Gần một tiếng đồng hồ chạy ca-nô dập dềnh trên sóng, xa xa thấp thoáng những tàu đánh cá, những chiếc bè nổi nối liền nhau trên mặt biển với những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới. Làng chài Cửa Vạn (phường Hùng Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh) bình lặng và yên ả. Ba năm quay trở lại làng chài, nếp sinh hoạt từ ăn, uống, ngủ, nghỉ trên biển đi kèm với việc xả thải xuống vịnh giờ đã biến mất. Thấy tôi ngạc nhiên, chị Lê Thị Phương, 30 tuổi, chỉ vào những chiếc thùng màu xanh, màu vàng nói: 'Rác vô cơ, xỉ than sau khi gom lại sẽ được đơn vị dọn vệ sinh môi trường của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đưa ra đảo Ti Tốp hoặc đưa vào đất liền xử lý tiếp. Còn rác hữu cơ thì được tận dụng triệt để bằng cách ủ làm phân bón cây'.
Theo đánh giá của ông Đỗ Đức Thắng, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hiện nay trên Vịnh Hạ Long có bảy làng chài. Lượng rác thải từ các làng chài khoảng hơn 10 tấn/ngày. Mỗi ngày, đều có những người dân chèo thuyền đi nhặt rác khắp các làng chài. Trò chuyện với người dân làng chài mới thấy hơn ai hết, họ thật sự hiểu giá trị của môi trường sống, từ đó có cách ứng xử với môi trường. Đó cũng chính là kết quả bước đầu từ khi dự án “Hỗ trợ Xây dựng Hệ thống Tuần hoàn tài nguyên trên vịnh Hạ Long có sự tham gia của địa phương” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ thực hiện.
Cuộc sống của hơn 100 hộ dân ở làng chài Cửa Vạn giờ trở nên quy củ, sạch sẽ hơn. Từ chuyện nhỏ như cách sử dụng giẻ rửa bát mới, nghe tưởng vặt vãnh, vậy mà khi người dân được các chuyên gia JICA hướng dẫn thay giẻ rửa bát bằng những mảnh lưới nhỏ sang sử dụng giẻ len Acrylic, người dân làng chài đã tiết kiệm được cả nước lẫn chất tẩy rửa. Ít ra, việc tiết kiệm này là cần thiết khi cuộc sống ngư dân vạn chài lênh đênh trên biển phải mua với giá trung bình 50.000 đồng/m3.
Góp phần làm nên sự chuyển biến tích cực này, phải kể đến nỗ lực của chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ninh, trong vai trò năm nhóm nòng cốt hướng dẫn cách đan giẻ rửa bát bằng len tại các làng chài (Vung Viêng, Cửa Vạn, Ba Hang, Cống Đầm...) cũng như cách sử dụng vừa tiết kiệm nước sinh hoạt vừa giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường biển.
Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ: 'Việc hướng dẫn này trở nên gần gũi với bà con khi lồng ghép với chương trình 'Ba sạch' (sạch nhà/thuyền, sạch bếp, sạch môi trường/biển) của Hội và các đợt tuyên truyền, vận động đến từng hội viên nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long tại các làng chài'.
Ngoài ra, Dự án này còn phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, và Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tổ chức các đợt trồng rừng ngập mặn tại Vụng Ba Cửa (Vịnh Hạ Long) với sự tham gia tích cực của sinh viên, học sinh Việt Nam và Nhật Bản.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng vấn đề ô nhiễm môi trường trên vịnh với các rác thải từ trên bờ đổ xuống chưa xử lý tận gốc và hệ thống tận dụng rác hữu cơ làm phân bón chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Ngoài biện pháp nghiêm khắc đối với việc đổ thải xuống Vịnh Hạ Long, ông Yoichi Iwai, Cố vấn trưởng Dự án JICA cho biết: 'JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh thực hiện xử lý triệt để các vấn đề gây ô nhiễm, bằng việc sử dụng nhiên liệu sinh học giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, hạn chế ô nhiễm môi trường tại Vịnh Hạ Long'.
Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã quyết định đến năm 2017 chấm dứt khai thác lộ thiên tại các mỏ than, cũng như di chuyển các hệ thống cảng, các hoạt động sàng tuyển than quanh Vịnh Hạ Long. Tỉnh Quảng Ninh xây dựng lộ trình từ nay đến năm 2017, từng bước loại thải tất cả tàu, thuyền trong vịnh không bảo đảm an toàn kỹ thuật cũng như vấn đề môi trường; đồng thời quy hoạch lại các làng chài, nhà bè, nhà hàng, cũng như vận động nhân dân không sống trên vịnh.
Khẳng định bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long là một trong những mục tiêu hàng đầu của chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: 'Cần phải thường xuyên, tích cực tuyên truyền cho nhân dân, khách du lịch và doanh nghiệp để bảo vệ và phát triển du lịch một cách bền vững'.
Giai đoạn I của dự án “Hỗ trợ Xây dựng Hệ thống Tuần hoàn tài nguyên trên vịnh Hạ Long có sự tham gia của địa phương” do JICA giúp đỡ, với kinh phí hỗ trợ khoảng 50 triệu yên, được tiến hành trong thời gian từ tháng 10-2009 đến 9-2012, nhằm mục đích xây dựng xã hội có tính bền vững, nâng cao môi trường chung quanh vịnh Hạ Long. Giai đoạn hai của dự án dự kiến sẽ được tiến hành từ tháng 4-2013 đến tháng 3-2016. Đối tượng của dự án là người dân các làng chài trên Vịnh Hạ Long.