Chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm

Việc Chính phủ Anh công bố kế hoạch thắt chặt chi tiêu công đã khiến đồng bảng Anh mất giá, trong khi chứng khoán thế giới cũng chìm trong sắc đỏ do triển vọng kinh tế ảm đạm và khả năng các nước tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
0:00 / 0:00
0:00
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) tại Mỹ, ngày 10/1/2022. (Ảnh: Reuters)
Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) tại Mỹ, ngày 10/1/2022. (Ảnh: Reuters)

Trong thông báo ngày 17/11, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt khẳng định kế hoạch tài chính trị giá 55 tỷ bảng (64,8 tỷ USD), bao gồm các biện pháp tăng thuế và thắt chặt chi tiêu, đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo ổn định tài chính sau biến động thị trường gần đây.

Mặc dù ông Hunt nhấn mạnh những biện pháp trên sẽ giúp giảm bớt nguy cơ kinh tế đi xuống, song điều này đã không trấn an được thị trường, khi đồng bảng Anh mất giá và lãi suất trái phiếu chính phủ tăng lên.

Tỷ giá đồng bảng Anh đã giảm từ mức 1 bảng đổi được 1,1914 USD còn 1 bảng đổi được 1,1867 USD. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/11, chỉ số chứng khoán FTSE tại thị trường London đã giảm 0,1% xuống còn 7.346,54 điểm.

Cùng chung xu hướng trên, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) giảm 0,5% xuống 6.576,12 điểm, trong khi chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 0,2% xuống 14.266,38 điểm.

Các nhà đầu tư lo ngại rằng, kế hoạch ngân sách trên sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh, sau khi lạm phát vọt lên mức cao nhất trong 4 thập kỷ là 11,1%, chính phủ thừa nhận rằng kinh tế đã rơi vào suy thoái và tình trạng này có nguy cơ kéo dài tới 2 năm.

Tại Mỹ, phần lớn các chỉ số chứng khoán chốt phiên giao dịch ngày 17/11 giảm điểm, khi các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, dù biện pháp này có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã giữ nguyên ở mức 33.546,32 điểm, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 0,3% và 0,4% xuống còn 3.946,56 điểm và 11.144,96 điểm.

Chủ tịch chi nhánh St. Louis của FED James Bullard nhận định, lãi suất cho vay hiện nay vẫn chưa đủ mạnh và cần phải có thêm các đợt tăng lãi suất trong thời gian tới.

Trong khi đó, Chủ tịch chi nhánh thành phố Kansas của FED Esther George thận trọng cho rằng, hiện chưa rõ các nhà hoạch định chính sách sẽ sử dụng biện pháp nào để hạ nhiệt lạm phát mà không làm chậm lại đà tăng trưởng hoặc thậm chí khiến kinh tế suy giảm.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất, khiến tăng trưởng kinh tế đi xuống và nhu cầu năng lượng suy giảm.

Cụ thể, giá dầu WTI giao tháng 12 tại thị trường New York (Mỹ) đã giảm 4,6% xuống 81,64 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 30/9. Giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1 tại thị trường London (Anh) giảm 3,3% xuống 89,78 USD/thùng.

Nhà phân tích Craig Erlam tại nền tảng thương mại trực tuyến OANDA cho rằng, dù đã nới lỏng một số biện pháp phòng dịch Covid-19, song xu hướng gia tăng số ca nhiễm tại các thành phố lớn, việc xét nghiệm quy mô lớn và các biện pháp hạn chế của Trung Quốc vẫn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ trong ngắn hạn.