Chuẩn bị đủ trường, lớp cho năm học mới

Cứ đầu mỗi năm học mới, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai lại "nóng" chuyện trường lớp đáp ứng nhu cầu học sinh ra lớp. Để không tái diễn tình trạng học ca ba giữa một đô thị công nghiệp, trong năm học mới 2023-2024, các ngành chức năng đã và đang nỗ lực đưa nhiều công trình vào hoạt động trước ngày khai giảng.
0:00 / 0:00
0:00
Phòng học vi tính tại Trường tiểu học Phan Bội Châu, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.
Phòng học vi tính tại Trường tiểu học Phan Bội Châu, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa.

Sau hơn hai năm xây dựng, những ngày đầu tháng 7 này, cơ sở 3 của Trường trung học cơ sở Phước Tân 1 đã hoàn thành, bàn giao cho nhà trường sử dụng cho năm học mới 2023-2024. Cơ sở có 45 phòng học và các phòng chức năng được đầu tư khang trang với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng từ ngân sách. Đại diện nhà trường cho biết: Năm học mới này có hơn 5.300 học sinh với 80 lớp, tăng 1.800 học sinh so với năm học trước.

Do vậy, nếu không có cơ sở mới đưa vào sử dụng thì nhà trường buộc phải tổ chức học ca ba, vì không thể mượn thêm các phòng học lân cận. Cô giáo Hoàng Thị Mỹ Nhân, đã có hơn 20 năm công tác tại Trường trung học cơ sở Phước Tân 1, cho biết: Khoảng 10 năm trở lại đây, vấn đề trường lớp luôn là nỗi lo của thầy, cô giáo mỗi dịp chuẩn bị năm học mới, bởi dân số phường Phước Tân tăng cơ học nhanh, kéo theo đó là nhu cầu ra lớp 1 và lớp 6 hằng năm đều tăng cao.

"Tiếp nhận bàn giao thêm cơ sở mới khang trang, với đầy đủ các phòng chức năng trước thềm năm học mới, bản thân tôi cũng như tập thể giáo viên trường rất phấn khởi, vì giải quyết được tình trạng quá tải trường lớp như nhiều năm qua. Đây là động lực lớn để giáo viên, học sinh nhà trường dạy tốt, học tốt và ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục", cô giáo Nhân chia sẻ.

Trong khi đó, 12 phòng học được đầu tư 12 tỷ đồng, xây dựng trên nền đất hiện hữu của Trường tiểu học Phan Bội Châu, phường Long Bình cũng đã kịp đưa vào sử dụng cho năm học mới, không chỉ giúp chấm dứt tình trạng nhà trường phải mượn phòng học của các trường lân cận như những năm học trước, mà còn làm giảm sĩ số trên lớp xuống dưới 50 em.

Cô giáo Vũ Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Bội Châu cho biết: Năm học 2023-2024, trường có hơn 3.700 học sinh với 74 lớp. Với số lượng phòng học vừa được xây dựng, đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng đủ số lớp của nhà trường, không phải đi mượn cơ sở khác để tổ chức dạy như nhiều năm qua. Dù không thực hiện được theo chương trình mới là học sinh học hai buổi/ngày, nhưng bảo đảm dạy học 6 buổi/tuần.

Thành phố Biên Hòa là đơn vị cấp huyện có dân số đông nhất cả nước thời điểm hiện tại với khoảng 1,2 triệu người, hằng năm lại tiếp nhận một lượng người dân nhập cư đông nên cứ trước thềm mỗi năm học mới, địa phương lại chịu áp lực thiếu trường lớp. 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm học mới, thành phố Biên Hòa lại tăng từ 8.000 đến 10.000 học sinh so với năm học trước. Riêng năm học mới 2023-2024, Biên Hòa tăng gần 9.000 học sinh, nhiều nhất là học sinh bậc trung học cơ sở với hơn 8.200 học sinh.

Theo thống kê, thành phố Biên Hòa đang chiếm gần 40% tổng số học sinh của toàn tỉnh Đồng Nai. Rất nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở luôn trong tình trạng vượt cao về sĩ số so với quy định, trong đó, nhiều trường được xem như "siêu trường" với từ 4.500 đến hơn 5.000 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu trường lớp trong năm học 2023-2024, Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố hoàn thành, bàn giao 11 công trình trường học; trong đó có 83 phòng học cấp tiểu học, 45 phòng học cấp trung học cơ sở và 12 phòng học cấp mầm non.

Việc đưa các công trình này vào hoạt động góp phần giúp nhiều trường học kéo giảm sĩ số từ trên 50 học sinh/lớp xuống còn dưới 45 học sinh/lớp với bậc trung học cơ sở và dưới 40 học sinh/lớp với bậc tiểu học. Bên cạnh đó, nhiều trường học trước đây quá tải về sĩ số thì nay sẽ không còn phải dạy và học nhờ một số cơ sở bên ngoài.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa Văn Quang Mỹ cho biết: Những năm qua, dù đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình trường học mới, nhất là tại các phường tập trung đông người nhập cư, như: Long Bình, Long Bình Tân, Trảng Dài, Phước Tân... nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. "Hiện là thời điểm chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng nỗ lực cao nhất để hoàn thành các công trình trường học, kịp thời bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày khai giảng năm học mới 2023-2024", ông Mỹ nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh, vấn đề trường lớp luôn được lãnh đạo thành phố qua nhiều nhiệm kỳ và các phòng, ban liên quan của địa phương hết sức quan tâm, dành nguồn lực đầu tư lớn.

Năm học mới này, thành phố Biên Hòa kiên quyết không để tái diễn học ca ba như nhiều năm về trước; đồng thời, chấm dứt tình trạng các trường phải đi mượn, thuê cơ sở bên ngoài để tổ chức dạy học. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn thành phố Biên Hòa đang từng bước kéo giảm sĩ số/lớp ở tất cả các bậc học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Làm việc về công tác chuẩn bị năm học mới tại thành phố Biên Hòa và một số địa phương "nóng" chuyện trường lớp những ngày đầu tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng đề nghị các ngành, địa phương tăng cường chuẩn bị trường lớp chu đáo. Đối với những công trình có thể hoàn thành trước năm học mới thì phải chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung tối đa, thi công cả ngày lẫn đêm, kịp bàn giao cho các trường phục vụ năm học mới.

Cùng với đó, rà soát lại công tác quy hoạch để có giải pháp căn cơ, theo kịp với sự gia tăng sĩ số học sinh hằng năm, trong đó, lưu ý các chủ đầu tư các khu đô thị, dân cư thực hiện đúng quy hoạch đất được duyệt xây dựng trường học. Trường hợp chưa thực hiện xây dựng cơ sở giáo dục cần có giải pháp triển khai. Đối với khó khăn trong đầu tư trang thiết bị, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương cần kịp thời báo cáo UBND tỉnh để tháo gỡ, đáp ứng việc dạy và học cho năm học mới.