Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thời gian qua, nhiều chính sách và quy định về chuyển đổi số đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kịp thời, tạo hành lang pháp lý triển khai chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học trên nền tảng công nghệ số của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội).
Giờ học trên nền tảng công nghệ số của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội).

Năm học mới 2024-2025, toàn ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, kết nối cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia một cách hiệu quả.

Những mô hình hiệu quả

Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục góp phần nâng cao chất lượng dạy học, tạo thuận lợi hơn trong quản lý giáo dục. Năm học vừa qua, Trường THCS Việt Tiến (thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đạt được kết quả tích cực sau hơn một năm thí điểm chuyển đổi số.

Thầy Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã ứng dụng công nghệ thông tin tạo thuận lợi trong việc hoàn thành cùng lúc ba mục tiêu: dạy, học và quản lý. Trường THCS Việt Tiến đã thu được những kết quả rất tích cực, hoạt động dạy học tạo hứng thú cho học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động của các em trong quá trình tiếp thu bài giảng; chất lượng giáo dục được nâng lên, điểm trung bình các môn thí điểm đều cao hơn mặt bằng chung của huyện.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Việt Yên Nguyễn Văn Chiến, sau hơn một năm triển khai, thí điểm chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục, số lượng truy cập, tìm hiểu, nghiên cứu học liệu đối với các môn học trong phần mềm tăng nhanh, giúp học sinh năng động, sáng tạo hơn, tích cực tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức, thành thạo các kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thác các nguồn học liệu số.

Không chỉ vậy, chuyển đổi số còn là cơ hội tốt để hình thành phương pháp dạy học mới theo mô hình “lớp học đảo ngược”, giúp giáo viên kiểm soát và đánh giá năng lực của học sinh chính xác, kịp thời, từ đó điều chỉnh phương pháp dạy học trên lớp phù hợp hơn.

Thông qua kết quả thí điểm tại Trường THCS Việt Tiến, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Việt Yên sẽ triển khai chuyển đổi số đối với các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, nhất là thực hiện quản lý và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm điện tử, học bạ số...).

Tại Hà Nội, từ thành công thí điểm học bạ số (thực hiện từ tháng 4/2024) trong các trường tiểu học, ngành giáo dục Thủ đô cho biết, sẽ tiếp tục triển khai học bạ số tại tất cả trường phổ thông trong năm học 2024-2025. Cô giáo Nguyễn Phương Thảo, Trường tiểu học Tân Định (quận Hoàng Mai) cho biết, năm học vừa qua đã giảm nhiều áp lực về sổ sách cuối năm khi cô nhập liệu thành công học bạ số của hơn 40 học sinh trên cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước đây, sử dụng học bạ giấy, giáo viên tốn nhiều thời gian để điền thông tin học bạ, cập nhật điểm, ký tay cho tất cả học bạ, nếu không may sai sót, rất khó điều chỉnh. Việc áp dụng học bạ số đã phần nào giải quyết được những khó khăn đó. Cô giáo Bùi Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) nhận định, học bạ số bước đầu mang lại nhiều lợi ích về quản lý, theo dõi, kiểm tra thông tin; dễ dàng điều chỉnh nếu có sai sót so với học bạ truyền thống, điều này tạo thuận lợi cho giáo viên.

Học bạ số giúp lưu trữ thông tin học sinh chính xác, lâu dài, dễ dàng tra cứu và cập nhật đối với các hoạt động hành chính có sử dụng học bạ, chẳng hạn như khi làm thủ tục cho học sinh chuyển trường.

Thành công bước đầu của thí điểm học bạ số là bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục, hướng tới hệ thống giáo dục hiện đại và hiệu quả hơn. Không chỉ giúp giảm bớt công việc giấy tờ cho giáo viên, học bạ số còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi tiến độ học tập của học sinh, giúp phụ huynh và giáo viên nhanh chóng tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời với những trường hợp cần thiết.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, gần 2.900 cơ sở giáo dục, khoảng 2,2 triệu học sinh và hơn 125 nghìn giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia; tổ chức tập huấn hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số; nhân rộng các mô hình chuyển đổi số; xây dựng lớp học, trường học thông minh...

Năm học vừa qua, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành. Một số kết quả tiêu biểu năm học 2023-2024 là: hệ thống tuyển sinh các lớp đầu cấp, xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 THPT và đăng ký thi tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ 100%. Đáng chú ý, ngành giáo dục Thủ đô được đánh giá là đơn vị dẫn đầu toàn quốc (đạt 97,6%) về thí điểm triển khai hiệu quả học bạ số cấp tiểu học

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Thêm cho biết, thời gian tới, sở yêu cầu các trường tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới, chuyển đổi số trong giáo dục.

Ngành giáo dục Bắc Giang tăng cường năng lực số cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, trong đó trọng tâm là dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học; tổ chức hiệu quả việc dạy học trực tiếp, trực tuyến và kết hợp; tạo điều kiện cho học sinh được học tập qua các nguồn học liệu đa dạng, phong phú, phát triển năng lực tự học cho các em.

Theo Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải, thực hiện chuyển đổi số, đến nay, ngành giáo dục đã hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu từ mầm non, phổ thông cho đến đại học, với dữ liệu số hóa của hơn 26 triệu hồ sơ người học, gần hai triệu hồ sơ giáo viên và cán bộ của ngành; 53 nghìn cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và gần 500 cơ sở đào tạo.

Ngành giáo dục triển khai cập nhật, hoàn thiện thông tin định danh trên cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đồng bộ khoảng 24,55 triệu hồ sơ điện tử của học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông tin về lĩnh vực giáo dục và đào tạo; chuẩn hóa hồ sơ cán bộ, viên chức và đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Ngành giáo dục cũng triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bảo đảm ổn định, hiệu quả cho 1.070.943 thí sinh đăng ký dự thi thành công, trong đó có 1.014.458 thí sinh đăng ký trực tuyến (đạt tỷ lệ 94,73%); triển khai các ứng dụng thanh toán 100% lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến, thanh toán học phí không dùng tiền mặt...

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải, điểm đáng chú ý trong năm học vừa qua là xác định việc triển khai học bạ số là giải pháp quan trọng để thúc đẩy mạnh mẽ nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành giáo dục, từ đầu năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương thực hiện thí điểm học bạ số đối với cấp tiểu học, góp phần quan trọng tạo sự minh bạch trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

Đến nay, cả nước có 55/63 Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kết nối báo cáo học bạ số về cơ sở dữ liệu ngành giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục.

Thời gian tới, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm tăng hiệu quả chuyển đổi số giáo dục, tiến tới triển khai học bạ số và văn bằng chứng chỉ số đối với người học nhằm tăng minh bạch, chất lượng trong quản lý hoạt động giáo dục.

Toàn ngành triển khai thực hiện hiệu quả một số đề án, nhiệm vụ như: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025”; khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục và đào tạo...