Tuy nhiên, thay vì chung tay bảo vệ, gìn giữ mỹ quan chung, đáng buồn là có một số cá nhân thiếu ý thức, thường xuyên có các hành vi bôi, vẽ bẩn lên các công trình, gây ảnh hưởng không nhỏ đến bộ mặt của đô thị.
Mới đây nhất, dư luận không khỏi bức xúc khi nhìn thấy hai toa tàu metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) tại TP Hồ Chí Minh dù chưa được đưa vào sử dụng nhưng đã bị những kẻ vô ý thức bôi bẩn. Không chỉ làm vấy bẩn lên một phương tiện giao thông công cộng, việc vẽ bậy lên thành tàu còn khiến cho chủ đầu tư phải tốn kém thời gian và tiền bạc để khôi phục nguyên trạng và đưa vào vận hành như kế hoạch.
Nạn bôi, vẽ làm bẩn diện mạo đô thị cũng đang diễn ra ngày càng phổ biến, đến mức báo động. Quan sát tại nhiều thành phố lớn, không khó để bắt gặp trên nhiều tuyến phố, từ tường nhà dân, đến các khu chung cư, trụ sở, văn phòng làm việc, hay công viên, trường học, nhà chờ xe buýt… những hình vẽ phun sơn nham nhở hoặc chi chít những tờ rơi quảng cáo.
Người dân Thủ đô vẫn chưa quên vào năm 2009, những hình vẽ nguệch ngoạc, lem nhem tại hầm chui Kim Liên xuất hiện ngay trong ngày đầu thông xe. Tương tự, mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, chỉ một thời gian ngắn kể từ khi đi vào hoạt động, các hạng mục của cầu Thủ Thiêm 2 như lan can, cầu thang, dây văng cũng như các công trình phụ lập tức bị bôi bẩn. Tuy chưa đi vào hoạt động nhưng hàng chục trụ chân cầu tuyến đường sắt trên cao Bến Thành-Suối Tiên đang trong quá trình xây dựng cũng xuất hiện nhiều hình vẽ nham nhở. Việc làm sạch những bức tường bị bôi vẽ vô văn hóa đã được chính quyền các địa phương và người dân tích cực tham gia, tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau, tình trạng tương tự lại tái diễn.
Hậu quả của nạn bôi bẩn khiến cho diện mạo các thành phố trở nên nhếch nhác, văn minh đô thị bị ảnh hưởng không nhỏ, đồng thời gây thiệt hại về tài sản của người dân cũng như của các cơ quan, tổ chức. Xét về phương diện pháp luật, hành vi bôi, vẽ bẩn lên nhà dân cũng như các công trình công cộng, tùy theo mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc bị xử lý về hình sự theo Ðiều 178 (Bộ luật Hình sự) tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản với mức phạt tù có thể lên đến 20 năm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc phát hiện và xử phạt đối tượng có hành vi bôi, vẽ làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức còn gặp không ít khó khăn bởi các đối tượng này thường thực hiện lúc vắng người, trong khoảng thời gian ngắn. Song không vì thế những sai phạm được phép tiếp diễn, gây bức xúc trong cộng đồng. Ðể các hành vi bôi, vẽ phản cảm sớm bị ngăn chặn cần tăng cường vai trò giám sát, phát hiện của cộng đồng dân cư. Khi phát hiện ra hành vi sai phạm, cơ quan chức năng, chính quyền sở tại cần phối hợp người dân, tiến hành trích xuất camera ở khu vực lân cận để nhận diện, khoanh vùng đối tượng. Việc xử phạt với các sai phạm cần nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật và thông tin kịp thời tới cộng đồng.
Về lâu dài, để ngăn chặn triệt để tình trạng này, công tác giáo dục trong cộng đồng cần được chú trọng, theo đó mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm về cách hành xử văn hóa, có ý thức giữ gìn mỹ quan đô thị, có thái độ không khoan nhượng với các hành vi thiếu ý thức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Văn hóa cũng như diện mạo của đô thị sẽ được gìn giữ và bảo vệ chính từ sự chung sức đồng lòng của mọi người dân.