Chuyển biến từ những dự án, đầu việc cụ thể

Để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung triển khai vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố đạt kết quả cao nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lập 13 tổ công tác kiểm tra, giám sát các dự án trọng điểm trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Dự án nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) đã được tháo gỡ vướng mắc để thi công.
Dự án nút giao An Phú (thành phố Thủ Đức) đã được tháo gỡ vướng mắc để thi công.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra, tháo gỡ những khó khăn tại ba công trình trọng điểm: Tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên.

Đặt mình vào vị trí cán bộ

Những dự án khác đang gặp nhiều vướng mắc, kéo dài cũng được Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, tháo gỡ như: 4 tuyến đường chính, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc và hoàn thiện đường trục bắc-nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nút giao thông An Phú, mở rộng xa lộ Hà Nội, rạch Xuyên Tâm, Vành đai 3, mở rộng QL50, cụm y tế Tân Kiên, tuyến nối đường Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ, mở rộng đường Dương Quảng Hàm…

Vướng mắc lớn nhất từ các dự án hiện nay liên quan đến pháp lý. Các dự án bị ách tắc là do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất, thậm trí trái ngược nhau khiến đội ngũ cán bộ công chức e ngại, không triển khai. Quan điểm của người đứng đầu Thành phố Hồ Chí Minh là đặt mình là cán bộ nhận hồ sơ có dám giải quyết khi không có ý kiến của các cơ quan khác không.

Từ việc hiểu được cặn kẽ cái khó, trách nhiệm nặng nề của cán bộ, thành phố đẩy mạnh việc rà soát các văn bản, thống kê, phân loại từng nhóm và làm rõ thẩm quyền. Từ kết quả này, lãnh đạo thành phố sẽ thấy rõ phía sau từng đề xuất, trường hợp nào đang gặp vướng mắc; trường hợp nào e ngại, sợ sệt, báo cáo vượt cấp.

Thành phố không chấp nhận các vấn đề tiêu cực, tránh né hay thiếu trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhưng cũng cần nhìn đa chiều trong bối cảnh cán bộ địa phương đang quá tải vì khối lượng công việc quá lớn.

Đánh giá về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mà Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, thành phố phải công bố tất cả các dự án đang chậm trễ thủ tục và nguyên nhân nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.

Ông cho rằng, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của thành phố đang sụt giảm, thì đầu tư công là yếu tố tiên quyết để kích cầu phát triển.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh phân tích, ngoài những nguyên nhân khách quan thì việc giải ngân vốn đầu tư công chậm còn từ một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát, đôn đốc thực hiện; chưa tập trung xử lý dứt điểm khó khăn, phát sinh của các dự án. Công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, vướng mắc trong triển khai…

Do vậy, theo ông Thuận, việc những người đứng đầu thành phố trực tiếp kiểm tra sát sao các dự án sẽ phát hiện được lỗ hổng trong điều hành của bộ máy, từ đó có biện pháp mạnh mẽ. Trong đó, quy trách nhiệm người đứng đầu các dự án chậm trễ qua nhiều năm là việc cần làm ngay.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngoài việc lãnh đạo thành phố trực tiếp kiểm tra các dự án, hiện nay thành phố tiếp tục duy trì ba tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công.

Tổ công tác này tiếp tục giám sát, đưa ra các giải pháp cho từng giai đoạn với kế hoạch cụ thể. Đối với Tổ công tác giải phóng mặt bằng sẽ họp định kỳ 1 - 2 tuần/lần làm việc với các quận, huyện để rà soát thủ tục, các vấn đề phát sinh, đồng thời cấp ủy vào cuộc vận động người dân chia sẻ vì lợi ích chung.

Rã băng thị trường bất động sản

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh tập trung nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ pháp lý cho các dự án nhà ở. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, đã có 5/156 dự án được gỡ vướng.

Cụ thể, thành phố đã cho doanh nghiệp được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này, tương đương với 5.432 căn hộ. Ngoài ra, còn có 1 dự án khu nhà chung cư tại Quận 4 đã được các sở, ngành rà soát giải quyết.

Các chuyên gia kinh tế tính toán, với 156 dự án bất động sản đang bị vướng mắc, bình quân giá trị mỗi dự án 2.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng. Nếu tháo gỡ được vướng mắc về pháp lý để triển khai trở lại bình thường, ngân sách Nhà nước có thể thu được khoảng 31.200 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng.

Nếu các dự án này đạt lợi nhuận 20% thì ngân sách còn có thể thu thêm 12.480 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đó là chưa kể, nếu các dự án này được triển khai sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề khác hưởng lợi như xây dựng, vật liệu xây dựng, đồng thời tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên nhân một phần kinh tế thành phố tăng trưởng thấp là do thị trường bất động sản “đóng băng” gần như 90%, gây nhiều khó khăn cho ngành ngân hàng và ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác như vật liệu xây dựng, công nghiệp, dịch vụ...

Do đó, cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo nguyên nhân để có giải pháp đồng bộ, giúp khôi phục hoạt động kinh tế, nhất là lĩnh vực có vai trò quan trọng như bất động sản.

Ông Mãi cho rằng, có ba nhóm khó khăn được Thành phố Hồ Chí Minh phân loại để giải quyết. Đó là nhóm không thể thực hiện được; giải quyết được và cuối cùng là hồ sơ cần báo cáo cấp trên xem xét.

Để tháo gỡ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu chấm dứt tình trạng im lặng không trả lời hoặc đẩy hồ sơ chạy lòng vòng giữa các sở. Khó khăn của các dự án thuộc nhóm nào thì cần phân loại từng dự án, từng loại vướng mắc, thậm chí lập tổ giải quyết tới từng doanh nghiệp.

Trong quý II, thành phố tập trung gỡ vướng mắc cho 40 dự án bất động sản, đồng thời rà soát lại danh sách để xác định nhóm dự án bất động sản đang bị vướng pháp lý để tập trung giải quyết triệt để.

Những sở, ngành để tồn đọng nhiều hồ sơ như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch và Kiến trúc… phải công bố trên trang web của từng đơn vị kết quả giải quyết và báo cáo cụ thể về Ủy ban nhân dân thành phố nắm thông tin nhằm kịp thời tháo gỡ.