Chung quanh Hội nghị cấp cao MRC

Thị trấn nghỉ mát ven biển Hua Hin, nơi tổ chức  HNCC MRC lần thứ nhất .
Thị trấn nghỉ mát ven biển Hua Hin, nơi tổ chức  HNCC MRC lần thứ nhất .

Hôm nay và ngày mai, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGOs) quan tâm đến dòng Mekong hùng vĩ sẽ tổ chức Hội thảo tại trường Đại học Chulalongkorn (ở Thủ đô Băng cốc) để thảo luận hàng loạt vấn đề quanh dòng sông quốc tế này, đúc kết những kiến nghị, ý tưởng mới, góp một phần nhỏ cho HNCC MRC lần thứ nhất thành công tốt đẹp.

Một điểm ven bờ Mekong ở Thái-lan.

Trước khi Hội thảo khai mạc, nhà hoạt động xã hội-môi trường Thái-lan (một trong số những người của ban tổ chức), ông Suwit Kularbwong cho biết, ông không đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Tài nguyên Thái-lan Suwit Khunkitti xây dựng bảy đập nước nhằm nâng mực nước sông ở bốn quốc gia thành viên Việt Nam, Thái-lan, Lào và Campuchia. Vì những can thiệp một cách “thô bạo” vào dòng sông, chắc chắn sẽ gây ra nhưng hậu quả khôn lường cho hệ sinh thái, văn hóa, xã hội và cuộc sống của người dân trong lưu vực.

Ông Suwit hy vọng, một bầu không khí dễ chịu được duy trì vì đây là lần đầu tiên trong 15 năm, Trung Quốc đã hứa sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các con đập đang hoạt động hay trong dự án và chế độ thủy văn quan sát trên Lan Thương. Thái-lan đang hy vọng thu hút được Trung Quốc và Myanmar gia nhập vì MRC đã muốn có thêm thành viên là tất cả các nước chung dòng Mekong. 

Nhiều nhà hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau cho rằng, 15 năm tồn tại của MRC là một “thất bại” bởi vì hầu hết các dự án đề xuất quá chú tâm vào mục đích cải thiện kinh tế, không coi trọng và dự liệu những hậu quả gây ra đối với văn hóa, xã hội, môi trường. Họ hy vọng, trong hai ngày Hội nghị sẽ đúc kết những quan điểm, kiến nghị chính, trình lên HNCC MRC tại Cha Am và Hua Hin.  

Thái-lan hiện chủ trì MRC, đã chính thức nêu yêu cầu Trung Quốc cung cấp các thông tin chi tiết và chế độ thủy văn của bốn đập nước đã được xây dựng và bốn đập trong kế hoạch xây dựng trên thượng nguồn Mekong được gọi là Lan Thương.

Tờ Nation đặt bài của tác giả Sunchindah Apichai, nhà văn, cố vấn chính sách cho cơ quan Hợp tác kỹ thuật CHLB Đức tại văn phòng Băng cốc. Dưới tựa đề : Hợp tác Mekong-Lan Thương, chia sẻ ASEAN - Trung Quốc làm MRC đổi mới, bài báo viết, trận đại hạn ở hầu hết các quốc gia lục địa Đông-Nam Á, cũng như một phần vùng tây nam Trung Quốc đang diễn ra, trong mấy tuần gần đây càng thêm trầm trọng. Càng làm lưu lượng và mực nước Mekong xuống thấp gây lo lắng, nghi ngờ và làm căng thẳng quan hệ giữa các quốc gia ven sông. Mặc dù mùa khô đến hằng năm là bình thường, nhưng là bất thường trong năm nay là mức độ nghiêm trọng của hạn hán xảy ra ở khu vực này, tình trạng thiếu nước ở diện rông trong lưu vực sông.


Đập Manwan trên Lan thương (Trung Quốc) (ảnh chụp năm 2007).

Một số người nói rằng, tại Trung Quốc đã xây đập trên dòng chính Lan Thương-Mekong, gây ra mực nước thấp trong phần còn lại ở hạ lưu dòng sông. Điều này đang trở thành một vấn đề nóng, dự kiến sẽ thảo luận lần đầu tiên tại HNCC  MRC tại Hua Hin, trong ngày 4 và 5-4, trùng với kỷ niệm 15 năm thiết lập Ủy ban sông Mekong (MRC).  

MRC được thành lập tháng 4-1995, để thúc đẩy và phối hợp quản lý bền vững và phát triển nguồn nước và các tài nguyên liên quan trong bốn quốc gia lưu vực sông Mekong gồm Việt Nam, Thái-lan, Lào và Campuchia. Hai quốc gia có chung dòng sông là Trung Quốc và Myanmar là đối tác đối thoại của MRC. Hiện tại MRC đang lưu trữ kết quả quan sát, các thông tin kỹ thuật và kinh nghiệm thực tế trên hệ thống sông Mekong, được tích lũy trên 50 năm. Sức mạnh của MRC nằm trong năng lực kỹ thuật hoạt động của tổ chức này.  

Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, MRC tương đối yếu hơn về ảnh hưởng ngoại giao và đàm phán trực tiếp với các đối tác đối thoại so với các Hiệp hội mười thành viên khu vực Đông-Nam Á (ASEAN) khi có thêm các thành viên Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore. Điều đáng quan tâm, Trung Quốc cũng là một đối tác đối thoại của ASEAN, có những tham gia tích cực trong các khuôn khổ hợp tác ASEAN-Trung Quốc, như Khu vực tự do thương mại ASEAN-Trung Quốc (CAFTA), Hợp tác ASEAN phát triển lưu vực sông Mekong (AMBDC) cũng như các Kế hoạch hành động (KHHĐ) để thực hiện Tuyên bố chung về các chiến lược ASEAN-Trung Quốc về Quan hệ đối tác vì Hòa bình và Thịnh vượng (2005-2010).

ASEAN và Trung Quốc cũng như các MRC đã cam kết thường xuyên đối thoại và chia sẻ thông tin liên quan đến việc sử dụng nước và tài nguyên trong lưu vực Mekong. Do đó, vấn đề tiếp theo cần thiết lập các biện pháp để bảo đảm phù hợp với các mục tiêu đã nêu. ASEAN cũng nên tích hợp quản lý tài nguyên nước, chủ động và có kế hoạch để tham gia vào một thỏa thuận với MRC để hợp tác trên một số lĩnh vực quan tâm chung. Trong HNCC sắp tới của MRC, hy vọng sẽ là diễn đàn cởi mở và xây dựng để bàn thảo, lựa chọn giải pháp đối phó với những thách thức trong tiến trình phát triển Mekong.  

Chia sẻ nguồn nước và các nguồn lực khác chỉ có thể được quản lý một cách có hiệu quả trên cơ sở công bằng và bền vững, thông qua tham vấn chặt chẽ, trên tinh thần tin cậy lẫn nhau và hợp tác. Về vấn đề này, ASEAN có kinh nghiệm trong vấn đề Biển Đông khi đàm phán với Trung Quốc. Kinh nghiệm này có thể giúp ích trong việc làm thế nào để chia sẻ một nguồn tài nguyên thiên nhiên trong một thỏa thuận đa phương, mà các bên đều chấp nhận một cách dễ chịu nhất.  

Trong trường hợp cụ thể này này, ASEAN nên đứng ra đại diện cùng bốn nước ASEAN trong MRC, thuyết phục Trung Quốc, để cùng nhau ra Tuyên bố về cách ứng xử tương tự như Tuyên bố về các nguyên tắc cách ứng xử Biển Đông (năm 2002) sau một thời gian dài đàm phán khó khăn. Một kịch bản tương tự như vậy, có thể giúp ích trong việc cùng chia sẻ sử dụng nguồn nước ngọt và các nguồn tài nguyên của Mekong phục vụ cuộc sống của ít nhất là 60 triệu người đang sống trong lưu vực con sông .  

Một cách nói khác, tinh thần hợp tác Lan Thương - Mekong đã xuất hiện nhiều thập niên trước, ở cả nước vùng thượng lưu và các nước vùng hạ lưu Mekong, nên được cổ vũ và khích lệ để các nước khu vực ven sông tham gia một cách tích cực, tiếp cận, hình thành khuôn khổ chính trị, pháp lý và thể chế. Có lẽ bây giờ là thời điểm thích hợp cho một thỏa thuận khung toàn diện, gắn kết Mekong - Lan Thương vì mục đích chia sẻ nguồn lợi, bảo vệ và phát triển dòng sông quốc tế lớn này.

Bùi Căn