Vai trò giám sát của HĐND với trách nhiệm cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương thời gian qua được thể hiện rõ nét trong nhiều lĩnh vực sát thực tiễn: Ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận, nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội; kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, tài chính và ngân sách; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình trạng thiếu thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế; việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia…
Giám sát vấn đề nóng, thời sự
Năm 2022, với tinh thần trách nhiệm và sự nỗ lực của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh Gia Lai triển khai các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý kịp thời đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân. Công tác theo dõi, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được chú trọng, thường xuyên cập nhật.
Mới đây, ngày 23/2, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế trên địa bàn, tiếp nhận, lắng nghe những vấn đề bất cập của ngành y tế, từ chính sách thu hút nguồn nhân lực, cơ chế, chính sách đặc thù, đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế; chế độ phụ cấp thường trực đối với viên chức, người lao động ngành y tế…
Nội dung thời sự được ông Lý Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế thông tin: Hiện nay, 14/23 cơ sở khám, chữa bệnh xuất hiện tình trạng thiếu cục bộ một số thuốc thuộc nhóm gây nghiện, hướng thần hoặc thuốc chuyên khoa đặc trị. Cá biệt, Trung tâm Y tế huyện Kông Chro thiếu 46/173 danh mục, Bệnh viện đa khoa tỉnh thiếu 27/384 danh mục. Theo ông Thái, một trong những nguyên nhân thiếu thuốc phục vụ nhu cầu điều trị là do một số cơ sở khám, chữa bệnh chưa thanh toán công nợ cho các nhà thầu.
Chia sẻ những khó khăn, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Gia Lai cho biết, hiện tại bệnh viện thiếu hụt 115 tỷ đồng để phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh; thu không đủ chi, riêng tiền lương 63 tỷ đồng; bảo hiểm y tế 3 năm chưa thanh toán (các năm 2018, 2019, 2020); tiền phẫu thuật 52 tỷ đồng. "Nợ các công ty rất nhiều, không thanh toán nên họ không cung cấp vật tư y tế, các bác sĩ, nhân viên kỹ thuật mổ không có kim luồn, bao tay không có" - ông Nguyễn Mạnh Cường trăn trở.
Vấn đề căng thẳng nữa là thiếu cán bộ chuyên khoa sâu và cán bộ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng. Tình trạng chuyển công tác, xin nghỉ việc hoặc thầy thuốc ở bệnh viện công bỏ việc để chuyển sang làm việc tại các bệnh viện tư đang diễn ra. Bà Phan Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kông Chro cho biết: Công tác ở một huyện vùng sâu, vùng xa, đời sống của cán bộ, nhân viên gặp nhiều khó khăn, chúng tôi cố gắng khắc phục làm tròn nhiệm vụ nhưng vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế khiến đội ngũ y, bác sĩ chịu áp lực lớn trong công việc.
Việc nợ tiền thuốc bảo hiểm y tế kéo dài dẫn đến các công ty thường xuyên đòi nợ, không cung ứng thuốc. "Tại hội nghị, nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết đã được các đồng chí trong Thường trực HĐND ghi nhận; nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ. Cán bộ, nhân viên ngành y tế có thêm niềm tin, động lực để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân" - bà Phan Thị Hoa bộc bạch.
Đoàn giám sát đi thực tế tại Khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Sê của Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc xã Ia Glai, huyện Chư Sê. Ảnh: HÀ DUY |
"Dân hỏi, chính quyền trả lời"
Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND Thành phố Hồ Chí Minh: HĐND thành phố luôn coi hoạt động giám sát là "mũi nhọn" để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ông cho biết, khi các đơn vị, sở, ngành có biểu hiện xem nhẹ hoạt động giám sát, chúng tôi sẽ có những giải pháp chấn chỉnh.
Những năm qua, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử của địa phương. Xuất phát từ đặc điểm riêng của thành phố, HĐND Thành phố Hồ Chí Minh khóa X đã ban hành và triển khai đề án "Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện thực hiện chính quyền đô thị, nhiệm kỳ 2021-2026".
Theo đề án, sau mỗi đợt giám sát, HĐND thành phố sẽ tìm nguyên nhân hạn chế và yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân đề ra biện pháp, thời gian khắc phục; đồng thời có kiến nghị cụ thể về trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị của các cơ quan, cá nhân được phát hiện có sai phạm; tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn…
HĐND Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công chương trình "Dân hỏi, chính quyền trả lời", phát sóng trực tiếp vào sáng chủ nhật tuần đầu tiên của tháng trên Đài Truyền hình thành phố với thời lượng 90 phút.
Khách mời tham gia Chương trình trả lời trực tiếp người dân gồm 28 đại diện lãnh đạo cơ quan chính quyền thành phố, trong đó, có 5 lãnh đạo thành phố, 7 lãnh đạo từ UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức và 18 đại diện từ lãnh đạo sở, ban, ngành. Chương trình được chia sẻ trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội và trên 2 trang Fanpage của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Báo chí thành phố kết nối các nền tảng mạng xã hội khác.
Chương trình "Dân hỏi, chính quyền trả lời" là diễn đàn công khai để cử tri, người dân và doanh nghiệp chia sẻ, góp ý, kiến nghị, đặt câu hỏi cụ thể về những vấn đề mình quan tâm, bức xúc đến chính quyền thành phố. Thông qua chương trình, lãnh đạo thành phố lắng nghe, chia sẻ và có những quyết sách, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Chính quyền thành phố xem đây là kênh để thông tin các chủ trương, chính sách của Trung ương, thành phố, những kế hoạch, giải pháp đang triển khai hoặc dự kiến triển khai đến cử tri thành phố.
Các chương trình phát sóng "Dân hỏi, chính quyền trả lời" thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân và đạt hiệu quả cao. Đơn cử như chủ đề "Đối thoại cùng Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi" phát sóng ngày 6/9/2012 thu hút 1.330.000 lượt xem; số người xem cùng một thời điểm cao nhất là 172.000 người; số biểu tượng cảm xúc được thả trong chương trình nhiều nhất là 60.900 lượt; số bình luận trực tiếp (comment) nhiều nhất là 96.400 lượt; số lượng chia sẻ nhiều nhất là 18.087 lượt…
Lan tỏa tinh thần đổi mới "từ sớm, từ xa"
Thực hiện Kết luận số 1144/TB-TTKQH ngày 7/6/2022, công tác tổ chức kỳ họp của HĐND cấp tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương.
Báo cáo của Ban Công tác đại biểu cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự các kỳ họp thường lệ của HĐND, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội dự và trực tiếp chỉ đạo một số kỳ họp thường lệ của HĐND cấp tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai khảo sát khu vực thực hiện khu tái định cử ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: THIÊN VƯƠNG |
Qua báo cáo đánh giá của nhiều địa phương thời gian qua cho thấy: Công tác chuẩn bị kỳ họp của HĐND bảo đảm về quy trình, thủ tục chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, Quy chế hoạt động của HĐND và sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, Đảng đoàn HĐND cấp tỉnh.
Các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị với tinh thần chủ động, tích cực, "từ sớm, từ xa"; ngay sau mỗi kỳ họp, HĐND ở nhiều địa phương đã tổ chức cuộc họp liên tịch với UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh để rút kinh nghiệm, triển khai kế hoạch tổ chức kỳ họp tiếp theo. Trước mỗi kỳ họp, Đảng đoàn HĐND và Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã thống nhất các nội dung trọng tâm của kỳ họp, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy xem xét, cho ý kiến.
Do đó, công tác chuẩn bị kỳ họp được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, có địa phương (Nam Định, Yên Bái, Bình Định, Trà Vinh…) Đảng đoàn HĐND cấp tỉnh hoặc Thường trực HĐND tổ chức cuộc họp với UBND, Mặt trận Tổ quốc để thống nhất về chương trình, nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp, đăng ký nội dung trình kỳ họp; hoặc yêu cầu UBND sơ kết tình hình triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung nghị quyết; phân công các Ban HĐND thẩm tra các văn bản và đôn đốc các cơ quan, đơn vị gửi văn bản kỳ họp theo thời gian quy định.
Việc gửi tài liệu sớm qua các phần mềm điện tử đến đại biểu HĐND tỉnh như ở Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng… giúp đại biểu có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn các vấn đề cần thảo luận. Trước kỳ họp, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh chủ động tổ chức làm việc với chính quyền địa phương tại địa bàn ứng cử để tổng hợp thông tin, phục vụ công tác thảo luận, chất vấn hoặc tổ chức cho các đại biểu HĐND thảo luận theo cụm Tổ đại biểu... Công tác tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp tiếp tục được HĐND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức kỳ họp tiếp tục có nhiều đổi mới và phát huy hiệu quả vào hoạt động của HĐND. Có tỉnh đã thực hiện chuyển đổi số tất cả các hoạt động của HĐND như Ninh Thuận, Thái Nguyên. Nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện tốt chủ trương "kỳ họp không giấy" (như thành phố Hà Nội, Yên Bái, Quảng Trị, Phú Yên, Lào Cai, Hải Dương, Hà Nam, Hà Giang, Điện Biên, Đồng Nai, An Giang, Bình Dương, Bắc Kạn, Bắc Giang, Bình Định, Đà Nẵng, Thái Bình...) hoặc "kỳ họp ít giấy" ở một số nơi, cung cấp mã QR để nhân dân, cử tri truy cập theo dõi và đặt câu hỏi trực tiếp tại các phiên chất vấn; tổ chức cầu truyền hình trực tuyến với cấp huyện, biểu quyết thông qua các nghị quyết bằng máy tính bảng…
(Còn nữa)
Nâng cao năng lực, hiệu lực của cơ quan dân cử tại địa phương
Năm 2022, HĐND các tỉnh, thành phố ban hành gần 5.900 nghị quyết, trong đó có gần 1.700 nghị quyết quy phạm pháp luật (địa phương ban hành nhiều nhất là Thừa Thiên Huế với 173 nghị quyết). Hoạt động thẩm tra của các Ban HĐND cấp tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu; chất lượng thẩm tra được nâng lên; báo cáo thẩm tra thể hiện chính kiến và trách nhiệm rõ ràng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp và chất lượng, tính khả thi của các nghị quyết.
HĐND đã tích cực tham gia góp ý vào các dự án luật, cung cấp thông tin về thực trạng triển khai các chính sách tại địa phương, góp phần kịp thời và thiết thực nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội…
(Báo cáo của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội)