Chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần đánh giá tác động đến môi trường

NDO -

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, cần đánh giá tác động đến môi sinh, môi trường và đời sống thực tiễn khi phân cấp cho các địa phương quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu thảo luận tại tổ 9 sáng 22/10.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (Đồng Nai) phát biểu thảo luận tại tổ 9 sáng 22/10.

Thảo luận tại tổ sáng 22/10, về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế, đại biểu Nguyễn Công Long bày tỏ băn khoăn khi trong dự thảo nêu: Hội đồng nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An được quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô 50 ha; và quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha.

Theo đại biểu, qua nghiên cứu báo cáo đánh giá tác động, gần như các tác động mới chỉ được đánh giá ở mức độ thay đổi về cơ chế và thủ tục hành chính. Kết quả dễ thấy nhất là sự thay đổi về thủ tục hành chính theo hướng thuận tiện hơn, bảo đảm nhanh nhạy, kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiệu quả của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cũng như tác động của nó đến môi sinh, môi trường thì phải nhiều năm nữa mới có thể đánh giá được.

Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, cơ chế chính sách về đất đai, đặc biệt là đất rừng sẽ tác động rất lâu dài nên cần được lưu tâm, đánh giá kỹ và đúng, để giai đoạn phát triển tiếp theo sẽ tránh được các vấn đề quan ngại. Hơn nữa, Nghệ An, Thanh Hóa vốn là các tỉnh có diện tích rừng lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về quốc phòng an ninh, môi sinh, môi trường mà còn là môi trường sống của hàng triệu đồng bào.

Cần mạnh dạn thí điểm

Chia sẻ với quan ngại chính đáng của các đại biểu về vấn đề môi trường khi ủy quyền cho địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà trước đó thuộc thẩm quyền của Thủ tướng nhằm đơn giản thủ tục hành chính, song đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) lại cho rằng nên mạnh dạn thí điểm, vì nhiều địa phương kiến nghị rằng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiện nay yêu cầu thủ tục rất rườm rà, làm chậm tiến trình triển khai dự án ở các địa phương.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần lưu tâm tác động đến môi sinh, môi trường -0
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu thảo luận tại tổ 9. (Ảnh: Linh Nguyên)

“Chúng ta có sự an tâm nhất định là chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phải thích chuyển thế nào thì chuyển, mà phải theo quy hoạch sử dụng đất 10 năm và kế hoạch sử dụng đất 5 năm. Để đủ điều kiện, số diện tích cần chuyển đổi đã phải nằm trong quy hoạch 10 năm, sau đó là kế hoạch 5 năm, rồi cụ thể từng năm một. Năm nào diện tích được chuyển đổi bao nhiêu thì đã phân bổ cho các địa phương trong kế hoạch chung của quốc gia”, đại biểu Trần Văn Lâm nói.

Cũng theo đại biểu, kèm theo việc thực hiện chuyển đổi còn có các khung giới hạn để không vượt ra khỏi khuôn khổ, phạm vi dẫn đến lo ngại diện tích rừng giảm nhanh, vấn đề môi trường trầm trọng hơn.

Cần tập trung thí điểm cơ chế, không chỉ là vấn đề sử dụng nguồn lực đất đai hay nguồn thu

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) nhận xét, về mặt pháp lý, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho 4 địa phương trên có một số điểm mới, đã tính đến đặc thù của các địa phương để bảo đảm tính khả thi. Nếu làm tốt sẽ giúp khơi thông nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, và làm cơ sở để tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác.

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần lưu tâm tác động đến môi sinh, môi trường -0
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) phát biểu trong một phiên thảo luận tổ. 

Góp ý kiến, đại biểu Đồng Ngọc Ba đề xuất cần tập trung vào thí điểm cho cơ chế, không chỉ là vấn đề sử dụng nguồn lực đất đai hay nguồn thu. “Cần nghiên cứu để làm thế nào để từng địa phương có cơ chế về mặt quy định pháp luật bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn, đặc biệt đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh cho nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các lĩnh vực”.

“Muốn làm như vậy, các địa phương phải rà soát kỹ xem trong những điều kiện đầu tư kinh doanh quy định chung, điều kiện nào địa phương mình có thể bỏ”, đại biểu Đồng Ngọc Ba nói.   

Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tinh giản bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức, kiến nghị có biện pháp quyết liệt hơn để nâng cao chất lượng cán bộ công chức ở các địa phương trên. “Ngoài cơ chế tăng thu nhập, cần có giải pháp mạnh hơn nữa để thu hút người có năng lực, thực sự làm được việc, để hình thành cái đặc thù. Và cái đặc thù đó mới đáng để nhân rộng, thực hiện cho cả nước về lâu về dài, dư địa đó mới là bền vững”.

Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo các Nghị quyết trên.