Ðáp ứng nhu cầu thị trường, chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Yên Thế, mỗi năm cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng, cá biệt có những hộ thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tăng thu nhập cho nông dân.
Với sản lượng hàng chục nghìn tấn/năm, gà đồi Yên Thế hiện được tiêu thụ nhiều tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, và xa hơn tới tận các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An,… Nhưng do quy mô các hộ chăn nuôi còn nhỏ lẻ, trong khi giá giống, thức ăn còn cao; địa phương lại thiếu các cơ sở lớn về giết mổ, chế biến; liên kết giữa người chăn nuôi với các hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh thương mại còn lỏng lẻo, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững.
Ðể sản phẩm gà đồi Yên Thế khẳng định chỗ đứng trên thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cần hướng dẫn địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi, từ đó tổ chức lại sản xuất từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm an toàn dịch bệnh; thực hiện công tác lai tạo giống gà mới, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không làm mất đi đặc trưng riêng của gà đồi Yên Thế. Ngoài việc tổ chức lại sản xuất cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm, xây dựng theo chuỗi giá trị để gà đồi Yên Thế không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.