Chuyển đổi số tại Yên Bái

Trong những năm qua, điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn là rào cản trong chuyển đổi số tại Yên Bái, nhưng với quyết tâm, cùng với những cách làm cụ thể, tỉnh đang từng bước tạo được sự chuyển biến rõ nét cho nhiệm vụ quan trọng này.
0:00 / 0:00
0:00
Tuổi trẻ Yên Bái tham gia hoạt động chuyển đổi số.
Tuổi trẻ Yên Bái tham gia hoạt động chuyển đổi số.

Năm 2022, tỉnh Yên Bái đã ban hành 36 văn bản quan trọng (gồm hai nghị quyết, 13 quyết định, hai chỉ thị, 18 kế hoạch và một đề án), cơ bản hoàn thiện một bước quan trọng về hành lang pháp lý, thể chế triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, nhiều nội dung quan trọng, chưa có tiền lệ như: Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2022-2025 gồm: Mức thưởng đối với sở, ngành, huyện thị, xã phường hoàn thành đạt chuẩn chuyển đổi số, chuyển đổi số nâng cao; hỗ trợ nâng cao năng lực với các tổ chuyển đổi số cộng đồng tại thôn, bản, tổ dân phố; hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, địa phương…

Yên Bái là tỉnh đầu tiên của cả nước thành lập Trung tâm Chuyển đổi số trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh. Cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội thi truyền thông về chuyển đổi số đến tất cả các cấp huyện với chủ đề "Chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn". Cuộc thi đã tạo nên làn sóng lan tỏa mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả thiết thực với nội dung và hình thức phong phú. Qua cuộc thi, đã có nhiều sáng kiến hay được nghiên cứu, đang được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh như: Ngày thanh toán không dùng tiền mặt, tạo mã QRCode cho các cơ sở kinh doanh…

Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh cho biết, tháng 3/2022, huyện đã đồng loạt khai trương tám ứng dụng phần mềm, triển khai cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 75 năm Ngày thành lập Ðảng bộ huyện, thu hút hơn 16 nghìn lượt người tham gia. Từ lúc chỉ có chín tổ chức đảng thực hiện thí điểm nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử", đến nay, tất cả 284 chi bộ với hơn 5.500 đảng viên đã thực hiện, đạt tỷ lệ 83%. Huyện Yên Bình được đánh giá là địa phương có số lượng chi bộ và đảng viên sử dụng nền tảng "Sổ tay đảng viên điện tử" cao nhất tỉnh.

Thí điểm giao doanh nghiệp bưu chính công ích tiếp nhận, trả kết quả (theo Nghị định 107/2021/NÐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ) đối với sáu thủ tục hành chính cấp tỉnh có phát sinh nhiều hồ sơ, người dân, doanh nghiệp có thể nộp, nhận kết quả tại các điểm bưu điện văn hóa xã tại thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên và thị xã Nghĩa Lộ cùng chín bưu cục cấp II trên địa bàn tỉnh. Ðiều này rất có ý nghĩa đối với người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc tiết kiệm chi phí, công sức và thời gian đi lại, đồng thời, cũng là giải pháp nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tỷ lệ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Yên Bái xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ mới và khó, không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh, khi hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số, phát triển mô hình đô thị thông minh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông... còn đơn lẻ, rời rạc; chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung, chưa khai thác được cơ sở dữ liệu liên ngành. Trong khi đó, công nghệ thay đổi từng ngày, từng giờ, đòi hỏi quá trình chuyển đổi số của tỉnh cần nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn, đồng bộ hơn và mang lại hiệu quả thật sự.

Ðể những vấn đề nêu trên không trở thành rào cản trên con đường chuyển đổi số, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Yên Bái cần có định hướng đúng đắn, giải pháp tổng thể, đồng bộ, cụ thể, chi tiết và sát hợp thực tế, hướng tới hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, chuyển đổi số vì cuộc sống tốt đẹp hơn ■

Ðến nay, toàn bộ 1.356 thôn, bản, tổ dân phố ở 173 xã, phường, thị trấn của tỉnh Yên Bái đã thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 9.100 thành viên. Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên xây dựng, triển khai mô hình nhà văn hóa số, tổ chức thí điểm tại huyện Văn Yên. Ðến nay, huyện Văn Yên đã xây dựng được 92 nhà văn hóa số (trong đó, 34 nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn nhà văn hóa số nâng cao), chiếm 53,5% tổng số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.