Nhân Hội nghị cấp cao lần thứ 2 những người đứng đầu cơ quan chống khủng bố thế giới diễn ra đầu tuần này, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách công tác phòng, chống khủng bố V.Voronkov vừa cảnh báo rằng, các mối đe dọa khủng bố mới đang gia tăng và các phần tử khủng bố ngày càng trở nên “đổi mới” trong một thế giới chịu tác động mạnh từ đại dịch Covid-19.
Thực tế cho thấy, trong hơn một năm qua, khi tất cả các quốc gia trên thế giới đều tập trung đối phó dịch bệnh, vấn đề chống khủng bố dường như tạm lắng xuống. Tuy nhiên, thách thức khủng bố vẫn luôn nghiêm trọng ngay cả tại những nước phát triển có hệ thống an ninh hiện đại.
Cơ quan công tố Đức nhận định vụ một đối tượng là người nhập cư gốc Somalia đã dùng dao tiến công tại Đức làm ba phụ nữ chết và bảy người bị thương là vụ việc “rõ ràng có động cơ Hồi giáo cực đoan”. Trong khi đó, tại Singapore, Cục An ninh nội địa nhận định mối đe dọa khủng bố đối với “quốc đảo sư tử” vẫn ở mức cao, trong bối cảnh các nhóm khủng bố tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trên không gian mạng giữa đại dịch Covid-19.
Ở những quốc gia đang có xung đột, nghèo đói, các tổ chức khủng bố vẫn đang không ngừng phát triển và tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng. Các quan chức của LHQ cho biết, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tiếp tục gia tăng hoạt động tại các khu vực then chốt là Afghanistan và Syria, mở rộng hoạt động tại khu vực châu Phi.
Chủ tịch Ủy ban Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi cho biết, kể từ năm 2020 đến nay, khu vực này đã phải hứng chịu tổng cộng 700 vụ tiến công khủng bố làm 2.000 người chết. Vấn đề khiến nhiều chuyên gia lo ngại là đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng đói nghèo, mất an ninh ở nhiều nước, theo đó tạo ra “mảnh đất màu mỡ” cho các tổ chức khủng bố phát triển, nhất là tại các nước có tình hình kinh tế - chính trị bất ổn.
Việc các phần tử khủng bố ngày càng “đổi mới để thích nghi” trong đại dịch Covid-19, như nhận định của giới chức LHQ, đang đòi hỏi chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế cần hợp tác chặt chẽ hơn trong các chiến dịch ngăn chặn, tiêu diệt khủng bố. Chính sách chống khủng bố hiện nay cũng như thời kỳ “hậu Covid-19” cũng đòi hỏi phải có sự điều chỉnh đáng kể, trong đó chú trọng phân phối bình đẳng vắc-xin ngừa Covid-19; phục hồi kinh tế và xóa đói, giảm nghèo; tăng cường điều phối chống khủng bố trên phạm vi khu vực và toàn cầu.