Hưởng ứng ngày môi trường thế giới (5-6)

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Việt Nam là một trong những quốc gia thuộc khu vực Đông - Nam Á có sự đa dạng sinh học (ĐDSH) cao. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay diện tích rừng bị thu hẹp do tàn phá, cộng với nạn buôn bán động vật hoang dã phức tạp trên diện rộng dẫn đến số lượng cá thể giảm nhanh chóng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Theo số liệu thống kê, tổng số các loài động, thực vật hoang dã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) là 882 loài, trong đó có 418 loài động vật và 464 loài thực vật, tăng 161 loài so với giai đoạn 1992 - 1996 (lần xuất bản thứ nhất của các tập Sách Đỏ Việt Nam). Đáng chú ý, trong giai đoạn này mức độ bị đe dọa của các loài mới chỉ dừng lại ở hạng "nguy cấp - EN", thì hiện nay đã có tới mười loài động vật được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên (EW) tại Việt Nam... Kết quả thống kê về hiện trạng các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cũng cho thấy, nhiều loài đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao do nguyên nhân chính là việc khai thác quá mức và mất môi trường sống. Trong đó có nhiều loài đặc hữu như: Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) ước tính chỉ còn khoảng 190 cá thể. Đầu thế kỷ 20, loài này phân bố ở rừng núi của bốn tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn và Thái Nguyên. Hay loài voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) chỉ phân bố ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn tự nhiên Vân Long (Ninh Bình) và hiện chỉ còn khoảng 100 cá thể; tê giác Java Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus) là một trong hai quần thể tê giác duy nhất còn sót lại trên Trái đất, đã được xác nhận bị tuyệt chủng tại Việt Nam vào năm 2010...

Chia sẻ về tình trạng số lượng cá thể các loài quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng giảm trong thời gian qua, Cục trưởng Bảo tồn và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), TS Phạm Anh Cường cho biết: Công tác bảo tồn loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã được quy định trong Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Để thực hiện quy định của luật, Tổng cục Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: kiện toàn khung pháp lý, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút sự quan tâm của các bộ, ngành hữu quan đối với hoạt động bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Huy động sự hợp tác, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế và các tổ chức bảo tồn trong công tác bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm; xây dựng, trình phê duyệt và triển khai thành công dự án “Tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH thông qua cải cách chính sách và thay đổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã (ĐVHD) ở Việt Nam”; phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài ĐVHD đã được triển khai khá đồng bộ trên phạm vi cả nước... Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong quá trình triển khai còn gặp những khó khăn, hạn chế, nhất là tình trạng khai thác, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã nguy cấp vẫn diễn ra chưa kiểm soát được và có xu hướng gia tăng thời gian qua. Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy: Từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng kiểm lâm trên cả nước phát hiện và xử lý vi phạm về quản lý ĐVHD là 3.823 vụ, tịch thu hơn 58 nghìn cá thể ĐVHD, trong đó có hơn ba nghìn cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Đáng lo ngại, trong số hơn 48 nghìn loài động vật, thực vật ghi nhận của Việt Nam, có 882 loài (chiếm gần 2%) đang bị de dọa ở nhiều cấp độ…

Các chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định, một trong những nguyên nhân gây nên sự suy giảm các loài nguy cấp ở nước ta thời gian qua là do các chính sách, quy định pháp luật chưa đồng bộ, công tác bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa được quan tâm đúng mức. Vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Do vậy, trong quá trình xây dựng văn bản triển khai Luật ĐDSH, còn chưa đạt được sự thống nhất dẫn đến sự chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài. Trong khi đó, vấn đề bảo tồn các loài hiện cũng được quy định rải rác tại nhiều văn bản liên quan đến bảo tồn ĐDSH và quản lý bảo vệ rừng, điều đó gây khó khăn, thiếu hiệu quả trong quá trình quản lý, thực thi pháp luật. Nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn loài còn rất hạn chế, thiếu sự quan tâm hỗ trợ... Bên cạnh đó, nhận thức của toàn xã hội đối với công tác bảo tồn loài, bảo tồn ĐDSH còn nhiều hạn chế, một số bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng các loài ĐVHD nguy cấp dẫn đến nạn săn bắt, buôn bán, tiêu thụ gia tăng và trở thành vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội; nhận thức của các cấp, các ngành mặc dù đã được nâng lên, nhưng chưa đủ và chưa quyết liệt nhằm góp phần bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện...

Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực Đông - Nam Á có sự ĐDSH. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay diện tích rừng bị thu hẹp do tàn phá, cộng với nạn buôn bán ĐVHD phức tạp trên diện rộng dẫn đến số lượng cá thể giảm nhanh chóng, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Với tốc độ săn bắn và nguy cơ đe dọa tuyệt chủng của nhiều ĐVHD quý, hiếm như hiện nay, chỉ vài năm nữa, hệ sinh thái nước ta sẽ mất cân bằng nghiêm trọng, khi đó chỉ cần một trận bão cũng sẽ gây ra thảm họa cho thiên nhiên và môi trường sống của con người...

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, năm 2016, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) lựa chọn chủ đề “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp UBND tỉnh Lào Cai tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Lễ phát động Tháng hành động vì môi trường; hội thảo vai trò của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong bảo đảm ĐDSH và bảo vệ các loài nguy cấp, quý, hiếm tại Việt Nam; diễn đàn quốc gia về môi trường và phát triển; tổ chức thả động vật về rừng và trồng cây xanh... Thông qua các hoạt động này, nhằm khuyến khích sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và người dân trên cả nước có những hành động để bảo vệ tất cả các loài đang bị đe dọa, bảo vệ động thực vật và bảo vệ các thế hệ tương lai; thể hiện sự cam kết của Chính phủ đối với việc thực thi các Công ước về Bảo tồn ĐDSH, chống buôn bán ĐVHD... góp phần nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước trong tương lai...

Có thể bạn quan tâm