Chuẩn hóa chất lượng đào tạo ngành du lịch

Trên “đường đua” du lịch quốc tế, muốn thu hút khách bằng những dịch vụ, sản phẩm đạt chuẩn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam thì việc nâng cao trình độ, kỹ năng của nguồn nhân lực du lịch theo chuẩn quốc tế là đòi hỏi mang tính tất yếu.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia nước ngoài hướng dẫn học viên thực hành tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. (Ảnh TCDLSGT)
Chuyên gia nước ngoài hướng dẫn học viên thực hành tại Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist. (Ảnh TCDLSGT)

Thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã chứng minh khả năng phục hồi mạnh mẽ với sự tăng trưởng liên tục về lượng khách ở cả thị trường quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chất lượng và sự bền vững của nguồn nhân lực du lịch nước ta chưa thể bắt kịp sự tăng trưởng đó và còn nhiều hạn chế.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội, trên thực tế, nhu cầu về nhân lực du lịch đang rất lớn, bởi ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển lao động từ nước ngoài vào nước ta và ngược lại cũng ngày một tăng, dẫn đến cạnh tranh trên thị trường lao động du lịch thêm phần gay gắt. Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành du lịch cần hơn 40.000 lao động, nhưng các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch trên cả nước chỉ cung ứng được khoảng 15.000 người.

Đáng nói, chỉ hơn 15% trong số đó có trình độ cao đẳng, đại học và cũng chỉ có 43% đội ngũ lao động được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy cho biết: “Nhiều lĩnh vực còn thiếu lao động có tay nghề cao và thông thạo ngoại ngữ như dịch vụ lưu trú, hướng dẫn viên...; lực lượng cán bộ chuyên môn, chuyên gia giỏi về quản lý nhà nước, doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, hoạch định chính sách, nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược, quy hoạch... cũng rất thiếu”.

Từ thực tiễn quan sát thị trường nhân lực du lịch những năm qua, bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn IHG (Intercontinental Hotels Group) tại khu vực Đông Dương và Hàn Quốc cũng cho rằng, đứng trước áp lực phải thay đổi nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu, xu hướng du lịch mới của khách hàng, đội ngũ lao động du lịch Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong nâng cao kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Khả năng ngoại ngữ, cập nhật thông tin, làm việc nhóm, nắm bắt tâm lý khách hàng còn yếu dẫn đến nguy cơ dễ bị thua ngay trên sân nhà.

Bằng chứng dễ nhận thấy là ở nhiều cơ sở lưu trú 5 sao, vị trí quản lý cấp cao đang hầu hết do người nước ngoài đảm nhận. Thực tế này đặt ra yêu cầu phải có chiến lược đồng bộ để phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Tính đến hiện tại, Việt Nam đang áp dụng một số tiêu chuẩn trong đào tạo như: Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS), tiêu chuẩn chung trong ASEAN về nghề du lịch (ACCSTP), tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia..., nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ lao động du lịch.

Song các chuyên gia cho rằng, vẫn cần có khung năng lực đáp ứng chuẩn quốc tế để làm thước đo cho các cơ sở đào tạo du lịch áp dụng thực hiện và xây dựng chuẩn đầu ra đối với người học, bảo đảm người học sau tốt nghiệp có thể thích nghi ngay với thị trường lao động không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Trang Nhung, Đại học Tôn Đức Thắng, mã ngành đào tạo du lịch hiện chưa có sự thống nhất, trường thì có mã ngành du lịch riêng, trường thì đào tạo du lịch chung trong mã ngành Việt Nam học. Cần nhanh chóng có quy định cụ thể, chặt chẽ về mã ngành đào tạo du lịch ở các hệ, cơ sở đào tạo trên cả nước.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết đào tạo quốc tế với các trường có chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch tốt trong khu vực và trên thế giới, thông qua nhiều hoạt động như trao đổi sinh viên, học viên, giảng viên; tổ chức các hội thảo khoa học, báo cáo chuyên đề học hỏi kinh nghiệm…, từng bước rút ngắn cách biệt chất lượng lao động Việt Nam với khu vực và thế giới.

Trước thực trạng không ít cơ sở đào tạo du lịch đang sử dụng đội ngũ giảng viên không có thực tế nghề, không được đào tạo chuyên sâu về du lịch, Tiến sĩ Đỗ Hải Yến, Phó trưởng Khoa Du lịch, Trường đại học Công nghệ Đông Á cho rằng, giải pháp thiết thực để chuẩn hóa chất lượng đội ngũ nhân lực du lịch là phải chuẩn hóa chất lượng giảng viên. Các cơ sở đào tạo cần quy định chỉ những giảng viên được đào tạo về du lịch và có kinh nghiệm thực hành nghề ở doanh nghiệp du lịch mới được đứng lớp dạy chuyên ngành.

Tiến sĩ Đỗ Hải Yến cũng nhấn mạnh, hòa vào xu thế hội nhập, cần có sự kết hợp bền vững giữa ba nhà: Nhà trường-nhà doanh nghiệp-nhà nước để đào tạo nghề cho nhân lực làm du lịch.

“Sự gắn kết này tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp tương lai, mang đến cơ hội công việc cho người học du lịch, và tạo ra sự thuận lợi cho công tác quản lý của Nhà nước, giảm chi phí cho nhà trường khi gắn kết doanh nghiệp, giảm thời gian lên lớp, đưa sinh viên đi học việc sớm ở các doanh nghiệp và có thu nhập”- Tiến sĩ Đỗ Hải Yến cho biết.

Mới đây, Dự án “Du lịch Thụy Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” (ST4SD) được tài trợ bởi Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ đã chính thức ra mắt Chương trình đào tạo Quản trị Du lịch và Khách sạn theo chuẩn Thụy Sĩ (Swiss Executive Hospitality Training - Swiss EHT), nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam.

Chương trình được triển khai đến năm 2027, cung cấp nội dung và phương pháp giảng dạy chất lượng cao nhờ sự chuyển giao chuyên môn và giá trị Thụy Sĩ từ EHL - trường đại học hàng đầu thế giới về ngành quản lý du lịch, nhà hàng và khách sạn của Thụy Sĩ - cho các cơ sở đào tạo của Việt Nam. Hiện có bốn trường đã được lựa chọn để triển khai chương trình, đó là:

Trường đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội), Học viện đào tạo Mến khách IBH (Đà Nẵng), Trường đại học Văn Lang, Trường cao đẳng Du lịch Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh). Điểm đặc biệt là chương trình hướng đến đào tạo đội ngũ quản lý trung và cao cấp, cũng như các nhân viên nhiều kinh nghiệm muốn hướng đến vị trí quản lý.