Đại tá Phan Văn Hóa, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên thông tin, trong 455,573 km đường biên do Bộ đội Biên phòng Điện Biên quản lý thì có 414,712 km giáp nước Lào; 40,861 km giáp Trung Quốc; địa hình biên giới hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở..., nên công tác tuần tra kiểm soát, phòng, chống tội phạm gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các huyện, những năm qua, Bộ đội Biên phòng Điện Biên đã phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động các tập thể, cá nhân tham gia các mô hình tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản, góp phần quan trọng cùng Bộ đội Biên phòng Điện Biên hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ đường biên, từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg (ngày 9/1/2015) của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”, hiện nay toàn tỉnh có 81 tập thể, 3.398 gia đình, 4.412 cá nhân đăng ký tự quản 408,616 km đường biên, 146 mốc quốc giới. Trên khu vực biên giới còn có 302 tổ với tổng số 1.682 thành viên là cá nhân đăng ký tự quản về an ninh trật tự. Để bảo vệ đường biên giới, các tập thể, cá nhân, gia đình phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, công an, quân sự tuần tra 1.520 lần; cung cấp 2.465 tin liên quan an ninh trật tự giúp Bộ đội Biên phòng, công an xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc xảy ra trên địa bàn.
Hầu hết cư dân khu vực biên giới ở huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) đời sống kinh tế còn khó khăn, nhiều người không biết đọc, không nghe được tiếng phổ thông. Để vận động, hướng dẫn nhân dân biên giới tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, Ban Dân vận Huyện ủy Mường Chà chủ động phối hợp Đồn Biên phòng Mường Mươn biên soạn quy định Luật Biên giới quốc gia, Luật Phòng chống tội phạm ma túy, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong tham gia bảo vệ biên giới bằng tiếng dân tộc H’Mông để tuyên truyền đến từng cá nhân, hộ gia đình... Từ huyện “trắng” tổ tự quản, đến nay ba xã biên giới của huyện Mường Chà đã có sáu bản với 338 gia đình tham gia “Tổ tự quản đường biên, cột mốc” chịu trách nhiệm quản lý 21,813 km đường biên và bảy cột mốc quốc giới. Toàn huyện đã có 33 bản thành lập tổ tự quản an ninh trật tự với 99 thành viên.
Đồng chí Trần Cao Cường, Bí thư Huyện ủy Mường Chà cho biết: Tham gia các mô hình tự quản đường biên, cột mốc, người dân ở ba xã: Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ còn tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra đường biên, mốc giới. Tại cơ sở, bà con các dân tộc thiểu số cung cấp kịp thời thông tin có giá trị để lực lượng chức năng bắt, xử lý 31 vụ với 37 đối tượng phạm tội về ma túy, tang vật thu giữ 180 bánh hê-rô-in, 15 nghìn viên ma túy tổng hợp và 470 triệu đồng...
Với Mường Nhé-huyện có đường biên dài 132 km giáp với tỉnh Phongsaly (Lào) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo sáu xã biên giới cùng các đồn biên phòng chủ động gặp gỡ, đề nghị già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ hỗ trợ phổ biến quy định pháp luật đến nhân dân, con cháu; xây dựng, duy trì các tủ sách pháp luật gồm các đầu sách: tài liệu hỏi đáp về Luật Biên giới quốc gia, quy chế khu vực biên giới đất liền, Luật Cư trú... đặt tại điểm bưu điện xã để khi cần mọi người dân đều có thể tra cứu, thực hiện. Chính quyền các xã thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải ở các thôn, bản, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và quản lý bảo vệ biên giới. Qua đó nhận thức được nâng lên, nhân dân trong huyện đã đăng ký tham gia 66 tổ với 296 thành viên tham gia tổ tự quản an ninh trật tự thôn, bản; 16 tập thể, 1.275 gia đình và cá nhân tham gia tự quản đường biên, cột mốc quốc giới.
Đại tá Phan Văn Hóa khẳng định, trong thời gian tới lực lượng Biên phòng sẽ tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành và các huyện tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, gia đình và cá nhân có thành tích khi tham gia tự quản, đường biên, mốc giới. Các đơn vị chức năng sẽ gắn phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia” với phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các phong trào khác trong từng thôn, bản, khu dân cư để mỗi người dân sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho sự bình yên từng cột mốc, đường biên ■