Chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng ở Vĩnh Phúc

Hơn bốn năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đạt nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị; kinh tế tăng trưởng ổn định, an ninh, chính trị được giữ vững. Xác định rõ tầm quan trọng của việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục thực hiện một cách hiệu quả, sâu sắc hơn.

Cán bộ phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên luôn rèn luyện nền nếp kỷ luật trong phục vụ nhân dân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường.
Cán bộ phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên luôn rèn luyện nền nếp kỷ luật trong phục vụ nhân dân. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường.

Tiếp tục sửa chữa yếu kém, khuyết điểm

Đến Phòng Ngân sách, Sở Tài chính Vĩnh Phúc, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của cán bộ, đảng viên nơi đây. Phó Trưởng phòng Nguyễn Mạnh Tuấn, một tiến sĩ kinh tế trẻ cho biết, phòng đang cùng đại diện các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cùng UBND huyện Lập Thạch tìm phương án tháo gỡ quyết toán việc lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp xã giai đoạn 2011-2020. Đây là một trong những dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm. Nguyên nhân do chủ đầu tư là UBND huyện Lập Thạch trong quá trình triển khai dự án không làm thủ tục trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu, do đó hồ sơ không có quyết định phê duyệt kế hoạch đấu thầu của UBND tỉnh, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu.

Những năm đầu nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền tự chủ cho UBND các cấp trong xây dựng cơ bản. Nhưng do thiếu kinh nghiệm, chuyên môn cho nên hầu hết chủ đầu tư các dự án không thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình, thủ tục dẫn tới việc không giải ngân được. Tính đến năm 2012, đã có hàng nghìn hồ sơ dự án, công trình xây dựng cơ bản tồn đọng chờ giải ngân tại Sở Tài chính. Vướng mắc này khiến công tác đầu tư cơ bản ở nhiều địa phương đình trệ. Nhắc lại thời điểm đó, Phó Bí thư Đảng ủy Sở Tài chính Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4, Đảng ủy Sở Tài chính không né tránh trách nhiệm. Là cơ quan tham mưu giúp lãnh đạo UBND tỉnh trong công tác giải ngân, nhưng Sở Tài chính đã lúng túng để số lượng dự án tồn đọng lớn, kéo dài. Xác định đây là việc cần làm ngay, Đảng ủy Sở Tài chính đã chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc của từng phòng, ban, đơn vị; xác định rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể. Kiên quyết xử lý những cán bộ không đủ năng lực. Qua đó, trong vòng ba năm, Sở Tài chính đã giải ngân gần hết số dự án tồn đọng. Điểm nghẽn tài chính được xóa bỏ đã góp phần khơi thông nguồn vốn đầu tư, giúp nhiều địa phương thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Năm 2011, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Vĩnh Phúc đứng vị trí 43 trong số 63 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư nản lòng bởi những thủ tục hành chính rườm rà và những đòi hỏi “lót tay” từ một số cán bộ thoái hóa, biến chất. Sở Xây dựng, đơn vị có nhiệm vụ tham mưu, phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp là một điểm “nóng” thường được nhắc tới. Khi kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4, Sở nhận thấy công tác quản lý cán bộ, trong đó có việc đánh giá cán bộ chưa thực chất; công tác kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên chưa được quan tâm; nhiều cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà, ách tắc trong triển khai dự án.

Đồng chí Hoàng Anh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Đảng ủy Sở Xây dựng đã đưa ra các giải pháp khắc phục, trọng tâm là siết chặt kỷ luật. Ngày 13-6-2013, đơn vị đã ra văn bản về chấn chỉnh cán bộ, công chức trong giải quyết công việc; trọng tâm hướng vào bộ phận quy hoạch địa điểm và thẩm định dự án. Tháng 8-2013, qua kiểm tra, đã phát hiện và buộc thôi việc một cán bộ do vi phạm trong việc cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng tích cực chỉ đạo cải cách hành chính theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Sau ba năm, đơn vị đã rà soát, bãi bỏ 12 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung hai thủ tục trong các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc. Đến nay, số công trình xây dựng không phép, sai phép hầu như không còn, công tác thu hút đầu tư dần cải thiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tăng liên tục trong hai năm 2013 và 2014, với 37 bậc, đưa Vĩnh Phúc từ vị trí thứ 43 lên vị trí thứ sáu trong tổng số 63 tỉnh, thành phố.

Xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 của địa phương, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhận thấy mới đạt được những kết quả bước đầu, còn nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành. Thí dụ ngay trong năm nay, vốn giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn theo kế hoạch mới đạt 29,7%. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 7 đến 7,5% trong năm 2016, đòi hỏi các cấp, ngành cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Theo đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, để nâng hiệu quả làm việc thì yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Do đó, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ này xác định, cùng với giải quyết những tồn đọng, bức xúc kéo dài sẽ củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”.

Đến nay, nhiều cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc vẫn nhắc tới trường hợp Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Tài chính thay thế một cán bộ cấp trưởng phòng, có đạo đức tốt nhưng trình độ chuyên môn yếu. Đồng chí Trần Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính tâm sự, ban đầu khá nhiều ý kiến phản đối, cho rằng chưa có tiền lệ, nhưng tập thể lãnh đạo kiên quyết thực hiện. Kết quả là sau đó, công việc tại bộ phận này chuyển biến hẳn. Phòng đã đề xuất được hàng loạt giải pháp tham mưu tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải ngân các dự án tồn đọng. Không những giải quyết hiệu quả công tác giải ngân, cán bộ, nhân viên phòng tích cực làm việc cùng Ban Giám đốc Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh lần đầu công bố chỉ tiêu phân bổ ngân sách toàn tỉnh năm 2016 vào tháng 12-2015, một việc lâu nay chưa làm được. Bài học rút ra và đang được triệt để thực hiện ở Đảng bộ Sở Tài chính là phải có đội ngũ cán bộ song hành hai phẩm chất, đạo đức tốt và chuyên môn giỏi. Để làm được điều đó, cấp ủy đảng phải mạnh dạn đổi mới tư duy trong sử dụng cán bộ.

Đảng bộ huyện Vĩnh Tường, một thời gian có nhiều “dư luận” về công tác cán bộ. Ba cán bộ chủ chốt cấp xã bị kỷ luật, nhiều công chức xã bị khiển trách do năng lực hạn chế; quy trình bổ nhiệm, sử dụng cán bộ còn sai sót. Sau kiểm điểm nhận rõ khuyết điểm, Huyện ủy Vĩnh Tường đã tập trung rà soát, đánh giá lại các khâu trong công tác cán bộ. Trong ba năm (2012-2014), Huyện ủy đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 22 cán bộ quản lý; giới thiệu ứng cử các chức danh bầu cử cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý 66 đồng chí. Việc bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử đều xuất phát từ tiêu chuẩn các chức danh cán bộ và đánh giá về phẩm chất, năng lực của cán bộ.

Do có sự chuẩn bị chu đáo, Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 của cả 29 xã, thị trấn đã bầu một lần đủ số lượng đảng ủy viên, bảo đảm chất lượng và cơ bản đúng cơ cấu. Đồng chí Lỗ Tất Chánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Tường cho biết, với đội ngũ cấp ủy mới được nâng cao về chất lượng trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, địa phương đã khắc phục dứt điểm tình trạng đầu tư tràn lan, nợ công ở cả cấp huyện và cấp xã. Hiện huyện đang triển khai năm chương trình, dự án lớn với mục tiêu đưa Vĩnh Tường trở thành huyện phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc vào năm 2020.

Ngoài ra, các cấp ủy ở Vĩnh Phúc ngoài xây dựng quy chế về trách nhiệm người đứng đầu cũng đang triển khai xây dựng tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên theo hướng khách quan, thực chất; thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh chủ chốt không phải là người địa phương; triển khai dự án về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý và mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND;… Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến thì Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cần có giải pháp nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong số 32 tổ chức cơ sở đảng nhiều năm liền không đạt trong sạch, vững mạnh, nguyên nhân chính là do tinh thần trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ chưa cao. Thí dụ, trong thực hiện cải cách hành chính tại TP Vĩnh Yên, khi triển khai mô hình “một cửa” liên thông, một số phòng, ban quan trọng như cơ quan thuế, địa chính… lấy lý do thiếu cán bộ, né tránh việc đưa cán bộ ra làm việc tại Trung tâm hành chính, buộc Thành ủy phải nhắc nhở nhiều lần.

Bác Đỗ Văn Việt, phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên cho rằng, việc thực hiện Chỉ thị số 11 của Tỉnh ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các ngày kỷ niệm; không uống rượu, bia trong ngày làm việc và không hút thuốc lá nơi công sở” những ngày đầu khá nghiêm túc nhưng đến nay đã có một số cán bộ, công chức uống rượu, bia buổi trưa, cần tiếp tục chấn chỉnh. Trong công tác đào tạo, luân chuyển cán bộ, không ít ý kiến phản ánh nhiều khâu còn thiếu khách quan. Xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo có số cán bộ tại chỗ nằm trong quy hoạch cán bộ chủ chốt khá lớn, nhưng nhiều năm nay không phát triển được do ba nhiệm kỳ liên tục có cán bộ luân chuyển về, ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ cán bộ tại chỗ.

Do vậy, để xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, ngoài những giải pháp đã đề ra, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cần quan tâm bổ sung, hoàn thiện các khâu trong công tác cán bộ như đánh giá, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ. Coi trọng công tác tư tưởng, thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Động viên, khuyến khích mọi người phát huy năng lực, sở trường trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời kiên quyết loại bỏ những cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ. Các cấp ủy đảng cần phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nền nếp kỷ luật, lối sống cũng như đạo đức công vụ. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở có trình độ và cơ cấu hợp lý…