Hôm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp ở xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, chúng tôi gặp Nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đang tổ chức tiệc “chiêu đãi” các bạn nhỏ. Cô Nguyễn Thị Minh Tâm, giáo viên Trường trung học phổ thông Thiên Hộ Dương (thành phố Cao Lãnh), Trưởng nhóm thiện nguyện này cho biết, hơn chín năm qua, kể từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm là địa chỉ mà nhóm thường đến tặng quà, vui chơi với các em. Nhóm cũng đến một số ngôi chùa đang nhận nuôi trẻ mồ côi để tổ chức các hoạt động vui chơi, thi vẽ tranh, làm bánh, trò chuyện với các em.
Em N.Q.B, 12 tuổi, chia sẻ: “Em sống với ông ngoại. Ngoại mất rồi nên em đi lang thang. Năm nay em được đưa vào Trung tâm và tiếp tục học lớp 1. Được vô Trung tâm, em vui lắm vì được ăn uống đầy đủ, vui chơi với bạn bè…”.
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp là đơn vị nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi. Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 18 trẻ không nơi nương tựa, có trẻ chỉ vài tháng tuổi, có em sắp trưởng thành. Trung tâm dạy các em kỹ năng sống, vệ sinh cá nhân, thói quen tự lập…; đồng thời, quản lý chặt chẽ thời lượng dành cho các em học tập, ăn nghỉ, giải trí và tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh khác.
Bên cạnh các chế độ ăn uống theo quy định, khi các tổ chức, cá nhân đến tặng quà, tiền thì trao trực tiếp đến các em. “Các nhà hảo tâm đến đây rất cảm động khi trò chuyện với các em và chia sẻ về nhiệm vụ, sự vất vả của cán bộ, viên chức Trung tâm; qua đó, góp phần tạo sự lan tỏa yêu thương trong xã hội”, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Kiệt cho biết…
Cha mẹ qua đời là một biến cố gây sốc tâm lý cho trẻ em. Ngành lao động-thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp chăm sóc trẻ mồ côi trên địa bàn. Toàn tỉnh có năm cơ sở đang nuôi dưỡng 73 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi. Các cơ sở này thường xuyên rà soát, lập danh sách trẻ mồ côi, bị bỏ rơi đủ điều kiện để gửi Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp tìm gia đình chăm sóc thay thế bằng hình thức nuôi con nuôi. Các em ở đây được chăm sóc, nuôi dưỡng và đi học văn hóa tại địa phương; có 67/73 em đang được hưởng chính sách bảo trợ xã hội hằng tháng…
Tại nhiều địa phương ở Đồng Tháp, công tác chăm lo trẻ mồ côi cũng được các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn xã Định An, huyện Lấp Vò hiện có bảy trẻ mồ côi, chủ yếu sống với ông bà nội, ngoại. Với trường hợp cháu P., mồ côi cả cha và mẹ do dịch Covid-19, ngoài được hỗ trợ từ chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai, địa phương còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ hằng tháng đến khi em trưởng thành. Những trẻ mồ côi đang sống với ông bà cũng được địa phương vận động các nguồn hỗ trợ, hoặc tiếp nhận quà rồi chuyển thẳng đến gia đình các em.
Theo Tỉnh đoàn Đồng Tháp, tính đến hết tháng 5/2024, có 122 em thuộc mô hình “Người em của Đoàn” (trẻ em mồ côi do Covid-19) được các cấp bộ đoàn trực tiếp hỗ trợ lâu dài và làm đầu mối kết nối, vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ lâu dài về tài chính hoặc vật chất. Từ năm 2022 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp cùng các quỹ học bổng trao tặng hơn 100 suất dành cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng.
Trong năm tháng đầu năm 2024, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đồng Tháp đã vận động được hơn 800 triệu đồng trợ giúp cho 3.072 lượt trẻ em, trong đó có các trẻ mồ côi. Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, thời gian tới, Sở tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quy định của pháp luật, chính sách về chăm sóc trẻ em mồ côi với các hình thức, mô hình đa dạng, linh hoạt, trong đó, chú trọng chăm sóc thay thế cho trẻ tại gia đình; tăng cường chuyển trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em tập trung về các cá nhân, gia đình chăm sóc thay thế, nhận con nuôi; đẩy mạnh xã hội hóa, vận động mọi nguồn lực xã hội, kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến để chăm sóc trẻ mồ côi ngày càng tốt hơn...