Chuẩn bị thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới tại 20 tỉnh, thành phố

NDO - Chương trình Giáo dục mầm non mới có nhiều điểm đổi mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cần phải thay đổi để đáp ứng trước những yêu cầu của chương trình.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 20 điểm cầu tại 20 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 20 điểm cầu tại 20 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm.

Ngày 19/12, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo về Công tác chuẩn bị thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới; tham vấn quy trình thí điểm; các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 20 điểm cầu tại 20 tỉnh, thành phố tham gia thí điểm.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết: Chương trình Giáo dục mầm non ban hành năm 2009 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu về lý luận và thực tiễn trong phát triển giáo dục mầm non Việt Nam và tiếp cận những xu hướng tiên tiến trong giáo dục mầm non của các nước trong khu vực và trên thế giới…

Tuy nhiên, trước sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn trong nước, khu vực và quốc tế, Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành còn bộc lộ bất cập, chưa bắt kịp yêu cầu về phát triển phẩm chất, năng lực của người học trong bối cảnh đổi mới; chế độ sinh hoạt của trẻ tại nhà trường lên đến khối lượng lớn gây áp lực cho giáo viên; không bảo đảm tính phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ, đặc điểm vùng miền; giáo viên không phát huy được tính linh hoạt, sáng tạo trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Đặc biệt là chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Nghị quyết số 29/NQ- TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Với những lý do trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới.

Theo lộ trình dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới trong ba năm học liên tiếp, gồm 2025-2026, 2026-2027, 2027-2028 tại 120 cơ sở giáo dục mầm non ở 20 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền trên cả nước.

Sau thời gian thí điểm, Bộ sẽ tổ chức rút kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình giáo dục mầm non mới và dự kiến triển khai đại trà tại các cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước vào năm học 2029-2030.

Vụ trưởng Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh: Việc tổ chức thí điểm là sự thận trọng của Bộ Giáo dục và Đào trong việc hướng tới ban hành Chương trình Giáo dục mầm non mới. Trong ba năm học, những vấn đề bất cập trong điều kiện triển khai chương trình sẽ được bộc lộ và sẽ có những giải pháp để bổ sung các nguồn lực như năng lực của đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất... để khi triển khai đại trà, cán bộ quản lý và giáo viên sẽ không gặp lúng túng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập các nhóm chuyên gia để xây dựng dự thảo quy trình thí điểm và dự thảo kế hoạch về triển khai quá trình thí điểm.

Chương trình Giáo dục mầm non mới có nhiều điểm đổi mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cần phải thay đổi để đáp ứng được những yêu cầu mới.

Đại điện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, đổi mới Chương trình giáo dục mầm non là một yêu cầu cấp bách, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả; bảo đảm mục tiêu phát triển toàn diện trẻ em mầm non về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một; đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam. Chương trình giáo dục mầm non mới trên cơ sở kế thừa và phát triển những ưu điểm của Chương trình giáo dục mầm non hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế.

Chương trình Giáo dục mầm non mới có 7 điểm mới. Theo đó, tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm, xã hội, hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam; tiếp cận dựa trên quyền, các công ước, điều ước quốc tế về Quyền trẻ em, bảo đảm chất lượng, công bằng, hòa nhập, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt của trẻ; trao quyền cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong phát triển chương trình giáo dục.

Ngoài ra, quy định về tổ chức chế độ sinh hoạt cho trẻ trong chương trình bảo đảm phù hợp với sự phát triển của trẻ em mầm non và chế độ làm việc của đội ngũ theo quy định Bộ luật Lao động; trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, chủ thể trong hoạt động và giao tiếp, nhà giáo dục là người hỗ trợ trẻ em; bổ sung nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn; mở rộng cơ hội tham gia và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham vấn về dự thảo kế hoạch thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới; tham vấn quy trình thí điểm; các biểu mẫu báo cáo kết quả thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non...