Chú trọng đào tạo nhân lực cho các dự án ngành năng lượng nguyên tử

Ngành năng lượng nguyên tử đang triển khai một số nhiệm vụ và dự án quan trọng trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu, cam kết cân bằng phát thải carbon và nhằm đóng góp mạnh mẽ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và chìa khóa thành công cho các dự án là nguồn nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vận hành máy gia tốc sản xuất dược chất phóng xạ. (Ảnh SƠN TÙNG)
Cán bộ Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vận hành máy gia tốc sản xuất dược chất phóng xạ. (Ảnh SƠN TÙNG)

Trước thực tế đó, cần xem xét bài toán nhân lực một cách nghiêm túc và xây dựng chương trình đào tạo một cách bài bản để đào tạo mới, đào tại lại nguồn nhân lực ở nhiều cấp độ khác nhau, từng bước có được đội ngũ chuyên gia hàng đầu cho nghiên cứu ứng dụng, vận hành cũng như quản lý các cơ sở hạt nhân.

Thúc đẩy các dự án quan trọng

Theo các nhà khoa học, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và thực hiện cân bằng CO2 theo các cam kết tại COP26 và COP28, nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử ngày càng có vai trò quan trọng. Ứng dụng năng lượng nguyên tử đã có mặt trong những lĩnh vực quan trọng như y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên môi trường.

Đặc biệt, điện hạt nhân với nguồn điện công suất lớn, ổn định và tin cậy, không phát thải khí CO2 là xu thế của nhiều nước trong quá trình chuyển đổi xanh.

Trong bối cảnh đó, ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam đang thúc đẩy một số dự án trọng điểm. Trước hết là Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học, công nghệ hạt nhân (thực hiện theo Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga ký ngày 21/11/2011).

Đây là dự án hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, với thiết bị chính của dự án là lò hạt nhân nghiên cứu mới công suất 10 MWt, vừa nghiên cứu tiên tiến, vừa triển khai ứng dụng. Lò nghiên cứu mới sẽ thay thế lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, với công suất 0,5 MWt, được xây dựng từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước.

Về nghiên cứu, lò mới sẽ tập trung một số lĩnh vực truyền thống như vật lý hạt nhân, hoặc nghiên cứu tiên tiến như khoa học vật liệu, sinh học… Về ứng dụng, lò mới sẽ sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất phóng xạ phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư, với chủng loại dược chất mới có thể gấp 5-7 lần so với lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay, đáp ứng nhu cầu chữa trị không chỉ trong nước mà có thể xuất khẩu.

Lò mới cũng sẽ triển khai ứng dụng chiếu xạ silic để tạo ra vật liệu bán dẫn cho ngành công nghiệp sản xuất chip. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện bộ và đối tác phía Nga là Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM) đang phối hợp chặt chẽ trong việc lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi và Hồ sơ địa điểm cho lò mới.

Đây là dự án được cả hai phía Việt Nam-Nga rất quan tâm, được đưa vào danh mục ưu tiên thực hiện trong hợp tác giữa hai Chính phủ. Việc triển khai dự án thành công sẽ góp phần đưa nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam lên tầm cao mới.

Dự án thứ hai là Mạng Quan trắc và cảnh báo phóng xạ quốc gia (triển khai theo Quyết định số 1636/QĐ-TTg ngày 31/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ). Mạng lưới quan trắc phóng xạ sẽ phát hiện những thay đổi bất thường về phông phóng xạ trên lãnh thổ Việt Nam, từ đó, cùng các công cụ và phương pháp dự báo khác, sẽ cho biết sự cố rò rỉ phóng xạ xảy ra ở đâu, mức độ thế nào, để có thể đưa ra các biện pháp phòng chống và ứng phó phù hợp.

Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, khi gần Việt Nam có nhiều lò hạt nhân đang vận hành thì mạng quan trắc và cảnh báo phóng xạ quốc gia có vai trò rất quan trọng. Những năm qua, hệ thống mạng quan trắc này đã được xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành.

Các trạm đo online địa phương đã được triển khai, với khoảng hơn 10 trạm, chủ yếu ở phía bắc. Tòa nhà điều hành, hệ thống thiết bị điều khiển trung tâm cũng đã được lắp đặt, nhưng vẫn cần hoàn thiện một số hạng mục, bổ sung một số thiết bị để có thể hoàn thành dự án và đưa vào vận hành.

Chính phủ đang giao Bộ Công thương nghiên cứu, xem xét việc quay lại phát triển điện hạt nhân (theo Công văn số 412/TB-VPCP ngày 12/9/2024). Tiến sĩ Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh.

Bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, bảo đảm nguồn điện ổn định và tin cậy cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn. Phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước; cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ; thúc đẩy các ngành công nghiệp nền tảng để phát triển đất nước như: Cơ khí chế tạo, đo lường, tự động điều khiển, công nghệ hóa học, vật liệu thép luyện kim...

Chuẩn bị nguồn nhân lực

Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, từ những năm 50-60 của thế kỷ trước, Đảng và Nhà nước đã gửi cán bộ và sinh viên sang các nước học tập và nghiên cứu về lĩnh vực hạt nhân.

Liên Xô là nơi đào tạo cho Việt Nam số lượng nhiều nhất cán bộ khoa học về ngành hạt nhân. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Việt Nam bắt đầu gửi sinh viên sang Liên Xô học về điện hạt nhân; một số ít được gửi sang các nước Đông Âu học tập.

Khoảng 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã gửi hơn 400 sinh viên sang Liên bang Nga học về điện hạt nhân, nhất là từ sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (2009). Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng Nhật Bản đã đào tạo một số cán bộ cho dự án điện hạt nhân, số lượng hơn 20 cán bộ.

Tuy nhiên, sau khi có chủ trương dừng các dự án điện hạt nhân, phần lớn các cán bộ được đào tạo này chuyển sang làm việc với chuyên ngành khác, một số lượng nhỏ cán bộ về làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam. Có khoảng 4-5 cán bộ Việt Nam sau khi tốt nghiệp Trường đại học Quốc gia nghiên cứu hạt nhân MEPhI (Nga) được Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM) tuyển dụng làm việc tại dự án điện hạt nhân của Bangladesh.

Hơn 10 năm qua, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cũng gửi khoảng gần 100 cán bộ nghiên cứu sang Nga và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... làm thạc sĩ hoặc nghiên cứu sinh, sau khi làm xong tiến sĩ, một số cán bộ tiếp tục ở lại nghiên cứu ở nước ngoài.

Như vậy cho đến nay, số lượng cán bộ ngành hạt nhân vẫn tiếp tục đi theo chuyên ngành được đào tạo (trong các viện nghiên cứu và trường đại học trong nước) khoảng trên dưới 1.000 người, trong đó, số cán bộ nghỉ hưu trong những năm qua khá nhiều.

Nhìn vào các con số nêu trên có thể thấy lực lượng nghiên cứu, triển khai nghiên cứu, ứng dụng cũng như đội ngũ quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử đang rất mỏng, khó có thể đáp ứng được thực tiễn và nhiệm vụ đặt ra hiện nay. "Theo nghiên cứu sơ bộ, Dự án lò hạt nhân nghiên cứu mới cần khoảng 400 cán bộ làm việc.

Đây là một nhiệm vụ khó khăn nếu không có những giải pháp bài bản và thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân. Với Dự án Mạng Quan trắc và cảnh báo phóng xạ quốc gia, việc phối hợp giữa số liệu đo online và kết quả mô phỏng tính toán là cần thiết. Vì thế, ngoài nhân lực về thiết bị, về đo đạc, về số liệu đo phóng xạ (dữ liệu lớn) thì nhân lực về mô phỏng tính toán cũng là đội ngũ cần đào tạo và bảo đảm làm việc lâu dài mới có thể làm chủ và thực hiện được những nhiệm vụ đặt ra.

Trong trường hợp Việt Nam quay lại các dự án điện hạt nhân, số lượng nguồn nhân lực cần thiết sẽ cao hơn rất nhiều. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng một kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân, để có thể đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ quan trọng trong thời kỳ mới"- Tiến sĩ Trần Chí Thành nhấn mạnh.

Tiến sĩ Trần Đình Trọng (Viện Vật lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cho rằng cần chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực bởi nếu không sẽ dẫn đến việc có thiết bị hiện đại nhưng không có người sử dụng.

Theo các chuyên gia, để có thể xây dựng một chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hạt nhân, trước hết cần xác định rõ các mục tiêu trước mắt, xác định nhu cầu nguồn nhân lực.

Những phương thức đào tạo có thể sử dụng như: Lựa chọn một số trường đại học phù hợp ở trong nước, xây dựng chương trình đào tạo theo kinh nghiệm quốc tế, tìm kiếm giáo viên phù hợp và giỏi, có thể mời giáo viên nước ngoài, xây dựng giáo trình phù hợp, chất lượng; tìm kiếm và đào tạo lại những cán bộ trước đây đã học theo ngành hạt nhân; đào tạo tại chỗ sau đại học tại các viện nghiên cứu, các trường đại học; đào tạo theo chứng chỉ cho đội ngũ vận hành, quản lý tại các cơ sở hạt nhân; gửi sang các nước có ngành hạt nhân phát triển đào tạo sau đại học; gửi cán bộ nghiên cứu có năng lực và tâm huyết sang các cơ sở nghiên cứu tốt trên thế giới làm việc theo các chương trình hợp tác…

Để phục vụ Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân, cuối tháng 9 vừa qua, trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga, đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) và Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM), cũng như các trường đại học hàng đầu về ngành hạt nhân như MEPhI, Bauman, hay Trường Năng lượng Moscow (MEI).

Vấn đề trọng tâm được đề cập tại các cuộc làm việc là đẩy mạnh hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên gia cho từng lĩnh vực của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam.

Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đang tích cực thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và gửi cán bộ sang làm việc tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Dubna (JINR) để đào tạo đội ngũ chủ chốt cho dự án bắt đầu từ năm 2025; đồng thời đang cùng JINR xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trẻ giai đoạn 2025-2030 và sau năm 2030.

Để thực hiện thành công chương trình đào tạo nguồn nhân lực, các chuyên gia cho rằng, cần sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, chú trọng truyền thông, khuyến khích các sinh viên tài năng theo học ngành hạt nhân, cần có nguồn kinh phí phù hợp để tổ chức thực hiện các kế hoạch của chương trình đào tạo.

Hiện nay, trong khi số cán bộ chuyên gia giỏi ngày càng ít hơn do đến tuổi nghỉ hưu thì những học sinh khá, giỏi các môn tự nhiên theo học ngành hạt nhân rất ít ỏi, dẫn đến tình trạng đội ngũ chuyên gia giỏi của ngành đang giảm đi nhanh chóng.