Hội Đông y Việt Nam hiện được tổ chức theo bốn cấp: trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Mạng lưới khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y được tổ chức khắp mọi vùng miền, kể cả vùng sâu, vùng xa khi cả nước có hơn 10 nghìn phòng chẩn trị đông y và trung tâm đông y do các lương y, bác sĩ chuyên khoa đông y là người chủ trì; 68 bệnh viện y học cổ truyền và một viện y dược cổ truyền; hơn 1.000 khoa đông y tại các bệnh viện đa khoa trên cả nước...
Với kiến thức nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn, lương y có vai trò quan trọng và quyết định đối với hiệu quả của công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng đông y. Do vậy, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đối với các lương y là bảo vệ quyền lợi người dân trong công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, một số lượng lớn lương y là những người trưởng thành từ các gia đình có truyền thống hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y, hoặc những người có bằng cấp khác nhưng lại yêu thích đông y và tự học, hay tham gia các khóa học về giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y của các tổ chức hội đông y trong toàn quốc.
Có nhiều người là phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ tây y, hay dược sĩ đại học, hoặc tiến sĩ ngành khác muốn trở thành lương y để hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y.
Tính đến đầu năm 2023, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp cũng không đưa giáo dục nghề nghiệp đối tượng lương y vào điều chỉnh. Như vậy, đối tượng lương y chưa có quy định về đào tạo.
Tại khoản 4 Điều 6 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định: Đối với “Tổ chức xã hội-nghề nghiệp về khám bệnh, chữa bệnh” là “phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cho các hội viên theo quy định của pháp luật”. Do đó, giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn cho đối tượng lương y, là một yêu cầu hết sức cấp thiết.
Mặc dù số lượng hội viên khá lớn, với khoảng 69.500, nhưng đến thời điểm hiện tại mới có chưa đầy 20% số hội viên được cấp giấy phép hành nghề.
Việc cấp giấy phép hành nghề lương y dựa trên việc cấp giấy chứng nhận lương y và được thực hiện theo Thông tư số 29/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế quy định “cấp, cấp lại giấy chứng nhận là lương y”. Nhưng đến nay, các đối tượng được cấp giấy chứng nhận lương y theo quy định của Thông tư 29 nêu trên đã không còn phù hợp với thực tế.
Nhằm bảo đảm những người được Bộ trưởng Y tế cấp “Giấy chứng nhận Lương y” là những người có kiến thức chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y, Hội Đông y Việt Nam đã chủ động tổ chức xây dựng Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y cho hội viên theo trình tự bốn bước.
Chương trình sau khi được thẩm định và ban hành gồm có 14 học phần, trong đó có 12 học phần chuyên môn, một học phần ngoại ngữ Hán văn và một học phần các quy định của Nhà nước về tổ chức, quản lý hành nghề y dược Việt Nam; khối lượng Chương trình đào tạo là 150 tín chỉ, hoặc theo thời gian niên chế là 60 tháng. Chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y này dựa trên nền tảng Chương trình đào tạo bác sĩ chuyên ngành y học cổ truyền của các trường đại học y dược trong cả nước, có bổ sung thêm phần kiến thức đông y.
PGS, TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nêu rõ, trong ngành đông y, việc hành nghề có rất nhiều bí quyết, bởi lẽ một nội dung, người này làm có kết quả, người khác làm không có kết quả, cũng như yếu tố gia truyền trong khám bệnh, chữa bệnh rất quan trọng và có khi đóng vai trò quyết định đối với việc phương pháp chữa bệnh có hiệu quả hay không.
Do vậy, trong giáo dục nghề nghiệp đông y, việc truyền thụ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp phải lấy phương pháp truyền nghề - cầm tay chỉ việc của các bậc thầy lương y làm phương pháp đặc thù và cần được đề cao, chú trọng; xem truyền nghề như là phương pháp khai thác và giữ gìn bí quyết nghề nghiệp trong hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y.
Giáo dục nghề nghiệp đông y bằng truyền nghề sẽ giữ được bản sắc đông y và bí quyết nghề nghiệp. Phương pháp giáo dục nghề nghiệp bằng truyền nghề cần được coi trọng như giáo dục hàn lâm tại các trường đại học.
Tuy nhiên, việc giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn cung cấp năng lực khám bệnh, chữa bệnh bằng đông y hiện chưa có quy định cụ thể để thực hiện cho nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y để học tập.
Là cơ quan chịu trách nhiệm về chuyên môn đông y, có đủ điều kiện về nhân lực, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành đông y và để thực hiện mục tiêu giáo dục truyền nghề, mới đây Hội Đông y Việt Nam đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao đơn vị này chủ trì tổ chức các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y theo phương pháp truyền nghề cho hội viên trước khi trình cấp có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận Lương y”.
Sau khi được giao nhiệm vụ và hoàn thiện chương trình giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y, Hội Đông y Việt Nam sẽ phối hợp, chỉ đạo 63 hội đông y cấp tỉnh, thành phố và các chi hội đông y trực thuộc Hội Đông y trung ương, tổ chức giáo dục nghề nghiệp, bồi dưỡng chuyên môn đông y cho hội viên, những người có nhu cầu hành nghề lương y trên toàn quốc.
Những hội viên được cấp “Giấy chứng nhận Lương y” đủ điều kiện để tiến hành làm hồ sơ đề nghị sở y tế, hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy phép hành nghề Lương y”.