Chú trọng sản xuất tôm giống bố mẹ cho phát triển ngành tôm Việt Nam

NDO - Ngày 17/4, tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị “Quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2024”, nhằm tìm giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý giống tôm nước lợ và chủ động hơn nữa việc sản xuất tôm giống bố mẹ.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Dự hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các sở, ngành tại 28 tỉnh, thành phố ven biển cùng các hiệp hội, cơ sở sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm;…

Theo ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản), năm 2023, việc sản xuất giống và nuôi tôm nước lợ vẫn đạt được một số kết quả nhất định.

Chú trọng sản xuất tôm giống bố mẹ cho phát triển ngành tôm Việt Nam ảnh 1

Nông dân tỉnh Ninh Thuận an tâm phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng.

So năm 2022, diện tích nuôi cả nước đạt 737.000ha (bằng 100%), sản lượng thu hoạch ước đạt khoảng 1,12 triệu tấn (tăng 5,5%).

Hiện, cả nước có 2.270 cơ sở, đã sản xuất, ương dưỡng đạt số lượng 153 tỷ con, đáp ứng đủ giống theo nhu cầu nuôi của nông dân.

Quản lý chất lượng giống được các cơ quan chức năng liên quan tích cực kiểm soát, đã ngăn chặn có hiệu quả việc vận chuyển tôm giống không bảo đảm chất lượng đến các vùng nuôi trọng điểm trên cả nước.

Tuy nhiên, việc sản xuất, cung ứng giống tôm bố mẹ trong nước chưa hoàn toàn chủ động được. Hằng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 153.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ (chiếm 87%); riêng giống tôm sú còn phụ thuộc nhiều vào khai thác từ tự nhiên, việc cơ sở chủ động sản xuất giống chỉ đạt khoảng 30%.

Chú trọng sản xuất tôm giống bố mẹ cho phát triển ngành tôm Việt Nam ảnh 2

Trại ương dưỡng, sản xuất tôm giống thẻ chân trắng tại Ninh Thuận luôn được kiểm tra chất lượng, bảo đảm cung ứng giống nuôi thương phẩm cho thị trường cả nước.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội giống thủy sản tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: “Tôm giống là một trong 12 sản phẩm đặc thù của địa phương. Năm vừa qua, các cơ sở sản xuất tại Ninh Thuận đã cung cấp khoảng 41 tỷ con giống cho nông dân nuôi.

Tuy nhiên, do phụ thuộc vào việc nhập giống tôm bố mẹ từ nước ngoài nên phát sinh có nhiều lô tôm giống sau khi nhập về phải hủy bỏ vì bị lỗi không sinh sản được.

Do đó, các cơ sở sản xuất cần tuân thủ quy định kiểm tra về chất lượng, bảo đảm an toàn sinh học, thì sản xuất mới đạt hiệu quả”.

Đại diện Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, năm 2023, giá tôm trên thế giới giảm nhưng đầu năm 2024 đã tăng lên.

Vài năm gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống và nuôi tôm đem lại hiệu quả cao cho tập đoàn (giảm đến 50% chi phí sản xuất cũng như nuôi thương phẩm).

Qua đó, tập đoàn không chỉ đáp ứng giống chất lượng cho người nuôi với giá cạnh tranh tốt mà cả sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm cũng tăng cao.

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú kiến nghị cần có chính sách nhân rộng việc áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm trên cả nước, để cơ sở sản xuất cũng như nông dân nuôi tôm giảm nhiều chi phí so trước đây.

Nếu thuận lợi, đến năm 2030, ngành sản xuất giống, nuôi tôm, chế biến sản phẩm tôm sẽ giải quyết được bài toán khó về giá giống cao do phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nhiều đại biểu cho rằng, các địa phương, các hội, hiệp hội, người sản xuất tôm giống cần có giải pháp thống nhất trong quản lý; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn các điều kiện để chủ động sản xuất trong bối cảnh mới; nhất là việc tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất giống tôm nước lợ; các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất trong sản xuất giống tôm nước lợ; nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Chú trọng sản xuất tôm giống bố mẹ cho phát triển ngành tôm Việt Nam ảnh 3

Ninh Thuận là một trong những tỉnh cung ứng số lượng lớn nguồn tôm thẻ chân trắng nuôi thương phẩm trên cả nước.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, nghề nuôi tôm đã có bước phát triển tích cực theo hướng nâng cao hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025, với mục tiêu đạt 10 tỷ USD (tương đương mức sản xuất 1,2 triệu tấn tôm).

Chú trọng sản xuất tôm giống bố mẹ cho phát triển ngành tôm Việt Nam ảnh 4

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Theo kế hoạch năm 2024, cả nước sẽ có 737.000ha nuôi tôm thẻ chân trắng và tôm sú, ước đạt sản lượng đạt 1.150 nghìn tấn; kim ngạch xuất khẩu ước đạt từ 4-4,3 tỷ USD.

Do đó, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống sản xuất và ương dưỡng khoảng 140-155 tỷ con; trong đó, tôm thẻ chân trắng từ 100-115 tỷ con; tôm sú từ 30-40 tỷ con.

Chú trọng sản xuất tôm giống bố mẹ cho phát triển ngành tôm Việt Nam ảnh 5

Kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi xuất ra thị trường tại cơ sở sản xuất tôm giống Tuấn Hà, tỉnh Ninh Thuận.

Để đạt mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ cần chủ động nguồn tôm bố mẹ từ sản xuất trong nước; tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý giống tôm nước lợ.

Cục Thú y cần tăng cường kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh trên giống tôm nước lợ để có biện pháp xử lý, hạn chế thiệt hại cho người nuôi; tổ chức xây dựng, phát triển cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ an toàn dịch bệnh, đặc biệt là phải có giải pháp hiệu quả để xử lý bệnh trên tôm đang hoành hành, bao gồm bệnh vi bào tử trùng và mờ đục tôm.

Kiểm soát nghiêm tình hình lưu thông, cung ứng tôm giống không bảo đảm chất lượng, không qua kiểm dịch để ngăn chặn tình trạng nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện nhưng vẫn sản xuất, cung cấp tôm giống ra thị trường vào đầu vụ hàng năm, để phá bỏ lực cản lớn cho sự phát triển của ngành tôm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp giải quyết thấu đáo những khó khăn, khắc phục những bất lợi, thách thức, phát huy tối đa cơ hội để đẩy nhanh sản xuất, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Dịp này, các tỉnh, thành phố tham dự hội nghị đã cùng ký kết “Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2024”, nhằm tăng cường công tác quản lý, chia sẻ thông tin, góp phần hạn chế tôm giống không bảo đảm chất lượng lưu thông; cùng góp phần thực hiện thành công kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2024 và những năm tiếp theo.