Chung sức, đồng lòng bê-tông hóa đường giao thông nông thôn

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu thực hiện bê-tông hóa 1.080km đường thôn và đường nội đồng, nâng tỷ lệ đường thôn trên địa bàn toàn tỉnh được bê-tông hóa đạt hơn 80%. Với sự vào cuộc tích cực của cả chính quyền và người dân, Tuyên Quang đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu này.
0:00 / 0:00
0:00
Ðường bê-tông nội đồng gắn với hệ thống mương tưới ở xã Lăng Can, huyện vùng cao Lâm Bình (Tuyên Quang).
Ðường bê-tông nội đồng gắn với hệ thống mương tưới ở xã Lăng Can, huyện vùng cao Lâm Bình (Tuyên Quang).

Ngày 20/11/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 55/NQ-HÐND thông qua Ðề án về bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh phấn đấu thực hiện bê-tông hóa 620km đường thôn, nâng tỷ lệ đường thôn được bê-tông trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 80%; nâng tỷ lệ đường nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh được bê-tông hóa đạt hơn 60%; xây dựng ít nhất 200 cầu nông thôn.

Mặc dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân đã tự nguyện hiến đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, đóng góp vật liệu, ngày công lao động, máy móc thiết bị thi công. Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương Giang Tuấn Anh cho biết: Giai đoạn 2021-2025, huyện đã xây dựng kế hoạch bê-tông hóa 152,89km đường giao thông nông thôn, 99,53km đường nội đồng và 30 cầu trên đường giao thông nông thôn. Huyện triển khai với phương châm nơi nào người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công, vật liệu thì làm trước; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền đẩy mạnh xã hội hóa, vận động lực lượng lao động của các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp... chung sức đóng góp ngày công san nền, đắp lề đường, các doanh nghiệp hỗ trợ tiền, máy móc để lu, trộn bê-tông, gạt nền... Kết quả, trong hai năm 2021-2022, toàn huyện đã bê-tông được 51km đường thôn và 43km đường nội đồng.

Ðến nay, toàn tỉnh đã bê-tông hóa được 480,22km đường giao thông nông thôn và thi công xong 38 cầu thuộc kế hoạch năm 2021, khởi công mới 39 cầu trên đường giao thông nông thôn (thuộc kế hoạch năm 2022). Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, đóng góp ngày công, kinh phí, vật liệu xây dựng, hiến đất để làm đường. Kết quả, tổng kinh phí đầu tư cho chương trình bê-tông hóa giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn trong hai năm (2021-2022) đạt 402,495 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 231,134 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 171,361 tỷ đồng; tổng diện tích đất đã hiến để làm đường là hơn 94.043m2. Trong phong trào hiến đất làm đường, đã có nhiều điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Minh Hùng, thôn Tân Tiến, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn hiến 1.071m2 đất và hơn 103 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn; hộ gia đình ông Nguyễn Văn Long, thôn Trục Trì, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa hiến 1.000m2 đất làm đường giao thông nông thôn…

Ðồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn. Các cấp, các ngành phối hợp thường xuyên, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn. Cùng với đó, công tác tuyên truyền hiệu quả đã tạo sự đồng thuận và góp phần lan tỏa sâu rộng phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn và cầu trên đường giao thông nông thôn trong đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Kết quả quan trọng của Ðề án mang lại chính là động lực để phát triển nông thôn và là tiền đề để xây dựng chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thị trường nông thôn được mở rộng, kích thích người dân tăng gia sản xuất, mang lại diện mạo mới cho vùng nông thôn của tỉnh Tuyên Quang.