Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD - ÐT) và của UBND thành phố Hà Nội, Sở GD - ÐT Hà Nội yêu cầu các trường không được phép thi tuyển, mà chỉ xét tuyển học sinh. Tuy nhiên, các tiêu chí để xét tuyển ra sao để bảo đảm công bằng, khách quan, tránh xảy ra tình trạng tiêu cực vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Việc tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học năm học 2015-2016 tại Hà Nội về cơ bản vẫn ổn định như mọi năm. Trong đó, các trường tiểu học và THCS tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 bằng phương thức xét tuyển, các trường THPT tuyển sinh bằng việc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Kế hoạch tuyển sinh đầu cấp đã được Sở GD - ÐT Hà Nội trình UBND thành phố Hà Nội và được thành phố phê duyệt. Theo kế hoạch này, thời gian tuyển sinh mầm non, lớp 1 và lớp 6 từ ngày 1 đến 15-7, thi tuyển vào lớp 10 không chuyên vào ngày 11-6, thi vào lớp 10 chuyên từ ngày 11 đến 13-6.
Tuy nhiên, trong số 623 trường THCS trên địa bàn Hà Nội, một số trường như hệ cấp hai của Trường THPT Hà Nội - Am-xtéc-đam, THCS Cầu Giấy, Lê Lợi (Hà Ðông), các trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, Ma-ri Quy-ri, Ðoàn Thị Ðiểm, Nguyễn Siêu, bán công Nguyễn Tất Thành..., thì phương án xét tuyển như trên (xét tuyển theo tuyến và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh) lại không phù hợp, bởi những trường này vốn có cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy và học tốt, điều kiện chăm sóc học sinh tốt, hằng năm có hàng nghìn học sinh đăng ký vào học, nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ có hạn.
Những năm học trước, nhà trường phải tổ chức kiểm tra hai môn văn, toán, để lựa chọn học sinh vào trường. Và để vượt qua kỳ thi "đầu vào" này, các em phải đi học thêm, luyện thi, tạo nhiều áp lực về học hành, thi cử đối với các trẻ nhỏ. Rất nhiều phụ huynh phản ánh, để thi được vào lớp 6 các trường chất lượng cao, nhất là Trường Hà Nội - Am-xtéc-đam, họ phải cho con đi học thêm tại các "lò luyện" từ năm lớp 3, khiến các cháu không có thời gian để học các môn ngoại khóa, được vui chơi, giải trí đúng lứa tuổi.
Năm học này, thực hiện Chỉ thị số 5105/CT-BGDÐT ngày 3-11-2014 của Bộ GD - ÐT về chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học; Công văn số 1258/BGDÐT-GDTrH ngày 17-3-2015 về việc không thi tuyển vào lớp 6, các trường nêu trên đều không được phép tổ chức kiểm tra văn hóa đối với các em học sinh. Hầu hết các trường đã xây dựng các dạng bài kiểm tra năng lực học sinh, chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc, trình độ nhận thức, vấn đề khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống...
Ngày 15-4, ba trường gồm trường Nguyễn Tất Thành, Lương Thế Vinh và Ma-ri Quy-ri trình phương án kiểm tra năng lực học sinh lên Sở GD - ÐT. Tối 16-4, phương án tuyển sinh của ba trường đã được Sở GD - ÐT Hà Nội phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ đúng một ngày sau đó, chính cơ quan này lại yêu cầu các trường tuyệt đối không tổ chức thi tuyển, dưới bất kể hình thức nào.
Thông tin này khiến cho các phụ huynh có dự định cho con thi vào các trường nêu trên rối bời. Chị Ðào Thị Dung, nhà ở phố Phan Huy Ích (quận Ba Ðình) có con học lớp 5 Trường tiểu học Chu Văn An cho biết: "Cháu nhà tôi ham học và học giỏi, cháu từng đoạt nhiều giải thi học sinh giỏi ở trường, ở quận, cho nên ba năm nay, gia đình tôi đầu tư cho cháu thi vào lớp 6 trường Hà Nội - Am-xtéc-đam để cháu có môi trường học tập tốt, tạo nền tảng cho cấp ba. Nay có quy định bỏ thi, chỉ xét tuyển vào trường, khiến gia đình tôi rất lo lắng. Vì nếu xét tuyển theo học bạ thì chắc chắn số lượng đăng ký tăng lên nhiều lần, trong khi học bạ của các cháu đều "đẹp" như nhau, không biết nhà trường sẽ chọn cháu nào, loại cháu nào?". Rất nhiều vị phụ huynh cho rằng, nếu không tổ chức thi tuyển thì rất dễ xảy ra tiêu cực trong xét tuyển.
Cũng bối rối không kém các bậc phụ huynh, lãnh đạo Trường THCS Ma-ri Quy-ri cho rằng, nếu chỉ xét tuyển bằng học bạ sẽ rất khó khăn cho các trường vì số các cháu có điểm 9, 10 hai môn văn, toán trong tiểu học rất nhiều. Riêng từ năm học 2014-2015, bậc tiểu học triển khai không chấm điểm, không xếp loại khá, giỏi cho học sinh mà chỉ có hai mức đánh giá đạt và không đạt, mà tỷ lệ học sinh đạt trình độ như vậy ở Hà Nội gần như đạt 100%, lại càng như "đánh đố" các trường khi tuyển chọn. Thậm chí, có ý kiến còn đưa ra có nên làm theo hình thức bốc thăm, gắp phiếu như ở các trường mầm non...
Chung quanh vấn đề này, chiều 21-4, Phó Giám đốc Sở GD-ÐT Hà Nội Phạm Văn Ðại cho biết, trước đề nghị của một số trường có lượng hồ sơ đăng ký vượt chỉ tiêu, phải xây dựng đề án khả thi về tuyển sinh cho phù hợp, lãnh đạo Sở cũng đã họp với các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, cho phép thử nghiệm kiểm tra năng lực học sinh ở ba trường. Tuy nhiên, xét thấy cách thức còn mới, có thể lại gây thêm áp lực cho học sinh khi thay vì học văn, toán, thì đổ xô đi luyện các bài kiểm tra về chỉ số IQ, EQ. Do vậy, Sở đưa ra quyết định cuối cùng là xét tuyển với tất cả các trường tuyển sinh vào lớp 6 trong năm 2015-2016, đồng thời giao nhiệm vụ cho các trường xây dựng các phương án xét tuyển phù hợp Luật Giáo dục, trình Sở xem xét, phê duyệt.
Cho đến thời điểm này, một số trường đã đưa ra tiêu chí xét tuyển. Trường THCS Lê Lợi (quận Hà Ðông) và THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) đều xét tuyển theo kết quả học tập năm năm tiểu học của các em, cộng với thành tích các em đạt được trong kỳ thi giải toán qua mạng in-tơ-nét, Ô-lim-pích tiếng Anh, thi tin học, mỹ thuật, thể dục thể thao... cấp quận, cấp thành phố. Phương án cụ thể đang được xây dựng, khi được chấp thuận sẽ công khai trên trang web của trường. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, đây chưa phải là giải pháp hay và vô hình trung lại "tiếp tay" cho tình trạng dạy thêm, học thêm phát triển, vì để đoạt những giải thưởng này, các em học sinh phải khổ luyện rất nhiều.
Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, điều cốt yếu là cần rút ngắn sự chênh lệch về chất lượng dạy, học, điều kiện cơ sở vật chất giữa các trường. Khi chất lượng dạy và học, cơ sở vật chất các nhà trường tốt đồng đều, chắc chắn các vị phụ huynh sẽ không còn tâm lý chọn trường, chọn lớp, gây áp lực quá nặng nề về học tập đối với con em mình, đặt ra những bài toán khó đối với ngành giáo dục như hiện nay.