Chú trọng quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp

Tỉnh Bắc Giang đang khẩn trương hoàn thành kế hoạch trồng 9.500 ha rừng tập trung và 6,4 triệu cây phân tán. Bên cạnh hướng dẫn về kỹ thuật, cơ quan chức năng trong tỉnh cần chú trọng quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00

Bắc Giang được đánh giá là một trong 10 tỉnh của cả nước thực hiện tốt công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Tỷ lệ cây giống lâm nghiệp trên địa bàn được kiểm soát, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng luôn chiếm tỷ lệ hơn 90% tổng số cây giống sản xuất, từ đó tạo tiền đề để cây giống được xuất bán ra các tỉnh trong nước.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Hơn 10 năm nay, gia đình ông Lý Chủ Phát, thôn Trại Lán, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam chuyên sản xuất, cung cấp nguồn cây giống chất lượng cho người trồng rừng trong và ngoài tỉnh như: Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn... Trên diện tích khoảng 5.000m2, mỗi năm, gia đình ông xuất bán ra thị trường khoảng hai triệu cây giống, trong đó chủ yếu là bạch đàn cự vĩ DH 32-29, keo BV16.

Ông Phát cho biết: “Hiện nay, thị trường giống cây lâm nghiệp có sự cạnh tranh cao, các cơ sở cần quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng cây giống. Để cây giống đến tay người dân có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt, chúng tôi nhập phôi ở địa chỉ uy tín, nguồn gốc rõ ràng và được cấp có thẩm quyền công nhận. Trong quá trình chăm sóc, nếu cây có biểu hiện còi cọc, sâu bệnh sẽ được thải loại ngay, tránh để ảnh hưởng đến chất lượng gỗ sau này”.

Toàn huyện Lục Nam hiện có bảy cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Xác định được tầm quan trọng của cây giống đối với công tác trồng rừng, ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm huyện đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt khâu sản xuất, cung ứng; đồng thời tiến hành kiểm tra hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ giống cây do các cơ sở nhập về. Bên cạnh đó, địa phương chú trọng tuyên truyền, tập huấn tới các cơ sở đưa giống cây có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, không để giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng kém lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, đơn vị cũng tăng cường khuyến cáo đến các cơ sở ưu tiên sản xuất các giống cây bản địa, loài cây có năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu tốt phục vụ trồng rừng quy mô lớn, rừng gỗ lớn.

Trên địa bàn huyện Yên Thế hiện có 86 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, trong đó 80 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân, còn lại là của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Bá Kiên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thế cho biết, từ tháng 9/2023, đơn vị đã triển khai đến các cơ sở này đăng ký kế hoạch sản xuất làm căn cứ để tổ chức kiểm tra hồ sơ cũng như quá trình nhập vật liệu giống đầu vào (hạt giống, mầm mô) đưa vào sản xuất cây giống. Về cơ bản, các cơ sở đều chấp hành đầy đủ quy định. Các loài giống cây có đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Dù vậy, để hạn chế thấp nhất tình trạng cây giống kém chất lượng đưa ra thị trường, đơn vị đã có kế hoạch kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở này và sẽ xử lý nghiêm vi phạm.

Trong năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã tổ chức thanh tra tại cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp trên địa bàn huyện Yên Thế, qua đó đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, đồng thời đã chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục ngay như việc gắn biển tên đối với các loài cây giống ở một số cơ sở còn chưa đầy đủ; chưa công bố tiêu chuẩn cây giống xuất vườn; việc hồ sơ lập và lưu giữ giống cây trồng lâm nghiệp chưa theo quy định.

Xử lý nghiêm vi phạm

Giống là một trong những khâu quan trọng nhất trong trồng rừng, quyết định việc nâng năng suất, hiệu quả trồng rừng lên cao. Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 27 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và 21 nguồn giống cây trồng lâm nghiệp còn thời hiệu được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm công nhận theo quy định.

Giữa tháng 1/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang đã thông báo, đồng thời đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp quản lý, tuyên truyền rộng rãi, công khai danh sách các cơ sở trên đến các xã, thị trấn để nhân dân lựa chọn, sử dụng giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất, chất lượng và bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đưa vào trồng rừng.

Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, để quản lý tốt giống cây lâm nghiệp, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn, bảo đảm 100% các cơ sở có đủ nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp (quy mô, điều kiện cơ sở vật chất, năng lực trình độ kỹ thuật) và số lượng cây sản xuất có hồ sơ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ; tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ quản lý cấp cơ sở, người dân về quy định trong quản lý, sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; khuyến cáo không sử dụng cây giống khi phát hiện có sâu, bệnh hại hoặc từ các vườn ươm có nguồn gốc bị sâu, bệnh hại.

Mới đây, Chi cục Kiểm lâm và các huyện: Lục Nam, Yên Thế đã xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót, vướng mắc và xử lý nghiêm những vi phạm. Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm Bắc Giang, nhằm góp phần quản lý chặt theo chuỗi, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, nâng chất lượng giống cây lâm nghiệp trên địa bàn, Chi cục sẽ tổ chức đoàn kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; yêu cầu kiểm lâm địa bàn tăng cường xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cũng như chọn mua giống tại những cơ sở uy tín, được cấp phép.

Thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân khi trồng rừng nên lựa chọn giống cây đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và đã trồng tại địa phương được 2/3 chu kỳ sinh trưởng tốt; ưu tiên giống cây mới, được sản xuất bằng công nghệ cao, nuôi cấy mô, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương. Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm quan tâm tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản liên quan về lĩnh vực lâm nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp ■