CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC

NDO -

Mỗi bác sĩ ở tuyến đầu đều mang theo một câu chuyện đặc biệt về Covid-19 trong suốt hành trình làm nghề sau này. Với họ, thời khắc đặc biệt nhất là bệnh nhân hồi phục, điều hạnh phúc nhất là bản thân đã vượt qua thách thức trước những ca bệnh khó. Nhiều ca hồi sức tưởng thất bại, nhưng họ đã lập được kỳ tích. 

CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC
CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC -0
CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC -0

Chúng tôi gọi những ngày tháng chống dịch tại Đà Nẵng đó là những ký ức trong cuộc đời không bao giờ quên được. Đó là thời điểm, lần đầu tiên hệ thống y tế huy động lực lượng tinh nhuệ hơn 300 nhân viên y tế vào chống dịch tại đây. 

Ngay ngày đầu tiên tới Đà Nẵng, 24-7, chúng tôi tiếp nhận ca đầu tiên 416 - đó là một ca có bệnh lý nền mắc Covid-19, đối diện với nhiều nguy cơ nguy hiểm về sức khỏe. Công tác hồi sức, điều trị gặp vô vàn khó khăn. Ba bệnh viện bị phong tỏa, bệnh nhân không có nơi điều trị, bệnh nhân Covid-19 tăng lên, đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt trong lĩnh vực hồi sức thiếu trầm trọng. 

Những ngày sau đội điều trị của Bộ Y tế từ xét nghiệm, truy vết, điều trị, các lực lượng của TP Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội, Quảng Nam… đã nhanh chóng chi viện cho Đà Nẵng. 

Chúng tôi gọi đó là chiến trường, không phải là chiến trường của tiếng súng mà là chiến trường của những tiếng xe cứu thương kêu liên tục ngày đêm. Có những ngày 30-40 chuyến xe cứu thương đưa bệnh nhân F1, F2 từ Đà Nẵng ra Huế, Quảng Nam.  

CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC -0

Bảy đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy chúng tôi chỉ trong bảy ngày đã thành lập được đơn vị hồi sức tích cực tại BV Phổi Đà Nẵng. Đó là nơi có thể điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, lọc máu, chạy ECMO, sử dụng kỹ thuật cao trong hồi sức. Lực lượng tinh nhuệ của BV Bạch Mai cũng đã kịp thời triển khai Trung tâm Y tế Hòa Vang thành trung tâm tiếp nhận nhiều bệnh nhân chạy thận.

Có những lúc, chúng tôi phải chia lửa cho BV Trung ương Huế từng đơn vị máu, thuốc thiết yếu từ Đà Nẵng. Thời điểm đó, dù gặp nhiều khó khăn trong đi lại do cách ly, nhưng anh em chúng tôi đều tỏa ra các chiến trường để hỗ trợ người bệnh.

BS Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy có biệt danh là “bác sĩ 91” - bác sĩ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 91- nam phi công người Anh với hành trình hồi phục kỳ diệu.

BS Trần Thanh Linh là Đội trưởng đội phản ứng nhanh số 1 của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Đà Nẵng ngay những ngày đầu tiên dịch bùng phát tại đây. Anh nhận một trách nhiệm lớn lao là thiết lập, chịu trách nhiệm chuyên môn về hồi sức cấp cứu cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Nhiều ca có bệnh lý nền nặng, mắc Covid-19 đã được anh và các đồng nghiệp cứu sống ngoạn mục.  

Chúng tôi – những cán bộ y tế từ ba vùng miền đã có lúc tranh luận gay gắt về phương pháp điều trị, nhưng chúng tôi đều nhìn chung một hướng, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau với mục tiêu làm sao giải phóng ngay BV Đà Nẵng, làm sao dập tắt dịch, làm sao cứu nhiều bệnh nhân nhất. Qua thời khắc đó, tôi thấy được tình đoàn kết, chia sẻ của các đồng nghiệp ở mọi vùng miền đã tạo thành khối thống nhất. Sự thống nhất đó đã giúp chúng tôi chỉ trong một tháng kiểm soát được dịch rất phức tạp và khốc liệt. 

Tôi và nhiều anh em đồng nghiệp khác ở BV Chợ Rẫy, có bốn tháng gần như liên tiếp không về nhà. Đôi khi chúng tôi nghĩ tại sao mình lại làm được như vậy? Có lẽ là bởi chúng tôi có hậu phương vững chắc là những anh em đồng nghiệp, các lãnh đạo, bạn bè, người thân của mình, giúp chúng tôi vững vàng ở tuyến đầu. 

Trong chiến trường Đà Nẵng, tôi không dám gọi về nhà. Nửa đêm, con tôi chỉ dám gọi hỏi thăm ba: “Ba ơi, hết dịch chưa. Khi nào ba về. Con nhớ ba quá!”. Mỗi lần nghe như vậy, chúng tôi đều xót xa. Nhưng mỗi buổi sáng, khi vào bệnh viện, thấy con số bệnh nhân tiếp tục tăng lên, con số bệnh nhân nặng còn đó chưa thoát được nguy hiểm, chúng tôi lại lao đầu vào công việc và không nghĩ gì cho mình nữa. Chúng tôi chỉ mong sao mong dập tắt dịch, cứu được nhiều người. Những hy sinh nhỏ nhoi của mình nếu đổi lại được cộng đồng trở lại cuộc sống bình yên, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất với nhân viên y tế chúng tôi. 

4-1608950213015.jpg
Các bác sĩ can thiệp ECMO cho bệnh nhân tại Đà Nẵng. 

Trong ký ức của tôi, cũng không thể nào quên những ngày tháng “tìm ánh sáng cuối đường hầm” cứu bệnh nhân 91. Ngày 22-5, chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân từ BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Việc điều trị nội khoa cho bệnh nhân đầy căng thẳng vì bệnh nhân vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO và máy thở, có thời điểm nhịp tim từ 100 lần/phút rớt xuống còn 50-60 lần/phút.

Chúng tôi lo ngại bệnh nhân không thể hồi tỉnh do sử dụng an thần liều cao trong thời gian dài. Rất có thể, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tới não. Một quyết định được đặt ra là phải ngưng thuốc an thần. Tuy nhiên, khi ngưng thuốc an thần, bệnh nhân thở nhanh, thiếu ô-xy trong tình trạng phổi tổn thương nặng, có nguy cơ vỡ phổi, tràn khí màng phổi, nguy cơ ngưng tim. 

Trước những nguy cơ đó, Bệnh viện Chợ Rẫy đã huy động toàn lực các bác sĩ, từ bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Vật lý trị liệu, đến Khoa Dinh dưỡng, Huyết học, Vi sinh, Nhiễm... để cứu sống bệnh nhân. Ngày 26-5, bệnh nhân được ngưng thuốc ngủ thì đến khuya 26, sáng 27-5, nam phi công này bắt đầu có những dấu hiệu tỉnh.

CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC -0
 BS Trần Thanh Linh hạnh phúc khi BN 91 bình phục sức khỏe. 

Chúng tôi gọi thời điểm đó là đã tìm được ánh sáng cuối đường hầm cho người bệnh. Bệnh nhân hồi tỉnh, làm được theo y lệnh, dần cai ECMO. Không hạnh phúc nào hơn của người làm nghề y như chúng tôi, thấy bệnh nhân bình phục sau những ngày chiến đấu kiên cường. 

CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC -0

Bệnh nhân 19 (bác của BN 17 - ca bệnh đầu tiên của đợt dịch thứ 2 tại Việt Nam) nhập viện ngày 7-3-2020. Đây là một trong năm bệnh nhân nặng có thời gian điều trị dài nhất. Bệnh nhân có yếu tố nguy cơ bệnh nặng tuổi cao, có các bệnh lý nền như huyết áp, tim. Khi Khoa Hồi sức tích cực của chúng tôi tiếp nhận, bệnh nhân bị biến chứng sức khỏe hết sức nguy kịch, tràn khí màng phổi, ô-xy máu tụt. Ngay lúc ấy, chúng tôi nhận định chỉ có cách duy nhất là đặt tim phổi nhân tạo (ECMO) mới có thể giữ được mạng sống của người bệnh.

Ê-kíp bốn bác sĩ chúng tôi và ê-kíp điều dưỡng thực hiện kỹ thuật đặt ECMO khá căng thẳng. Rất may, khoảng chưa đầy một giời, khi hoàn thành và thiết lập hệ thống ECMO, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân ổn định rất nhanh. Lúc đó, cả ê-kíp mới trút được phần nào gánh nặng.

Những ngày sau đó, bệnh nhân 19 cũng có tiến triển tốt lên và chúng tôi quyết định rút ECMO vào ngày 4-4-2020. Ai cũng mừng thầm vì bệnh nhân đã đi được 70% chặng đường điều trị khỏi Covid-19. 

CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC -0

Mừng vui chưa được bao lâu trước ca bệnh nặng đầu tiên mà bệnh viện tiếp nhận, bốn ngày sau khi rút ECMO được bốn ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn. Bệnh lý tim mạch của bệnh nhân khiến tình trạng nguy kịch một lần nữa thách thức chúng tôi.

Bệnh nhân 19 ngừng tuần hoàn một lần trong 40 phút, chúng tôi phải sốc điện đến ba lần mới tạo được nhịp độ ổn định hơn cho bệnh nhân. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân trong vòng 40 phút thực sự là một cuộc đấu trí. 


Ê-kíp ép tim khoảng tám người được huy động thay nhau thực hiện. Với người khỏe, nếu thực hiện ép tim khoảng một phút với khoảng 120 lần là tay đã rã rời. Nếu tay ép lỏng hoặc ép không đúng kỹ thuật, bệnh nhân sẽ tử vong.

Sau 30 phút nỗ lực, bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu khả quan. Chúng tôi đã nghĩ chắc phải buông tay, không chiến thắng được tử thần. Nhưng như có một phép màu kỳ lạ, tích tắc sau đó, trái tim của bệnh nhân số 19 đã đập trở lại. 

Với kinh nghiệm trong nghề, chúng tôi hiểu rõ việc ngừng tuần hoàn làm bệnh nhân phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như: tình trạng nhiễm trùng tăng lên, suy thận, tổn thương phổi nhanh. Vậy là đội ngũ nhân viên y tế lúc này lại phải bước vào một cuộc chiến mới để giúp BN19 hồi phục. Và thật may mắn, bệnh nhân đã đáp ứng với điều trị, xuất viện sau gần ba tháng nằm viện. 

Tôi vẫn chia sẻ với đồng nghiệp, ca bệnh 19 là một kỳ tích của ngành hồi sức. Bệnh nhân nặng khi ngừng tuần hoàn có nghĩa là tim ngừng đập. Theo nhiều báo cáo ở Trung Quốc, Mỹ, 100% bệnh nhân ngừng tuần hoàn không thể cứu sống được. Trong đại dịch Covid-19, số trường hợp ngừng tuần hoàn được phát hiện cực sớm tỷ lệ sống chỉ dưới 10%. Nếu bệnh nhân may mắn sống sót thì sẽ để lại những di chứng vô cùng nặng nề về thần kinh. Kỳ tích đến với BN 19 là bà đã được bình phục sức khỏe toàn sau ngừng tuần hoàn và không có di chứng thần kinh.   

CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC -0

Trong gần năm qua, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chúng tôi đã điều trị cho hàng trăm ca bệnh, trong đó có nhiều ca bệnh cả người Việt Nam và nước ngoài có bệnh lý nền nặng, cao tuổi, trải qua nhiều giai đoạn nguy hiểm trong quá trình điều trị Covid-19.

Tôi cho rằng, nếu dịch bệnh bùng phát nhiều, khâu quan trọng nhất trong điều trị là vai trò của bác sĩ hồi sức cấp cứu. Hiện nay, các bác sĩ hồi sức các nơi mặc dù có sự chuẩn bị nhưng chưa được chuẩn bị hoàn toàn kỹ lưỡng. Ai cũng nghĩ có thể Covid-19 chừa mình ra. Tôi mong mọi người cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác phòng, chống dịch bệnh, các tuyến cơ sở cần phải có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. 

CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ NHỮNG NGÀY SỐNG KHÁC -0

Vừa lập gia đình năm tháng, tôi chính thức nhận nhiệm vụ đầu tiên – hỗ trợ BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh điều trị cho bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh. Nhiệm vụ nặng nề nhất giai đoạn đó là phải túc trực theo dõi toàn trạng cho BN 91, siêu âm, đánh giá thông số, biến chứng để báo cáo lên Tiểu Ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia. Lúc này, trách nhiệm của chúng tôi là cánh tay nối dài của thầy cô để trực tiếp điều trị các loại thuốc cho bệnh nhân. 

Nam phi công người Anh diễn biến sức khỏe tồi đi nhanh chóng. Nhiệm vụ khó khăn đầu tiên đặt ra với chúng tôi là đặt tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) cho bệnh nhân. 

Biến cố đầu tiên xảy ra ngay khi sử dụng ECMO hai giờ đồng hồ, màng lọc bị đông đặc. Bệnh nhân có kháng thể kháng Heparin, gây hội chứng giảm tiểu cầu do dị ứng với thuốc chống đông heparin được dùng khi chạy ECMO (hội chứng HIT). 

Khi cơ thể ở giai đoạn suy kiệt, nam phi công còn tràn khí màng phổi, nhiễm thêm vi khuẩn. Trong quá trình điều trị, hệ miễn dịch của NB91 đã phản ứng quá mức khi bị virus tấn công, làm sản sinh ra chất cytokine chống lại chính cơ thể, gọi là “cơn bão” cytokine. Phổi bị tổn thương rất nặng nề.

fe2c1acd2e90dece8781-1609291946580.jpg  

Tiểu Ban điều trị quyết định dùng thuốc mới chưa từng có trong phác đồ điều trị để bảo tồn màng ECMO. Chúng tôi điều chỉnh liều thuốc bằng gửi mẫu máu mỗi sáu giờ để canh nồng độ màng ECMO để không chảy máu đường xâm lấn và không làm đông màng ECMO. 

Thời điểm đó, chúng tôi túc trực gần như 24/24 giờ để đánh giá hệ thống màng, thay màng kịp thời. Sau đó, bệnh nhân được công bố âm tính với SARS-CoV-2 và chuyển về BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị. Sau thời gian cách ly, tôi đã trở lại BV Chợ Rẫy và tiếp tục chăm sóc, điều trị BN 91 cho tới khi ông xuất viện về nước. 

Tháng 7, chúng tôi được lệnh điều động ra Đà Nẵng, tiếp nhận ngay bệnh nhân đầu tiên dương tính có mã số 416 khá nguy kịch. Trong đêm đầu tiên đặt chân tới đây, tôi và BS Hùng – Phó khoa Hồi sức cấp cứu, BV Đà Nẵng nhanh chóng can thiệp ECMO cho bệnh nhân.

Giai đoạn đó, BN 416 diễn biến rất nguy kịch mà BV Phổi Đà Nẵng chưa có đơn vị hồi sức cấp cứu. Tôi trực tiếp đưa bệnh nhân về khoa Y học nhiệt đới, BV Đà Nẵng. Sau đó, khi khoa Hồi sức, BV Phổi thành lập xong, tôi lại chuyển bệnh nhân này về BV Phổi, tham gia điều trị trực tiếp ca này. Bệnh nhân may mắn từ từ cải thiện hơn, cai ECMO, cai máy thở, được xuất viện. Đó là ca tạo động lực cho các anh em tiếp tục điều trị tiếp những ca nặng về sau.

Bệnh nhân nặng lên ngày càng nhiều, số ca ECMO tăng nhanh. Ban Chỉ đạo yêu cầu phải đưa bệnh nhân sang các cơ sở y tế khác để chia lửa điều trị. Đó là khoảng thời gian vô cùng vất vả và đầy thách thức khi Covid-9 tấn công vào các khoa bệnh nặng. Có những ngày, chúng tôi can thiệp 1-2 ca ECMO trong tình trạng thiếu đồ đạc, thiết bị, máy thở, máy lọc máu. Bác sĩ hồi sức cũng thiếu trầm trọng. Chúng tôi vừa làm việc, vừa tranh thủ đào tạo tại chỗ các bác sĩ trẻ của khoa Nhiệt đới, BV Đà Nẵng tăng cường cho khoa Hồi sức cấp cứu.  

3-1608950306416.jpg
 Nhiều ca bệnh nặng hồi phục là nguồn khích lệ lớn với tinh thần của đội điều trị.  

Trong vòng ba tuần đầu ở BV Đà Nẵng, lịch làm việc kín mít, áp lực tâm lý đè nặng lên vai những bác sĩ hồi sức cấp cứu như chúng tôi. Tại khoa Hồi sức cấp cứu, BV Đà Nẵng, chỉ có hai bác sĩ vật lộn điều trị với nhiều bệnh nhân nặng. Chúng tôi phải đưa ra rất nhiều quyết định cá nhân để điều trị cho họ. Tôi vừa hồi sức các bệnh nhân nguy kịch tại khoa Y học nhiệt đới, vừa tham gia vận chuyển bệnh nhân nặng từ Đà Nẵng ra Huế.

Có lúc chúng tôi cũng ứa nước mắt vì bất lực. Ca đầu tiên tử vong là một bệnh nhân cao tuổi, có bệnh lý nền, tổn thương phổi rất nặng. Dù được hỗ trợ tối đa thở máy, ECMO, các thuốc hiện đại nhất, nhưng không cứu được. Tôi đã có lúc hoang mang thật sự và trong đầu luẩn quẩn câu hỏi: "Không biết đợt dịch kỳ này tới đi đâu hay toang thật sự?". Nhưng nhờ quyết định sáng suốt kịp thời của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia, quyết định chia lửa điều trị nên sớm giải tỏa BV Đà Nẵng, dịch từ từ ổn định.

Ngày 4-8-2020, tôi lưu lại trên điện thoại mình về dấu mốc với bệnh nhân 582 khi có kết quả xét nghiệm âm tính đầu tiên. Niềm hy vọng được nhân lên khi bốn đợt xét nghiệm tiếp theo đều cho kết quả tương tự. Sau 16 ngày điều trị, BV 582 chính thức được công bố "sạch" Covid-19, trở thành ca bệnh nền nặng đầu tiên được chữa khỏi tại tâm dịch Đà Nẵng. Dòng chữ viết trên bìa giấy của BN 582 cảm ơn chúng tôi khi đã chăm sóc ông như chính con của ông động viên tinh thần chúng tôi rất lớn. Vậy là công sức chúng tôi bỏ ra đã có kết quả dù đã có lần tưởng chừng việc điều trị đi vào ngõ cụt. 

Gần ba tháng xa nhà, tôi chỉ biết tự dặn mình phải hết sức cố gắng, bảo đảm sức khỏe để gia đình yên tâm, làm hết mình để làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc với nhân dân, hoàn thành nghĩa vụ với y đức bác sĩ của mình. 

2-1608950349122.jpg
BS Ngô Việt Anh vận chuyển bệnh nhân từ Đà Nẵng ra Huế. 

Giai đoạn này, các bác sĩ hồi sức như chúng tôi có một quãng thời gian tạm nghỉ. Nhưng chúng tôi vẫn theo dõi Covid-19 thật chặt, cập nhật các nghiên cứu mới về Covid-19 với những phác đồ hiện đại để điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, tôi cũng chuẩn bị về sức khỏe, tập thể dục, ở bên gia đình nhiều hơn, an ủi vợ và ba mẹ yên tâm đi chống dịch. 

Tôi thấy rất tự hào vì mình đã được đóng góp công sức trong đợt dịch vừa rồi. Tôi cũng biết ơn những người anh/chị, người thầy đã tin tưởng giao trách nhiệm cho mình khi đề cử mình tham gia chống dịch vừa rồi và vô cùng hạnh phúc khi nhận giải thưởng một trong 10 thầy thuốc trẻ tiêu biểu của Việt Nam năm 2020. 

Nội dung: THIÊN LAM - Đồ họa: HÀ MY

Ngày xuất bản: 26-12-2021