Chuyện con tôm "ôm lén" gốc tràm

Cuối tuần rồi, tôi lại đi rừng. Nơi đến là xã Nguyễn Phích, một trong những “điểm nóng” của huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) về nạn đưa nước mặn vô rừng tràm nuôi tôm sú... Dòng sông Cái Tàu chảy ngang trung tâm xã Nguyễn Phích, có rẽ nhánh vô tuyến kênh Ba Quý. Cuối kênh, có cây cầu bê-tông, cạnh con đập mỏng tang vừa được chính quyền gia cố tạm. Vào mùa mặn như hiện nay, con đập ngăn dòng nước mặn từ kênh Ba Quý đổ ra kênh Tư, cũng là ranh giới ngăn dòng mặn - ngọt ở miệt rừng ấp 18 của xã Nguyễn Phích.

Thửa rừng tràm của gia đình ông Lai Văn Đảm, ở ấp 18, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, Cà Mau) đã thành vuông nuôi tôm sú.
Thửa rừng tràm của gia đình ông Lai Văn Đảm, ở ấp 18, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, Cà Mau) đã thành vuông nuôi tôm sú.

Loay hoay trên thửa rừng nghèo

Qua cây cầu là xóm dân cư, xe máy chỉ lưu thông được trên con lộ đất đen mùa khô hạn. Xóm ấy thuộc một phần của ấp 18, bà con cất nhà lưa thưa, ngó mặt ra dòng kênh Tư trong vắt. Dòng nước phèn dưới kênh để cung cấp cho rừng và hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp gắn liền với đất rừng ở ấp 18. Ngoài phục vụ cho cây lúa, con cá đồng…, gần đây, nhân dân trong ấp còn lấy nước dưới kênh Tư để nuôi tôm, kể cả nuôi trong diện tích đáng lẽ bắt buộc phải trồng tràm hoặc cây rừng hệ ngọt. “Đất trồng tràm nuôi tôm mau lớn không thua gì nuôi tôm trên đất lúa”, ông Lai Văn Đảm, hộ dân cách nhà Trưởng ấp 18 Tạ Quang Nha (thường gọi Năm Nha) chỉ chừng ba dây đất (khoảng 200 m), góp chuyện.

Phần đất phía sau nhà của gia đình ông Đảm bốn bề lồng lộng gió. Quanh thửa đất rừng ấy, chỉ còn vài cây tràm lưa thưa, èo uột. Chắc chúng không còn sống được lâu, vì dưới chân rừng bị bao phủ toàn nước mặn. Kề tai nói nhỏ với tôi, ông Đảm cho hay, tôm sú trong rừng nhà ông hiện khoảng 40 con/kg. Nếu ông bơm thêm nước mặn vô rừng, chưa đầy một tháng nữa thôi, tôm sẽ đạt cỡ dưới 30 con một kg, bán được giá cao, có tiền ăn Tết. Biết vậy nhưng cả tuần qua, ông Đảm không dám cấp thêm nước mặn vô rừng. “Năm nào họ cũng đắp đập, ngăn không cho nước mặn vô kênh Tư. Tôi bơm nước đó vào đất rừng nuôi tôm, cán bộ xã nói tôi bơm nước mặn, hăm lấy máy bơm mấy lần”, ông Đảm sợ chính quyền tịch thu máy bơm nước nhưng vẫn thắc mắc.

Ông Đảm là bộ đội xuất ngũ, quê ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Năm 1990, ông về miệt rừng U Minh nhận khoán năm héc-ta đất tràm (theo quy định, 30% diện tích trong số đó được phép canh tác nông nghiệp, còn lại bắt buộc phải trồng rừng). Năm 1997, gần tới ngày thu hoạch, bão số 5 (bão Linda) quét qua, khiến phần lớn rừng cây bị hư hại. Tới năm 2002, ông Đảm nhận cây giống, trồng rừng lại theo hình thức quảng canh. “Đất quá trũng, tràm bị ngập nặng vào mùa mua, tới giờ có cây chỉ bằng nửa cùm tay nên không thu hoạch được gì”, chỉ tay vô xó bếp được làm bằng những cây tràm bé tẹo của nhà mình, ông Đảm dẫn chứng.

Trong thời gian chờ tràm lớn để thu hoạch, gia đình ông Đảm “lấy ngắn nuôi dài” bằng cách độc canh một vụ lúa vào mùa mưa. Cây lúa chịu ngập, chịu phèn kém nên mất mùa triền miên, có năm ông chỉ thu được vài thúng lúa bông (lúa còn dính trên nhánh, chưa tuốt ra bằng máy suốt lúa). Nhớ lại cảnh mất mùa ấy, ông Đảm thở dài: “Chừng ấy lúa nuôi gà, nuôi vịt còn không đủ, nói gì chà gạo ăn”.

Để mười miệng ăn trong nhà không bị đói, vợ chồng ông Đảm đi làm thuê quanh vùng. Những lúc không ai thuê, vợ chồng ông lén đốn cây tràm của nhà mình, cưa khúc, hầm than, bán lấy tiền mua gạo. Cũng vì lẽ đó, rừng tràm nhà ông thưa dần theo thời gian. Ở những nơi không còn cây, ông lén bơm nước mặn vào nuôi tôm sú. Và đến giờ, diện tích nuôi tôm đã chiếm gần hết đất rừng nhà ông. Cũng vì chuyện lén bơm nước mặn ấy, ông Đảm nhiều lần bị lập biên bản, trong đó có bốn lần bị phạt hành chính. “Biết làm vậy là sai nhưng cùng đường rồi”, ông Đảm thú nhận rồi xắn quần lội xuống vuông tôm, hốt rong chất lên những gốc tràm đã bị ông “khai tử”.

Cái ấp nợ nần

Mặn vào, tôm sú nhởn nhơ bên gốc tràm, gia đình ông Đảm bớt phần túng bấn nhưng vẫn thuộc diện hộ nghèo có thâm niên ở ấp 18. “Một năm sau khi tôi về nhận đất rừng thì nghèo hoài cho đến nay”, ông Đảm "khoe".

Vì nghèo nên ông Đảm phải nhượng lại một trong số năm héc-ta đất rừng nhà mình cho người khác. Tám đứa con của ông Đảm, ngoại trừ đứa út là hết lớp tám trường quê, còn lại chỉ hết lớp hai, lớp ba rồi bỏ học, sớm lao vào mưu sinh phụ giúp gia đình. Ba trong số tám người con ấy giờ đã có gia đình, ra riêng, được ông chia mỗi người một phần đất rừng, cũng nuôi tôm dưới gốc tràm giống ông, và cũng khốn khó như ông. Trong căn nhà gió lùa thông thống, ông Đảm lo lắng vì còn nợ các chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện U Minh tổng cộng 75 triệu đồng, chưa biết đến khi nào mới có tiền trả.

Tìm đến nhà Trưởng ấp Năm Nha, tôi lắng nghe giãi bày của ông và biết được chuyện khó, chuyện khổ, chuyện nghèo, chuyện hộ dân “ăn cắp” nước mặn… không gói gọn chỉ ở gia đình ông Đảm. Ông Nha tiết lộ, trong tổng số 250 hộ dân ở ấp 18, có tới 64 hộ nhận khoán đất rừng (mỗi người từ 4 đến 8 ha). Cuối năm 2015 vừa rồi, sau khi rà soát thực tế theo chuẩn nghèo mới năm 2016, số hộ nghèo từ 30 tăng lên 58 hộ; cận nghèo giảm từ 35 còn 24 hộ. Và hầu hết hộ nghèo, cận nghèo rơi vào những trường hợp hộ nhận khoán đất rừng. “Khoảng 10 trong tổng số 64 hộ nhận khoán là đủ ăn, vì họ có đất đai hoặc cơ sở làm ăn ở nơi khác. Số còn lại không chịu nổi cảnh khốn khó nên nhượng lại thành quả lao động cho người khác. Có thửa rừng, hộ dân “sang tay” bốn năm lần”, Trưởng ấp Năm Nha khẳng định.

Khó đã đành, hộ nghèo ở ấp 18 còn chung cảnh nợ nần. Ngay cả hộ được gọi là đủ ăn như gia đình ông Năm Tặng (Trương Minh Tặng) - hàng xóm Trưởng ấp Năm Nha, hiện vẫn mắc nợ “ngập đầu”. Ông Tặng góp chuyện rằng, vào năm 1995, ông thế chấp “bằng khoán xanh” bảy héc-ta đất rừng, vay một triệu đồng để múc bờ, tách 30% khu làm nông nghiệp (trồng lúa) ra khỏi đất trồng cây rừng. Tới hạn, không có tiền trả, ông được vay tiếp 18 triệu đồng để trả nợ-lãi cũ, dư một ít để mua giống, nuôi tôm càng xanh. Tôm không lớn, thất thu, ông lại không có tiền trả nợ cho nên tiếp tục được làm hợp đồng vay mới để trả nợ cũ. Sau nhiều lần “vay mới, trả cũ” như vậy, số tiền gia đình ông Tặng mắc nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giờ đội lên 100 triệu đồng.

"Cùng vay một lượt như tôi có hàng chục hộ nhận khoán đất rừng trong ấp. Hồi tháng 9-2015 vừa rồi hè nhau đi ký hợp đồng vay mới, tôi mới biết những hộ khác cũng nợ nần giống tôi. Hộ ít khoảng 40-50 triệu đồng, còn nhiều thì 80-100 triệu đồng" ông Năm Tặng kể lại.

“Biến” đất tràm thành vuông tôm

Ông Năm Tặng là trường hợp cá biệt mà tôi nhận lời ghé nhà “ăn nhờ” bữa cơm trong hành trình về miệt rừng U Minh lần này. Trong khi nhiều hộ ở ấp 18 dè dặt, giữ kẽ chuyện “ăn cắp” nước mặn nuôi tôm, thì ông Năm Tặng không giấu chuyện “làm bậy” của mình. Ông nói rằng, từ năm 2000 đã lén đưa mặn ngoài kênh vô khu nông nghiệp để nuôi tôm sú, kết hợp trồng một vụ lúa. Làm lén mà hiệu quả, nên dần về sau, ông cơi nới đưa mặn sang đất trồng tràm, tới giờ thì trên đất rừng nhận khoán của ông không còn cây tràm nào hết. “Hồi trồng một vụ lúa trên đất rừng không đủ gạo ăn, khách đến nhà không đủ chén ăn cơm. Nhưng từ khi nuôi thêm được tôm tới giờ, tôi cất được nhà, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt, cả phương tiện đi lại bằng đường bộ, đường thủy”, ông Năm Tặng nói.

Cùng ra đồng với ông Năm Tặng, tôi như bị cuốn hút bởi đồng lúa ngút ngàn đang chờ thu hoạch. Mặt nước dưới chân ruộng ấy, hồi sáng ông Năm Tặng đã giỡ đụt (ngư cụ bắt thủy sản), bán được vài trăm nghìn tiền tôm, cua. Vậy nhưng, khi được yêu cầu giỡ đụt lại để tôi ghi hình, ông thu thêm được gần chục con cua biển. Xắn quần lội luôn xuống chân ruộng, ông Năm Tặng vén những bụi lúa về một hướng, cố tình để lộ ra những gốc tràm bị “khai tử” từ nhiều năm trước. Ông nói vui rằng, ở Cà Mau có mô hình tôm-lúa (còn gọi là “con tôm ôm gốc lúa”-PV) hiệu quả, còn ruộng nhà ông con tôm sú sống chung cả gốc lúa và gốc tràm, có thể gọi là mô hình “con tôm ôm gốc tràm” được hay không, nhờ tôi hỏi dùm nhà khoa học…?

Hỏi lại Trưởng ấp Năm Nha, việc ông Năm Tặng bơm nước mặn vô đất tràm nuôi tôm, trước giờ chính quyền ấp có biết và có động thái ra sao, ông Năm Nha không chần chừ, nói đó là thực trạng tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua ở ấp 18, và cả ba ấp lân cận của xã Nguyễn Phích là 17, 19, 20. Nhằm ngăn chặn việc làm nêu trên, năm nào chính quyền ấp, xã cũng bắt bà con làm cam kết nhưng hầu như hộ nào cũng tái phạm. Ngoài lập biên bản, nhiều hộ còn bị xử phạt hành chính, thậm chí bị khởi tố hình sự. “Trong năm 2014 và 2015, ấp có hai trường hợp bị khởi tố vì phá rừng, đưa nước mặn vô nuôi tôm. Còn trường hợp Năm Tặng, biên bản về cả xấp, mấy lần bị công an mời lên tận huyện, sém đi tù” – Trưởng ấp Năm Nha nói.

Tôi hỏi vui: "Trong số những hộ vi phạm có Trưởng ấp 18?" ông Năm Nha gãi đầu, nhăn mặt, cười trừ-nụ cười ngầm hiểu đồng ý cho những chuyện khó nói vì ông Năm Nha là đảng viên.

Thời điểm này, một tổ liên ngành ở tỉnh Cà Mau cũng vừa hoàn thành dự thảo báo cáo về hiện trạng một số hộ dân tự chuyển đổi đất sản xuất, chờ xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Theo thông tin mà tôi có được, chỉ riêng tại miệt rừng huyện U Minh, từ năm 2000 đến nay, đã có hơn 1.000 ha đất lâm nghiệp bị các hộ dân tự chuyển đổi sang luân canh tôm-lúa kết hợp, tập trung nhiều ở các xã Nguyễn Phích và Khánh Thuận. Cá biệt trong số đó, có hơn 200 ha bắt buộc phải trồng rừng, nhưng đã bị “biến” thành vuông tôm-lúa. Nếu không có những giải pháp căn cơ giúp nhân dân nhận khoán đất rừng phát triển sản xuất, bám trụ được với rừng thì tương lai, ở Cà Mau sẽ có thêm nhiều mô hình “con tôm ôm gốc tràm”, và diện tích rừng sản xuất hệ ngọt sẽ ngày càng mất đi nhiều hơn nữa...