển đổi số sẽ được chọn làm công cụ, phương pháp triển khai.

Chuyển đổi số cũng giúp nâng cao vị thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của nhà trường và tạo ra sự phát triển bền vững nhằm thực hiện các chiến lược, kế hoạch trong giai đoạn tới. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, giúp quá trình quản lý ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, chuyển đổi số còn giúp các trường đại học nâng cao tính hội nhập toàn cầu, sớm tiệm cận với các trường đại học tiên tiến trên thế giới.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi thế, tuy nhiên, để sớm đạt được yêu cầu đề ra, Trường đại học Tài chính-Marketing cùng nhiều cơ sở giáo dục đại học khác cần có sự thay đổi tổng thể với sự chung tay của cả hệ thống. Trong đó, sự thay đổi về nhận thức, tư duy đóng vai trò hết sức quan trọng.

“Chuyển đổi số không phải chỉ dừng ở mức ứng dụng công nghệ thông tin mà đòi hỏi chúng ta phải thay đổi được quy trình, phương pháp thực hiện để tăng hiệu quả trong nhiều khía cạnh. Mọi thứ sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu và thành công hay thất bại phụ thuộc vào cả đội ngũ.

Việc đầu tư cần tập trung và có lộ trình dài, vì rất khó thấy được kết quả của quá trình chuyển đổi số chỉ trong một thời gian ngắn. Khó khăn nguồn vốn đầu tư là một chuyện, điều mong muốn hơn cả là sớm có những hướng dẫn, thủ tục, quy định pháp lý cụ thể hơn để nhà trường thực hiện đúng, thực hiện thành công công tác này”, ông Đạt đề xuất.

Hiện nay, Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh có gần 10 chương trình đào tạo được chuyển đổi số hoàn toàn như: Công nghệ tài chính (Fintech); Kế toán Kỹ thuật số (Digital Accounting); Quản trị kinh doanh-định hướng kinh doanh số (Digital Business); Hệ thống thông tin kinh doanh và chuyển đổi số; Khoa học dữ liệu trong kinh doanh...

Các chương trình đào tạo được xây dựng mới theo định hướng hiện đại nhưng vẫn bảo đảm về nền tảng của chuyên ngành đào tạo và được tích hợp các học phần mới. Cùng với đó là việc cải tiến các học phần hiện có theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm khả năng liên ngành và hội nhập quốc tế, phát triển khoa học-công nghệ theo chiều sâu. Sinh viên được trang bị kỹ năng vận dụng các công cụ phân tích dữ liệu vào phân tích và dự báo dựa trên nền dữ liệu lớn, bao gồm cả dữ liệu phát sinh bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, thư viện về trí tuệ nhân tạo...

Hướng tới mô hình đại học thông minh, vậy nên, tất cả các chương trình đào tạo còn lại đều được Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh kích hoạt ứng dụng quy trình chuyển đổi số từng bước với rất nhiều nền tảng công nghệ mới. Triển khai từ năm 2020, hiện nhà trường đang mời các chuyên gia tiến hành đánh giá hiệu quả của quá trình chuyển đổi số để có sự điều chỉnh, cập nhật tiệm cận với mô hình của nhiều nước tiên tiến.

PGS, TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không chỉ tập trung ở chương trình đào tạo mà cả ở vấn đề quản lý, cơ sở vật chất và mọi trụ cột khác của trường đều phải hướng đến chuyển đổi số. Theo đó, cơ sở giáo dục này đang trong quá trình số hóa và đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuyển đổi số được 70%. Chuyển đổi số sẽ giúp chuyển mô hình đại học từ truyền thống sang đại học số, tiếp nữa là mô hình đại học thông minh.

Theo Trung tá Đoàn Đại Phong, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, sau các bước đánh giá cần thiết để chứng tỏ mức độ “trưởng thành số”, các trường cần khẩn trương số hóa dữ liệu, tiến tới số hóa toàn bộ các hoạt động hiện có.

Số hóa quy trình hoạt động và các nghiệp vụ liên quan quản trị cũng là yêu cầu cần tập trung thực hiện để việc giảng dạy, quản lý đạt chất lượng tối ưu nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại. Các quy trình kế tiếp đòi hỏi sự nỗ lực, đầu tư nhiều hơn, nghiêm túc hơn. Giáo dục được xác định là một trong các ngành trọng điểm của quốc gia bắt buộc phải chuyển đổi số.

Hiện tại, về cơ bản, nhận thức về chuyển đổi số đã ăn sâu vào các trường đại học. Nhiều nơi đã chủ động chuyển đổi và có cách làm quyết liệt, sáng tạo, bước đầu tạo được kết quả khả quan. Tuy nhiên, cái khó mà nhiều trường đại học gặp phải hiện nay trong quá trình chuyển đổi số vẫn là văn hóa, nhận thức. “Lực lượng tham gia các hoạt động trong nhà trường bao gồm cả ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân, viên chức, sinh viên, giảng viên, vậy nên tất cả phải cùng nhau chuyển hóa hoạt động lên trên môi trường số thì mới hiệu quả.

Số hóa dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ phải được làm đầu tiên, rồi đến các bước khác. Cái khó tiếp theo là chuyển đổi số trong môi trường giáo dục hiện vẫn đang trong giai đoạn sớm nên cần thêm thời gian. Việc lựa chọn chuyển đổi số cái gì trước, cái gì sau để bám theo chiến lược của nhà trường cũng là không hề đơn giản”, Trung tá Đoàn Đại Phong cho biết thêm.