Chuyện cô giáo 23 năm cắm bản

Hai mẹ con cô Tuyết trong ngôi nhà tạm.
Hai mẹ con cô Tuyết trong ngôi nhà tạm.

Tròn 19 tuổi, tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm Đông Hà (tỉnh Bình Trị Thiên cũ), cô giáo trẻ Dương Thị Mai Tuyết quê ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình cùng hai đồng nghiệp nhận quyết định lên công tác tại Trường tiểu học Tà Long, xã Tà Long, huyện miền núi Đác Rông, tỉnh Quảng Trị. Cô Tuyết nhớ lại, thời đó, chưa có đường Hồ Chí Minh phẳng lỳ chạy qua chân núi Vôi như bây giờ. Sau hơn nửa ngày vừa đi xe, vừa đi bộ băng qua rừng rậm, lội suối mệt nhoài, đến nơi cảnh tượng đập vào mắt các thầy cô giáo là các phòng học, phòng làm việc cho giáo viên đều làm bằng tranh, tre, nứa lá và đã tả tơi qua thời gian với đám học sinh lèo tèo vài đứa. Tất cả đều thiếu thốn quá mức, không điện, không nước, không cả nhà tạm cho giáo viên, không y tá, y sĩ, còn "cái chữ" cho trẻ em nơi đây là một điều lạ lẫm.

Đi tìm học sinh

Do đời sống của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, Tà Ôi... còn túng thiếu đã đẩy họ vào tít trong rừng sâu để làm rẫy. Khi đi, họ dắt con theo. Đứa lớn sẽ giúp mẹ làm rẫy, đứa nhỏ thì giúp trông em. Nếu các em đi học, gia đình sẽ mất lao động. "Muốn các em đến lớp thì phải "giảng giải" cho cha mẹ chúng trước đã". Do vậy, mặc đèo sâu núi cao, ngày hay đêm, mưa hay nắng, cô Tuyết đến từng thôn bản, vận động từng gia đình bà con dân tộc cho con em họ được đi học. Một lần không được thì phải nhiều lần. Nhờ vậy mà năm đầu tiên, cô Tuyết đã vận động được 40 em học sinh đến lớp. Việc làm ấy được thôi thúc còn bởi một lý do nữa là thương các em mù chữ, cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn...Có học sinh đi học, cô xung phong dạy lớp ghép, cả sáng và chiều. Sáng, chiều đi dạy, ban đêm lại lọ mọ đốt đuốc đến vận động học sinh đi học.

Do không quen với cuộc sống giữa chốn núi rừng khắc nghiệt, ba năm sau, hai thầy cô lên miền núi dạy học cùng cô Tuyết đã xin được chân về đồng bằng dạy học, chỉ còn mỗi cô Tuyết bám trụ ở lại.

Gió vẫn thổi từ phía ấy...

Sau khi lên dạy học được mấy năm, cô Tuyết lấy chồng, sinh được hai người con một gái, một trai. Năm 1988, khi cháu gái được một tuổi thì bị sốt rét, chữa không kịp, cháu bị chết. Tiếp đó mấy năm, chồng cô Tuyết cũng chết vì sốt rét. Chưa đến chục năm, hai cái tang dồn dập đổ vào đầu người phụ nữ tự "chuốc" cho mình mọi nỗi vất vả. Bản thân cô Tuyết cũng vậy, năm đầu tiên, lên đây dạy học, "lạ nước, lạ cái" bị mắc sốt rét nên phải về Bệnh viện Đông Hà để điều trị mất mấy tháng. Ra viện, tóc rụng, mắt thâm quầng, môi xám, người quắt như cây củi khô.

Sau 23 năm "cắm bản", 10 năm vận động con em dân tộc đi học, số học sinh đồng bào Vân Kiều, Pa Cô... được cô dạy chữ đã lên đến hàng trăm em. Nhiều học sinh cũ của cô giờ cũng đảm nhiệm những chức vụ chủ chốt của xã Tà Long như Hồ Văn Diên là Trưởng công an xã, Hồ La Lợi là trưởng bản Vôi...

Khu Trường tiểu học xã Tà Long giờ cũng đã được xây mới khang trang với 5 lớp và 100 học sinh. Tuy nhiên, cuộc sống của cô giáo vùng cao như cô Tuyết đến giờ vẫn chưa ổn định.

Ngày cô đến cắm bản, bà con dựng cho cô ngôi nhà đất bên suối Trại Cá. Sau một trận lũ căn nhà của cô bị cuốn trôi. Đến năm 1993, Trường Tiểu học xã Tà Long phân cho cô khoảnh đất nằm cạnh đường Hồ Chí Minh, phía sau nhà là suối Trại Cá nếu "lấn tới phía trước thì vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, còn thụt phía sau thì... rớt xuống sông. Không có cách nào khác, ngôi nhà tạm năm phía đều lợp tôn. Từ bếp, ban thờ, không gian sinh hoạt, soạn bài đến chuồng lợn, tất cả đều được gói gọn trong phạm vi... 18m2".

Trong khi đó, cả gia đình cô vẫn chỉ trông vào đồng lương giáo viên, mảnh đất để tăng gia, trồng rau xanh cải thiện cuộc sống cũng không có. Giá thực phẩm ở miền núi lại đắt gấp rưỡi miền xuôi. Chính sách 135 của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho giáo viên vùng cao lại mới chỉ dành cho những người lên dạy học từ năm 1997... Và để mang lại chữ cho bà con đồng bào dân tộc, gió vẫn lùa buốt lạnh vào những tấm lòng như cô giáo Tuyết.