Trận động đất có độ lớn 7,2 xảy ra ở phía tây nam Haiti gây ra sự tàn phá trên diện rộng, khiến hơn 2.200 người chết và gần 13.000 người bị thương. Ngoài thiệt hại về người, hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại, các cơ sở hạ tầng quan trọng như trường học, bệnh viện, đường sá và cầu bị phá hủy, làm gián đoạn các dịch vụ quan trọng, giao thông, nông nghiệp và thương mại. Liên hợp quốc ước tính, hậu quả trận động đất tác động tiêu cực tới khoảng 800.000 người dân đảo quốc Caribe, trong đó 300.000 trẻ em bị gián đoạn việc học.
Ngay sau trận động đất, Chính phủ Haiti đã phối hợp Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khẩn trương hành động để cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng. Những nỗ lực kịp thời ấy đã giúp người dân Haiti vượt qua tình trạng nguy cấp, từng bước lên kế hoạch cho mục tiêu phục hồi và tái thiết lâu dài. Thảm họa thiên nhiên xảy đến trong bối cảnh Haiti đang phải đối mặt cùng lúc các khủng hoảng về kinh tế, chính trị, an ninh, nhân đạo và môi trường.
Theo Báo cáo Phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Haiti có mức độ nghèo đói cao và đứng thứ 170/189 quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế đảo quốc Caribe gặp khó khăn nghiêm trọng, thêm vào đó tình trạng mất an ninh luôn thường trực, đỉnh điểm là vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise (G.Moi-xơ) vào tháng 7/2021 tại nhà riêng ở thủ đô Port-au-Prince. Bên cạnh đó, vấn đề chống dịch Covid-19 vẫn là bài toán nan giải với Chính phủ Haiti khi chỉ 1,3% trong tổng số hơn 11,6 triệu dân nước này đã được tiêm vắc-xin.
Chính phủ quốc gia Caribe đã đưa ra đánh giá và tính toán cụ thể số tiền cần thiết để xây dựng lại và phục hồi đất nước, vào khoảng gần 2 tỷ USD trong vòng 4 năm tới. Cụ thể, khoảng 1,5 tỷ USD sẽ dành cho việc tăng cường các dịch vụ xã hội, bao gồm xây dựng nhà ở, cơ sở y tế, giáo dục và các chương trình an ninh lương thực. Phần còn lại nhằm sửa chữa cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như thúc đẩy nông nghiệp, thương mại và công nghiệp, bên cạnh chi tiêu cho các chương trình môi trường.
Giữa tháng 2 vừa qua, cộng đồng quốc tế thông báo cam kết tài trợ 600 triệu USD để hỗ trợ Haiti. Thủ tướng Haiti Ariel Henry (A.Ăng-ri) đánh giá cao sự ủng hộ, dù số tiền này chỉ đáp ứng 30% tổng chi phí cần thiết. Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed (A.Mô-ham-mét) khẳng định, Liên hợp quốc, với vai trò là cơ quan khởi xướng khoản đóng góp trên, sẽ bảo đảm rằng tiền của các nhà tài trợ được giải ngân một cách có trách nhiệm, hiệu quả và có cân nhắc nhằm hỗ trợ người dân Haiti nâng cao chất lượng cuộc sống ở mức tối đa.
Các chuyên gia đánh giá, Haiti khó kêu gọi đủ số tiền 2 tỷ USD, trong bối cảnh bản thân các nước đóng góp tài trợ cũng đang gặp khó khăn kinh tế do đại dịch, bên cạnh đó là nhiều vấn đề nóng mà Liên hợp quốc cũng cần nhanh chóng giải quyết như tình hình tại Afghanistan hay khu vực Tigray của Ethiopia. Chính phủ đảo quốc Caribe hy vọng, cộng đồng người Haiti đang sinh sống ở nước ngoài và các tổ chức từ thiện quốc tế sẽ góp phần đáng kể vào nỗ lực gây quỹ tái thiết đất nước.
Haiti thường hứng chịu các thảm họa thiên tai, chủ yếu do tình trạng nhà cửa xuống cấp và những vùng dễ ngập thường tập trung đông dân cư và là nơi sinh sống của người dân nghèo. Trận động đất có độ lớn 7 hồi tháng 1/2010 tại quốc gia này từng để lại hậu quả vô cùng nặng nề, với khoảng 220.000 người chết, 300.000 người bị thương và 1,5 triệu người mất nhà cửa.