Chuyển đổi số, động lực mới cho Bình Phước phát triển

Trước đây, nhắc đến Bình Phước, không ít người nghĩ đây là một tỉnh miền núi nghèo, nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp… Thế nhưng, bằng những quyết sách sát thực tế, phù hợp xu hướng phát triển của cả nước và thế giới, Bình Phước đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài đến đầu tư.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Phước.
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Phước.

Để môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn doanh nghiệp trong và ngoài nước, Bình Phước đã tạo sự đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, phát triển kinh tế số…; qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang cho biết: Ngay sau khi Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết với quyết tâm đột phá về xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, phát triển kinh tế số góp phần phát triển kinh tế-xã hội và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Trong đó chuyển đổi số với mục tiêu: Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của các cơ quan, đơn vị và địa phương, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bình Phước cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Sau ba năm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, Bình Phước đã cơ bản đạt được các nhiệm vụ đề ra, như: Phát huy được nội lực để đưa chủ trương chuyển đổi số vào thực tiễn; hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền số. Trong đó, tỉnh đã hoàn thành toàn bộ ba nội dung đề ra: triển khai trục kết nối dữ liệu liên thông; triển khai Cổng dịch vụ công tỉnh tích hợp và đồng bộ dữ liệu lên Cổng dịch vụ công quốc gia; phát hành văn bản điện tử có ký số cấp tỉnh đạt 100%, cấp huyện 90%, cấp xã 85%.

Cùng với đó, Bình Phước có hơn 90% số cán bộ, công chức, viên chức công tác tại các sở, ban, ngành; ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố được đào tạo, tập huấn về kỹ năng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Bình Phước cũng hoàn thành bốn nội dung về mục tiêu phát triển xã hội số: mọi người dân và doanh nghiệp đều có định danh điện tử VNeID, kho dữ liệu điện tử khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; các điểm công cộng, đường giao thông, tuyến biên giới, từng khu phố, khu dân cư đều lắp đặt camera giám sát an ninh, trật tự công cộng...

Nhìn nhận những hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết thêm: Bình Phước đề ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GRDP. Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2024, kinh tế số chiếm khoảng 9,6% GRDP. Bên cạnh đó, mục tiêu tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm từ 7-10% trong tổng GRDP của tỉnh. Theo thống kê của ngành công thương, tính đến năm 2023, tỷ trọng kinh tế số mỗi ngành của Bình Phước mới đạt 5%.

Tỉnh chưa đạt hai chỉ số về kinh tế số vì nhiều lý do khác nhau; trong đó, nguyên nhân cơ bản là do xuất phát điểm và đặc điểm cơ cấu kinh tế của Bình Phước. Nhìn chung, sau ba năm thực hiện Nghị quyết, các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản đã hoàn thành: nhận thức về chuyển đổi số đã sâu rộng vào các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp; các cấp lãnh đạo đã xem chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, tổ chức mình; hạ tầng số từng bước mở rộng, nâng cấp và hoàn thiện; công tác bảo đảm an toàn an ninh thông tin được quan tâm triển khai các giải pháp cơ bản, có sự phối hợp giữa các lực lượng.

Từ những kết quả triển khai, tỉnh Bình Phước được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá tích cực, cụ thể qua các giải thưởng và xếp hạng như: Thành phố Đồng Xoài được trao giải thưởng thành phố thông minh Việt Nam năm 2022; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” vào năm 2023. Năm 2024, tỉnh Bình Phước được Hiệp hội Công nghiệp máy tính châu Á-Châu Đại Dương lựa chọn vinh danh Giải thưởng Chính quyền số ASOCIO DX Award 2024. Xếp hạng mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh của Bình Phước cũng là một trong những tỉnh đi đầu: năm 2020 xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, năm 2021 xếp 9/63, năm 2022 xếp 12/63 (năm 2023 chưa công bố).

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Các kết quả bước đầu trong chuyển đổi số khá quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển, bứt phá trong thời gian tới.

Để tiếp tục phát huy thành quả và liên tục trong chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới tỉnh cần tập trung vào ba trụ cột chính: Về hạ tầng số, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện hệ thống truyền dẫn cáp quang nội tỉnh, liên tỉnh, nâng cao tốc độ, băng thông đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của tỉnh; về nền tảng số, tiếp tục hoàn thiện các nền tảng dùng chung để triển khai toàn tỉnh như: nền tảng Cổng dịch vụ công trực tuyến, một cửa điện tử; nền tảng họp trực tuyến; nền tảng quản lý văn bản và điều hành công việc; nền tảng IOC; nền tảng SOC; nền tảng quản lý giáo dục, y tế…; về nguồn nhân lực, đây là một điểm yếu của tỉnh khi triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Do đó, cần quan tâm phát triển, củng cố nguồn nhân lực công nghệ thông tin trên cơ sở tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các tập đoàn, các doanh nghiệp cung cấp, triển khai các dịch vụ chuyển đổi số để hỗ trợ triển khai, đào tạo cho nguồn nhân lực thực hiện tại các cơ quan, tổ chức

Chuyển đổi số là công việc lâu dài, là nhiệm vụ của mọi cơ quan, tổ chức và người dân, doanh nghiệp trong thời đại 4.0. Để Bình Phước phát triển sánh vai cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước thì công tác chuyển đổi số là yếu tố then chốt, có tính chất “đi tắt, đón đầu” nhằm khắc phục các yếu điểm của tỉnh về vị trí địa lý, về xuất phát điểm để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội, rút ngắn khoảng cách thu nhập bình quân, phát huy các lợi thế tiềm năng về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm công, nông nghiệp của tỉnh.