Chuẩn bị các điều kiện triển khai đường cao tốc bắc-nam

Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt 12 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) với tổng chiều dài 723,7km tuyến chính, sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 146.985 tỷ đồng. Từ khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho đến khi phê duyệt dự án chỉ trong khoảng sáu tháng, rút ngắn được một nửa thời gian so giai đoạn I (áp dụng trình tự thủ tục thông thường), đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thầu triển khai thi công dự án cao tốc bắc-nam đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm đại diện chủ đầu tư.
Nhà thầu triển khai thi công dự án cao tốc bắc-nam đoạn quốc lộ 45 - Nghi Sơn do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) làm đại diện chủ đầu tư.

Với sự phối hợp tích cực từ phía các địa phương, công tác chuẩn bị mặt bằng và mỏ vật liệu cũng như lựa chọn nhà thầu triển khai dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025) đang được các đơn vị chức năng của Bộ Giao thông vận tải rốt ráo đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu sẽ khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022.

“Chốt” mốc giải phóng mặt bằng

Giám đốc Ban Quản lý dự án và đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi Lê Quốc Đạt cho biết, dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II được bố trí số vốn hơn 870 tỷ đồng cho tiểu dự án giải phóng mặt bằng qua địa bàn tỉnh. Dự kiến, đến cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2022, các huyện của Quảng Ngãi sẽ tiến hành chi trả đợt 1 khoảng 190 tỷ đồng cho phần đất nông nghiệp. “Tỉnh Quảng Ngãi cam kết sẽ bàn giao ít nhất 50% mặt bằng dự án trước ngày 5/11 và bàn giao ít nhất 70% mặt bằng dự án trước ngày 30/11 tới làm cơ sở cho việc khởi công gói thầu xây lắp của dự án”, ông Đạt chia sẻ.

Chính quyền tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát kỹ các trường hợp hộ dân chuyển mục đích sử dụng đất, tổng hợp cụ thể để xem xét; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về giải phóng mặt bằng, tránh trường hợp trục lợi dự án; công bố giá vật liệu xây dựng và chỉ số giá xây dựng kịp thời. Tỉnh đề nghị Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) thống nhất cho phép sử dụng đất đã giải phóng mặt bằng của tuyến chính để chôn móng trụ điện, trồng trụ điện của các loại đường dây cáp điện áp thấp (từ 35kV trở xuống, các loại đường dây viễn thông) và thống nhất hành lang an toàn lưới điện của các loại đường dây này nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng của tuyến chính (đã áp dụng tương tự cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi). Đồng thời, thống nhất về chủ trương thu hồi luôn phần diện tích nằm ngoài phạm vi quy hoạch của các thửa đất bị thu hồi một phần, không đủ điều kiện canh tác, sản xuất, kinh phí chi trả lấy từ nguồn kinh phí của tiểu dự án để quyết toán.

Còn tại Bình Định, dự kiến đến ngày 20/11, tỉnh sẽ hoàn thành bàn giao 70% và đến quý II/2023, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng của dự án cao tốc bắc-nam. Đến hết tháng 11/2022, theo kế hoạch, tỉnh sẽ hoàn tất chi trả đền bù cho hơn 2.400 hộ, tương đương 78% trên tổng khối lượng phải giải phóng mặt bằng (400 tỷ đồng). Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, về giải phóng mặt bằng dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II, đến nay, các địa phương đã thực hiện đo đạc tại thực địa đạt hơn 95%, kiểm kê tài sản trên đất đạt 87% và đang tích cực triển khai xây dựng khu tái định cư, lập phương án đền bù, giải phóng mặt bằng,... phấn đấu giải phóng 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11; khởi công toàn bộ các dự án trước ngày 30/12/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023 theo yêu cầu của Chính phủ.

Hiện tại, dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II đã được Bộ Giao thông vận tải giao vốn khoảng 8.592 tỷ đồng chủ yếu phục vụ giải phóng mặt bằng (bao gồm cả 257 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư đã giao từ đầu năm). Các địa phương đang tích cực triển khai lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thực hiện giải ngân, đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Sàng lọc, chọn lựa nhà thầu kỹ càng

Để phục vụ việc lựa chọn nhà thầu, từ đầu tháng 9/2022, phương án tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án đã được Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ. Cụ thể, 12 dự án thành phần được Bộ đề xuất chia thành 30 gói thầu (phạm vi khoảng 20-40km/gói); giá trị dự kiến khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng/gói thầu; số lượng liên danh nhà thầu khoảng ba nhà thầu/gói, một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn một gói thầu. Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, công tác thiết kế kỹ thuật dự án phải hoàn thành trong tháng 10 này. Sang tháng 11/2022, các đơn vị hoàn thành dự toán toàn bộ dự án, đồng thời mời đơn vị kiểm toán vào kiểm tra, thẩm định trước khi tiến hành chỉ định thầu. Dự kiến, đầu tháng 12/2022, công tác lựa chọn nhà thầu sẽ được thực hiện, bảo đảm khởi công các dự án thành phần trong tháng 12/2022.

Là đơn vị được Bộ Giao thông vận tải giao làm chủ đầu tư dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn dài 88km, tổng mức đầu tư gần 20.500 tỷ đồng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Minh Nam cho biết, Ban đã giao các đơn vị chức năng gấp rút triển khai thực hiện, tiến hành công tác thiết kế và lập dự toán đoạn tuyến này, dự kiến sẽ trình Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định dự toán trong thời gian tới.

Đánh giá về phương án phân chia các gói thầu dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II, ông Nam khẳng định: “Xác định tiêu chí một gói thầu có giá trị từ 3.000 tỷ đồng trở lên đã có thể lựa chọn được nhà thầu lớn, có đủ năng lực, kinh nghiệm thi công và tránh được tình trạng manh mún trong phân chia gói thầu. Hiện tại, trong nước có rất ít nhà thầu đủ năng lực đảm đương gói thầu quy mô lớn hơn 5.000 tỷ đồng. Trong năm nay và đầu năm sau, một số nhà thầu sẽ kết thúc dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn I, chắc chắn những nhà thầu này với năng lực và kinh nghiệm thi công sẽ tham gia triển khai dự án giai đoạn II”. Mặt khác, trong trường hợp liên danh ba nhà thầu tham gia gói thầu, nhưng từng thành viên vẫn phải đáp ứng đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh, đồng thời, cơ quan quản lý cũng có các chế tài giám sát, xử lý đúng quy định theo hợp đồng đã ký, cho nên không có chuyện “phân mảnh” nhà thầu trong quá trình triển khai như một số ý kiến lo ngại.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam Trần Chủng, quá trình chỉ định thầu cao tốc bắc-nam giai đoạn II tới đây cần công khai rộng rãi về tiêu chí và kết quả lựa chọn. Khi ấy, giám sát doanh nghiệp trúng thầu không chỉ là chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước mà còn là người dân, các nhà thầu trong lĩnh vực giao thông bị “trượt” vòng chỉ định. Đồng thời, căn cứ hồ sơ do nhà thầu chính đề xuất, nếu thầu phụ kém, không đạt năng lực so khối lượng công việc được giao, cơ quan quản lý cần phải xem xét, thực hiện việc xử lý thầu chính.

Không để xảy ra tham nhũng, thông thầu

Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn II. Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án theo đúng thẩm quyền quy định theo các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ và quy định pháp luật về đấu thầu. Bộ phải lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: không chia nhỏ gói thầu vì sẽ mất nhiều thời gian, khó liên thông kết nối, gây chậm trễ, tăng kinh phí, tăng tổng mức đầu tư,…