Từ nhân viên văn phòng HĐND và UBND xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường (Nam Định), chị Mai Thị Thu Hiền với tinh thần luôn học hỏi, trách nhiệm trong công việc, đã tạo được uy tín trong chi bộ, cơ quan và được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã. Đến Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, chị tiếp tục được tín nhiệm, bầu làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Trung. Nói về vợ mình, anh Phạm Khắc Quyến chia sẻ: Công việc của Hiền ở xã khá bận rộn, nhiều áp lực, nhưng cô ấy vẫn luôn chu đáo việc nhà, tận tình chăm sóc bố mẹ, trách nhiệm, yêu thương dạy dỗ các con. Tôi luôn ủng hộ và chia sẻ để vợ có thể “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Bí thư Đảng ủy xã Xuân Trung Trần Quốc Chính bày tỏ: Đảng ủy, chính quyền xã chủ trương dành nhiều sự quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, bố trí sử dụng cán bộ, sao cho bảo đảm tính liên tục, khoa học, khách quan, công tâm, trên tinh thần “bình quyền” và các đặc điểm về giới tính. Trong tổng số 21 cán bộ, công chức của xã Xuân Trung hiện nay, có 10 nữ; các chị đều có trình độ đại học; ba người đã vào cấp ủy, trong đó một đồng chí là thường vụ đảng ủy. Các đồng chí cán bộ nữ sau khi nhận trọng trách đều phát huy được ưu thế về giới, hăng say trong công tác, khắc phục tâm lý e dè, tự ti. Nhờ vậy, các nhiệm vụ được giao đều đạt kết quả tốt, có mặt còn tốt hơn nam giới. Đồng chí Ngô Gia Lượng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Xuân Trường cho biết, trong tổng số 319 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện và cơ sở nhiệm kỳ này, có 57 đồng chí là nữ giới; hầu hết các xã đều có từ hai đến sáu đồng chí là nữ tham gia cấp ủy.
Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nam Định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỉnh Nam Định có 90 trong tổng số 229 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy từ 15% trở lên. 56 đơn vị cấp xã, phường, thị trấn có cán bộ chủ chốt là nữ, trong đó bảy đồng chí là bí thư đảng ủy, 19 phó bí thư đảng ủy, ba chủ tịch UBND, chín phó chủ tịch UBND và 34 phó chủ tịch HĐND. Cả 10 huyện, thành phố của tỉnh đều có nữ tham gia Ban Thường vụ; trong đó nhiều người còn rất trẻ, là động lực để nữ giới thêm quyết tâm phấn đấu. Tâm sự với chúng tôi về chủ đề nữ giới làm lãnh đạo, đồng chí Bùi Thị Hòa, Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Huyện ủy Ý Yên cho rằng: Phụ nữ sẵn có phẩm chất kiên nhẫn, chu đáo, bền bỉ, nghiêm túc và kỹ lưỡng; cho nên khi đam mê công việc họ thường dễ đạt kết quả cao hơn nam giới. Được tín nhiệm vào vị trí lãnh đạo, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều, từ việc không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao năng lực lãnh đạo, đến thu xếp công việc gia đình.
Tuy nhiên, công tác cán bộ nữ dù đã có những chuyển biến đáng ghi nhận nhưng so với mục tiêu cụ thể nêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 (trong đó nhiệm kỳ 2016 - 2020, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng đạt ít nhất 25%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp hơn 35%...) và kế hoạch của tỉnh thực hiện mục tiêu chiến lược nêu trên thì vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa phát huy được đúng mức tiềm năng, trí lực của nữ giới trên địa bàn tỉnh. Được biết, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp ở tỉnh Nam Định, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là: Cấp tỉnh có tám trong số 55 đồng chí (14,55%), cấp huyện có 63 trong số 543 đồng chí (11,6%), cấp xã có 563 trong số 3.341 đồng chí (16,85%). Trong đó, số cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy là một trong số 15 đồng chí và cấp huyện là 21 trong số 161 đồng chí. Các đồng chí nữ ở vị trí lãnh đạo trưởng, phó các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh là 38 trong số 220 đồng chí (18,1%), lãnh đạo quản lý cấp huyện là 7 trong số 94 đồng chí (7,44%), lãnh đạo chủ chốt cấp xã là 63 trong số 1.220 đồng chí (5,16%)… Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo thấp, nhưng nguyên nhân cơ bản là nhiều cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn xem nhẹ công tác cán bộ nữ, chưa quan tâm phát hiện tạo nguồn, quy hoạch và sử dụng cán bộ nữ. Còn có những khó khăn, vướng mắc về công tác cán bộ nữ ở cơ sở vẫn chưa được kịp thời tháo gỡ. Bên cạnh đó, ý thức phấn đấu của một bộ phận cán bộ nữ còn hạn chế, còn an phận, chưa chủ động khẳng định mình trong công tác…
Để khắc phục tình trạng “hụt” cán bộ lãnh đạo nữ, nhất là cấp cơ sở, tỉnh Nam Định xác định tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW; đồng thời đề ra những giải pháp thích hợp, hiệu quả. Tỉnh ủy cũng sẽ tập trung chỉ đạo, quán triệt các cấp ủy, tổ chức đảng phải coi việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ là yêu cầu tất yếu, khách quan trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng những giải pháp trong xây dựng quy hoạch cán bộ, thực hiện tốt chính sách cán bộ, các cấp ủy, chính quyền của tỉnh Nam Định quan tâm phát huy hơn nữa vai trò các cơ quan, tổ chức của phụ nữ để tạo thêm tinh thần, niềm tin, động lực thôi thúc chị em phấn đấu vươn lên, phát huy được thế mạnh, sở trường, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của địa phương.