Chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững

NDO - Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có, Việt Nam rất cần có những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại diễn đàn.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ phát biểu tại diễn đàn.

Sáng 12/10, tại Hà Nội, Báo Điện tử VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam".

Trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Các nguồn năng lượng truyền thống gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường.

Thực hiện cam kết bảo đảm an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính. Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại COP-26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn.

Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng sạch không dễ dàng. Việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng năng lượng ổn định.

Đặc biệt, cần phải có những chính sách hỗ trợ thích hợp để khuyến khích các doanh nghiệp và người dân tham gia vào việc sử dụng năng lượng sạch. Việc này đòi hỏi sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng từ phía chính quyền để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Diễn đàn “Triển vọng ngành năng lượng Việt Nam" được tổ chức với mong muốn nhìn lại những kết quả cũng như khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, chuyển dịch sang năng lượng sạch; đồng thời thảo luận về những cơ hội cũng như những thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia, học giả cũng đã cùng bàn luận tại đây các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới cũng như các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu các nguồn điện theo hướng phù hợp, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho biết, năm 2023 được xem là mốc thời điểm quan trọng trong tiến trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của Việt Nam.

Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực năng lượng đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, là một trong những ưu tiên và nhu cầu hàng đầu hiện nay. Việt Nam thuộc danh sách các nước có tiềm năng lớn để đầu tư thêm các nguồn năng lượng tái tạo mới như: điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, điện sóng biển và khí sinh học Biogas, bên cạnh các nguồn năng lượng sẵn có như điện khí tự nhiên hóa lỏng, thủy điện và điện than.

Để tận dụng được hết tiềm năng vốn có, Việt Nam rất cần những chính sách khuyến khích để mở rộng thị trường năng lượng tái tạo, thúc đẩy và triển khai công nghệ mới, cung cấp cơ hội thích hợp, cũng như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở tất cả các lĩnh vực quan trọng.

Với sự hỗ trợ từ các chính sách cụ thể, những dự án năng lượng tái tạo sẽ có cơ sở để phát triển và thu hút nhà đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo ông Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, xu thế chuyển dịch năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo đang diễn ra nhanh chóng, gắn với yêu cầu về phát triển bền vững, bảo đảm an toàn môi trường.

Năng lượng sạch và tái tạo đang được tăng cường sử dụng gắn với chuyển đổi cơ cấu năng lượng đang là xu thế lớn và tất yếu trên thế giới, nhất là sau COP-26.

Do đó, chúng ta cần khai thác nhanh, an toàn và hiệu quả các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo cần tập trung giải quyết một số nội dung trọng tâm liên quan đến khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn, nhân lực, công nghệ cũng như đánh giá tác động môi trường,...

Chúng ta cũng cần đẩy nhanh việc mở rộng lưới điện truyền tải để bảo đảm tích hợp tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng cao về hệ thống điện quốc gia. Cần xây dựng chính sách cụ thể để khuyến khích thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư các dự án năng lượng, nhất là đối với hệ thống truyền tải điện.